Trâm và mẹ trên chuyến xe về nhà - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ngòi bút tôi không thể tả hết cảm xúc khi theo chuyến xe do báo Tuổi Trẻ hỗ trợ đưa Bích Trâm từ bệnh viện về quê nhà Kiên Giang.
15h
Ba mẹ Bích Trâm bàng hoàng nghe bác sĩ nói: "Trâm yếu quá rồi, anh chị làm thủ tục đưa cháu kịp về nhà!".
Đường về nhà của em
Vợ chồng không tin vào tai mình, không muốn nghe kết luận của bác sĩ nhưng rồi phải chấp nhận thực tế, kết thúc chuỗi hành trình mà họ gọi là số mệnh của con gái Trần Thị Bích Trâm.
Em mới 14 tuổi.
17h
"Em đến ngay Bệnh viện Ung bướu. Xe đang đến. Em ấy yếu quá rồi!". Tim tôi nghẹn lại khi nhận tin nhắn.
Nhiều năm sẻ chia yêu thương ở bệnh viện, Tuổi Trẻ đã hỗ trợ những chuyến xe yêu thương để kịp đưa các thiên thần bé thơ kịp về nhà mình bất kể ngày đêm, gần xa...
Cổng bệnh viện vẫn đông đúc người. Mùi thuốc khử trùng xộc thẳng vào mũi.
Phòng 301 khoa nhi, anh Trần Văn Chắc nước mắt lăn dài, bế con gái Bích Trâm từ giường bệnh sang băng ca. Cạnh bên, người mẹ Nguyễn Thị Nhung mắt đỏ hoe, vơ vội đồ đạc, rồi giơ tay chào quanh mọi người mà nghẹn lời...
Những chuyến xe không mong đợi
18h
Tiếng lạch cạch phát ra từ băng ca lăn dài trên nền bệnh viện lạnh lẽo. Ánh đèn xe cấp cứu đậu dưới sảnh phản chiếu qua những vạt nước loang lổ còn đọng lại từ cơn mưa chiều. Băng ca nhanh chóng được đẩy vào xe.
Tôi cùng người nhà em vội vã leo lên ngồi sát bên Trâm.
Trời đang mưa lâm râm bỗng chuyển nặng hạt, mịt mờ đường phố. Trâm cố sức huơ tay từ biệt "căn nhà chung", nơi bốn tháng qua em đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật!
Mất 40 phút lăn bánh khó khăn trong nội thành, xe mới đến được đại lộ Võ Văn Kiệt. Nhiều cuộc điện thoại hỏi han từ người thân. Cha mẹ trên xe dõi theo từng nét mặt con mình.
Chuyến xe do báo Tuổi Trẻ hỗ trợ đưa Trâm và cha mẹ về nhà - Ảnh: CÔNG TRIỆU
22h
"Gắng lên con! Sắp về đến nhà con rồi!", "Trâm, cố lên con để còn về gặp anh ba, gặp nội nữa nha con!", "Trâm ơi, gắng lên em!". Lời người mẹ tràn đầy yêu thương khi Trâm khó thở. Lời cha và anh trai vỗ về em gái mình.
Suốt mấy giờ trên xe, người mẹ liên tục lay con vì sợ con gái rơi vào giấc ngủ cuối cùng. Hình như cũng cảm nhận điều gì sắp đến, Trâm gồng mình theo từng cơn đau, cố vượt qua để về được nhà mình.
Cuối cùng xe cấp cứu cũng về đến Vĩnh Thuận, Kiên Giang sau hơn sáu giờ vượt hàng trăm kilômet.
Tuy nhiên, để vào được nhà, tài xế còn phải vượt qua con đường nhỏ xíu ngoằn ngoèo và hàng loạt cây cầu rất hẹp qua kênh rạch.
Nửa đêm, người thân và xóm giềng vây kín băng ca chuyển Trâm từ xe vào nhà. Những tiếng nấc nghẹn "đâu, cháu tui đâu, cháu tui đâu?" của bà nội xen lẫn tiếng thút thít của mọi người...
Căn nhà bên vuông tôm của gia đình Bích Trâm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
"Hạnh phúc được làm con cha mẹ!"
Bốn tháng trước, chị Nhung hoảng hốt ôm con gái vừa bước sang tuổi 14 vào lòng, lên chuyến xe khách Kiên Giang - Sài Gòn. Nơi mẹ con đặt chân đến sau khi xuống xe là Bệnh viện Từ Dũ.
Thấy biểu hiện chẳng lành, bác sĩ chuyển Trâm sang Bệnh viện Ung bướu làm xét nghiệm thêm.
"Cháu bị ung thư tử cung" - người mẹ rụng rời tay chân khi nhận kết luận của bác sĩ. Đó cũng là khởi đầu lấy bệnh viện làm nhà và chuỗi điều trị đầy gian nan, đớn đau của Trâm.
Giữa tháng 4, em đã trải qua cuộc phẫu thuật nhưng thất bại, bướu ác xâm lấn vùng bụng...
Và cuối cùng hôm nay, Bích Trâm còn hơn một ngày bên người yêu thương dưới mái nhà quê em.
Cái chòi xập xệ trơ trọi giữa những vuông tôm nơi Trâm đang sống được làm bằng ván cũ. Mái chòi nửa tôn nửa lá được chằng tạm bởi dây thép. Bên trong, những cây tràm làm đà ngang và trụ chống được cột bởi mấy sợi dây vải.
Chiếc giường duy nhất không bị nối chân được ưu tiên làm chỗ nằm cho em.
Nhà rất nghèo, nhưng Bích Trâm được rất nhiều tình yêu thương gia đình - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trong những giờ con gái còn nằm trong nhà, anh Chắc dường như chỉ giữ được bình tĩnh để con an lòng. Trước đó, trên xe anh chỉ cầu mong phép mầu giúp con còn thở về được đến nhà. Và rồi, con gái anh vẫn tiếp tục còn bên cha mẹ dù rất đau đớn.
"Chắc là được về nhà, xa mùi bệnh viện, mùi thuốc, lại được gặp người ruột thịt nên em nó khỏe hơn tí chút!" - người cha tâm sự với tôi như tự an ủi mình. Và tôi thấy le lói trong ánh mắt anh tia hi vọng về một phép mầu tiếp theo.
Anh cứ thắc mắc mãi vì sao con gái bị căn bệnh quái ác này: "Cả nội lẫn ngoại đâu ai bị. Mà tuổi con nhỏ vậy sao lại mắc ung thư hiểm vậy chớ?". Người cha đau đớn, dằn vặt chính mình.
Những giờ cuối đời, Trâm rất đau nhưng vẫn gồng mình nói chuyện với người ruột thịt. Em kể ước mơ lớn lên sẽ đi Sài Gòn, tìm việc để có tiền giúp đỡ cha mẹ. "Con đã thực hiện ước mơ đó được một phần rồi, được tới Sài Gòn rồi!" - em gượng cười trong cơn đau.
Mấy lần Trâm thều thào nhắc nhở anh hai, anh ba: "Anh hai đừng đi chơi khuya và cãi mẹ nữa nha. Còn anh ba phải thay em học lên đại học đi nha!"...
Những giờ cuối đời, Trâm rất đau nhưng vẫn gồng mình nói chuyện với người ruột thịt - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đến trưa 23-5, giữa những người thân yêu, Bích Trâm thều thào lời sau cùng: "Con đi, nhưng không có buồn đâu! Được làm con của cha mẹ là con hạnh phúc lắm rồi!". Em nở nụ cười cuối cùng thật nhẹ nhàng...
Chào Trâm, tôi ngước nhìn lên bầu trời. Giữa những vì sao lung linh như thấy nụ cười của em...
Tôi cảm thấy ấm lòng
"Tôi được an ủi ấm lòng khi Tuổi Trẻ hỗ trợ chuyến xe đưa con gái về tới tận nhà. Chuyến xe những mấy triệu đồng, số tiền đó đối với chúng tôi là rất lớn. Quả tình vì con gái, gia đình cũng có thể cố chi trả, nhưng sau bốn tháng chạy chữa bệnh cho con, chỗ nào vay mượn được đều đã vay rồi.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ và những nhà hảo tâm" - chị Nguyễn Thị Nhung.
Mời bạn đọc tiếp tục đồng hành cùng "Ước mơ của Thúy"
Báo Tuổi Trẻ và chương trình “Ước mơ của Thúy” đem đến nụ cười cho bệnh nhi - Ảnh: TỐ OANH
Cùng sự chung tay của cộng đồng, suốt 11 năm qua chương trình "Ước mơ của Thúy" do báo Tuổi Trẻ sáng lập từ ước nguyện của Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM - "đóa hướng dương" bệnh nhân ung thư Lê Thanh Thúy đã sẻ chia thật nhiều với bệnh nhi ung thư.
Đến tháng 5-2019, chương trình đã tiếp nhận gần 40 tỉ đồng từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ chăm lo bệnh nhi ung thư qua các hoạt động thiết thực như trao hơn 26.000 phần quà lễ, tết trị giá hơn 9 tỉ đồng; thực hiện hơn 5.000 ước nguyện của bệnh nhi với hơn 3,5 tỉ đồng; hỗ trợ hơn 7,1 tỉ đồng kinh phí điều trị bệnh cho hơn 1.600 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn; trao 1.113 suất học bổng với 5,5 tỉ đồng cho bệnh nhi khỏi bệnh trở lại trường.
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức lớp học chữ cho bệnh nhi đang điều trị; vận động hơn 10.000 lượt người hiến máu cho bệnh nhi; tổ chức sự kiện Ngày hội hoa hướng dương "Vì bệnh nhi ung thư" hằng năm với hơn 55.000 lượt người tham gia...
Riêng hoạt động "Chuyến xe yêu thương" đã hỗ trợ 1.026 bệnh nhi mất hoặc sắp mất từ bệnh viện về nhà trong thời gian nhanh nhất, với tổng kinh phí hơn 3,8 tỉ đồng.
Bạn đọc có thể ủng hộ chương trình "Ước mơ của Thúy" tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các văn phòng đại diện.
Tài khoản báo Tuổi Trẻ: số 113000006100 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ", nội dung: "Ủng hộ chương trình Ước mơ của Thúy".
TỐ OANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận