15/11/2017 14:54 GMT+7

Giới chuyên gia chê bai chuyến công du Trung Quốc của ông Trump

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Nhiều ý kiến nói "kẻ chiến thắng" nhiều nhất sau chuyến công du châu Á dài ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump không ai khác hơn là... Trung Quốc.

Giới chuyên gia chê bai chuyến công du Trung Quốc của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đã được tiếp đón một cách hết sức long trọng ở Trung Quốc - Ảnh: RUTERS

Theo cách diễn đạt cá nhân, "chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump" là một thành công rực rỡ.

"Đó là một tấm thảm đỏ có lẽ chưa từng ai được nhận. Và đó thật sự là dấu hiệu của sự kính trọng, một ít dành cho tôi, phần lớn dành cho đất nước chúng ta" - ông Trump khoe cách ông được Trung Quốc tiếp đãi khi ông sang Manila tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu tuần này.

Tuy nhiên, theo tạp chí Politico của Mỹ, giới ngoại giao và các chuyên gia châu Á bắt đầu râm ran bàn tán về chiến thắng của Trung Quốc và cách nhà lãnh đạo Mỹ về nước với hai bàn tay gần như... trắng.

Kết luận chính từ chuyến công du châu Á của ông Trump: gần như không có tiến bộ nào trong các vấn đề quan trọng đối với nước Mỹ. Sau cùng, đó là chiến thắng lớn nhất cho Trung Quốc.

Ông Ian Bremmer, chủ tịch hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group

Thành quả lớn nhất

Chuyện kể lại rằng các phóng viên Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Trump chỉ ra những thành quả nổi bật của chuyến công du châu Á khi họ đang trên đường về nhà trên chiếc Air Force One. 

Không do dự, ông Trump mô tả thắng lợi lớn nhất là việc ông thuyết phục được nhiều nước mua trang thiết bị của Mỹ nhằm mục đích tăng cường an ninh nội địa.

Tổng thống Mỹ cho rằng các thỏa thuận thương mại là thắng lợi cho người lao động Mỹ và ước tính con số tổng 300 tỉ USD "sẽ nhanh chóng tăng lên 3 lần, trở thành gần 1.000 tỉ USD giá trị"!

Quan trọng hơn những con số, ông Trump giải thích đó là thông điệp ông đưa ra trong suốt chuyến đi, rằng "nước Mỹ sẵn sàng cho thương mại, nhưng là thương mại có qua có lại". Với luận điểm này, ông tiếp tục chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm vì đã để nước Mỹ "bị lợi dụng" trên đấu trường kinh tế thế giới.

Ngoài ra, ông Trump khẳng định chuyến công du qua 5 nước đã tăng cường quan hệ của Mỹ với các đối tác và đồng minh, đặc biệt là quan hệ với Philippines, vốn "rất tồi tệ" dưới thời Tổng thống Obama nay đã được sửa chữa!

"Tôi nghĩ chúng tôi đã có rất nhiều tiến bộ, chỉ riêng về mặt quan hệ (với các nước). Tôi cho là chúng tôi đã làm một cách xuất sắc. Dù đó là an ninh quốc gia, an ninh thế giới hay thương mại, thành quả lao động của chúng tôi sẽ hết sức lớn lao" - Tổng thống Trump tự hào.

Các cố vấn Nhà Trắng bổ sung rằng củng cố quan hệ với các nước châu Á chủ chốt, trong đó gồm Trung Quốc, là một trong những nhiệm vụ chính của chuyến công du, bên cạnh việc cho thế giới thấy rõ hơn tầm nhìn đối ngoại của Mỹ.

Họ tin ông Trump đã chuyển đi thông điệp rõ ràng đến thế giới, rằng Mỹ sẽ không chấp nhận các thỏa thuận thương mại bất công.

Giới chuyên gia chê bai chuyến công du Trung Quốc của ông Trump - Ảnh 3.

Vợ chồng Tổng thống Trump dạo chơi Tử Cấm Thành cùng gia đình Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS

Không có tiến bộ lớn

Trái ngược với sự lạc quan của Nhà Trắng, giới chuyên gia không đánh giá cao kết quả chuyến đi của ông Trump, cho rằng ông đã thất bại trong hai mục tiêu lớn nhất là đạt được sự nhượng bộ mới của các lãnh đạo châu Á trong vấn đề Triều Tiên và khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước, đặc biệt là Trung Quốc.

Điểm sáng chính là các thỏa thuận thương mại trăm tỉ USD ở Trung Quốc, nhưng đa số chúng không mang tính ràng buộc.

Chính Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng thừa nhận trước các phóng viên rằng Mỹ không có mấy tiến bộ với Trung Quốc trong vấn đề giao thương. "Tôi cho là còn rất nhiều việc phải làm để đạt đến những mục tiêu của Tổng thống Trump" - ông Tillerson đánh giá.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ gần như không đả động gì đến chuyện nhân quyền, yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều vấn đề nhạy cảm khác từng được các chính quyền Mỹ trước nêu ra.

Dù Trung Quốc và Nga tái khẳng định cam kết trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân, không nước nào cam kết các biện pháp mới trong chuyến công du của ông Trump, chẳng hạn ủng hộ đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un như ông Trump đề xuất trong bài diễn văn ở Seoul.

Ông Trump đưa ra quá nhiều thông điệp lẫn lộn, từ khen ngợi ông Tập Cận Bình, nước Mỹ trên hết (America First), rồi thì Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do... Nó sẽ khiến khu vực bối rối về chính sách của Mỹ, trái ngược với mục tiêu chính là trấn an khu vực về cam kết của Mỹ với châu Á"

Ông Ely Ratner, cố vấn cho cựu Phó tổng thống Joe Biden

Và không có quốc gia nào ông Trump ghé thăm tỏ ý định sẽ đàm phán thương mại song phương với Mỹ. Trong khi đó, 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đạt được một thỏa thuận duy trì Hiệp định đối tác TPP mới theo tên gọi mới (đương nhiên là không có Mỹ) khi ông Trump đang có mặt trong khu vực!

Giới phê bình lo rằng Tổng thống Mỹ "bị lóa mắt" trước những lời tán dương liên tục. Họ tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi ông Trump không mạnh miệng trong các phát ngôn về Trung Quốc. 

Không chỉ né vấn đề nhân quyền, ông Trump thậm chí không bắt bẻ ông Tập Cận Bình vì thâm hụt thương mại, thay vào đó đổ hết trách nhiệm cho các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.

Phản ứng trước câu hỏi "chuyến công du châu Á của ông Trump có phải là thành công?" của một phóng viên ngày 14-11, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson chỉ nói ngắn gọn: "Cảm ơn".

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên