03/11/2018 12:14 GMT+7

Cái bao lúa rách

PHƯỢNG LIÊN (TP.HCM)
PHƯỢNG LIÊN (TP.HCM)

TTO - Cái khoảnh khắc chứng kiến tình huống khốn cùng của gia đình giúp tác giả - một cô bé khi đó còn đi học - nhận ra nhiều điều để sống biết chia sẻ và thấu hiểu hơn.

Cái bao lúa rách - Ảnh 1.

Khoảnh khắc cái bao lúa rách toạc, từng hạt lúa vung vãi trên nền đất lạnh nhắc nhở tôi rằng mình phải vượt lên sự nghèo khó, phải nhất định thoát ra cái cảnh này cùng bố mẹ...

Sống trong vô tâm vô tư

Năm 1990, bố mẹ tôi rời bỏ quê hương, dắt díu nhau vào Nam sinh sống. Mẹ tôi kể lại rằng ngày đi tàu vào Nam, mẹ đã mơ tưởng đây là vùng đất hứa, là nơi giúp bố mẹ xây dựng cuộc đời. 

Thế nhưng, mọi chuyện không dễ dàng như vậy! Vào Nam, mẹ tôi quần quật làm lụng. Hồi đó bố mẹ chủ yếu trồng lúa kiếm cái ăn. Năm 1991, chị gái tôi ra đời, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

Có bao nhiêu lúa, mẹ tôi cất gọn vào trong một cái bồ nhỏ. Chúng tôi khi còn nhỏ chẳng biết làm lụng phụ bố mẹ, có chăng cũng chỉ là giúp việc nhà. Cuộc sống nghèo đói cứ thế đeo bám cả gia đình.

Những lần con cái bệnh, lần bố tôi bị sốt rét, lần nhà bị bay nóc do mưa gió lớn... mẹ tôi tất tả đi mượn tiền hàng xóm. 

Mỗi lần mượn một ít, thành ra dần dần số tiền nợ cộng với tiền lãi cứ tăng lên. Mà nhà tôi cũng chẳng có thu nhập nhiều nhặn gì, ngoài tiền lúa bán được, bố mẹ cũng chỉ chăn nuôi thêm gà vịt nhưng chẳng đáng là bao.

Chúng tôi không hề biết nhà mình đang mắc nợ. Những đứa trẻ hồn nhiên cứ suốt ngày đòi bố mẹ mua bánh, mua quà. Nhiều lần tôi giả ốm để được bố mẹ làm thịt gà nấu cháo cho ăn. 

Nhiều lần tôi nhõng nhẽo, lười học để bố mẹ phải chiều cái này cái kia. Tôi nào có biết mỗi đêm bố mẹ đều không thể ngủ ngon vì đống nợ ngày càng dày mà tiền kiếm được thì ngày càng khó khăn.

Tôi sống trong tuổi thơ vui vẻ, chẳng thiếu thốn gì so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều lần đi học tôi còn tặng bạn cây bút, quyển vở một cách rất hào phóng vì nghĩ rằng chỉ cần về xin là mẹ sẽ mua ngay. Nhiều lần tôi trộm tiền của bố mẹ một vài nghìn (mà tôi nghĩ mẹ không hay biết). 

Tôi còn cho rằng mình giỏi vì đã đánh lừa được người lớn. Cứ thế, tôi vô tâm trước sự nghèo khó của gia đình, vô tâm trước nỗi lo của cha mẹ, vô tâm với chính gia đình. Và cứ thế, tôi trở thành một đứa trẻ khôn lỏi, xấu tính lúc nào không hay.

Những hạt lúa vương vãi trên nền đất lạnh

Một tối, sau khi ăn cơm, tôi và chị gái đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng tru tréo ngoài sân. Rất nhanh sau đó, một người đàn bà to béo và hai gã đàn ông đã đứng ngay trước cửa nhà tôi. Bà quát rất to, đòi bố mẹ tôi trả tiền. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ mình khổ sở như thế. 

Bà quỳ mọp xuống, xin khất nợ, nói rằng tháng sau sẽ trả ngay số tiền đó. Nhưng người đàn bà kia nào có chịu. 

Bà và hai người đàn ông ra góc buồng, nơi chúng tôi đang ngồi, sau đó đám người ấy lục tung tất cả mọi thứ. Khi chẳng tìm được thứ gì đáng giá, người đàn bà đi ra phía sau nhà, chỗ để bồ thóc.

Tôi biết rất rõ, chỉ còn một bao thóc mẹ để dành cho cả nhà ăn và bán đi một ít lấy tiền mua sách vở cho tôi. Nghĩ đến số tiền học của mình sắp bị "cướp" đi, tôi khóc toáng lên, chị tôi khóc theo, hòa cùng vào với thanh âm nài nỉ bất lực của mẹ. 

Cả nhà chúng tôi đều khóc, bố tôi thì đứng như trời trồng, nhìn người ta trấn từng thứ một.

Người đàn bà to béo ấy dùng cả hai tay để kéo bao lúa xuống đất. Cái bao để lâu ngày rách toạc, lúa đổ xuống nền nhà. Hai người đàn ông còn lại hì hục buộc vết rách rồi họ vác cái bao đi, chỉ để lại một đống lúa nhỏ vương vãi trên nền đất lạnh.

Trước khi đi, họ không quên trừng mắt nhìn, không quên đe dọa. Cảnh xiết nợ diễn ra nhanh chóng và khiến những đứa trẻ như chúng tôi sợ hãi tột cùng. Căn nhà đang yên ấm bỗng chốc tan hoang, lộn xộn như vừa có một trận bão quét qua. 

Mẹ ôm chúng tôi, vừa khóc vừa run bần bật. Tôi cứ trân trân nhìn đống lúa đổ, nghĩ về cái bao lúa rách, nghĩ về những lần mình lấy trộm tiền, giả vờ bệnh, vòi vĩnh mẹ. 

Tôi nghĩ cả về những lần ốm sốt của bố, lần thay nóc nhà... Tôi nào có biết bố mẹ đi mượn nợ, nào có biết số tiền ấy là ở đâu ra, nào có biết đằng sau sự sung sướng của chính mình là sự hi sinh thầm lặng. 

Cũng kể từ đó, tôi không bao giờ vòi vĩnh nữa. Từ một đứa trẻ suốt ngày chỉ biết nhõng nhẽo, giả vờ, bướng bỉnh, tôi đã hoàn toàn thay đổi. Cái bao lúa rách khiến tôi tự nhắc nhở bản thân phải cùng bố mẹ vượt qua nghèo khó, vượt qua chính cái hoàn cảnh này.

Nhiều năm sau này, tôi vẫn nhớ đêm tối hôm ấy. Luôn luôn có những nỗi khổ mà bố mẹ che giấu, là để cho con cái có tuổi thơ đẹp, có sự hồn nhiên, vui vẻ. 

Những đứa trẻ sống trong gia đình, lớn lên, nhận sự hi sinh ấy mà nhiều khi quên mất sự lo toan trong mắt người thân của mình, máu mủ của mình. Chỉ khi người ta đến trấn nợ nhà mình, tôi mới biết những lần ăn cắp tiền của mình thật đáng xấu hổ, thật đáng đánh đòn.

Cái bao lúa cũng như bố mẹ tôi, sẵn sàng chịu rách toạc, đau đớn chỉ để bảo vệ từng hạt lúa chứa đựng trong mình. Đó là hình ảnh khiến tôi đau đớn và mãi mãi chẳng thể quên!

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”

* Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí:

Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

* Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

* Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

Cái bao lúa rách - Ảnh 3.
Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Tiết học bên gốc phượng Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Tiết học bên gốc phượng

TTO - Đây là bài của người viết nhỏ tuổi nhất cuộc thi đến thời điểm này: tác giả đang học lớp 8, sinh năm 2005. Một câu chuyện rất học trò nhưng cũng rất thời sự và là vấn đề xã hội trăn trở.

PHƯỢNG LIÊN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên