14/12/2022 09:02 GMT+7

Giật mình với chính sách hỗ trợ của Hàn Quốc

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Tìm hiểu các thông tin về Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là ngành công nghiệp, một lãnh đạo doanh nghiệp Việt thốt lên: doanh nghiệp của họ không lớn nhanh mới lạ.

Giật mình với chính sách hỗ trợ của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tại Trung tâm Hỗ trợ sản xuất điện tử ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: N.AN

Vào khu chợ điện tử Yongsan, từng được ví như "thánh địa" của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc, nay đã chuyển mình trở thành nơi ươm mầm cho các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp..., phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi nhận một trong nhiều mô hình đang hỗ trợ khá hiệu quả. 

Từ năm 2016, Hàn Quốc đã chọn khu chợ này để thực hiện dự án "tái tạo đô thị". Nhờ vậy, khu chợ đã được hồi sinh thành một con phố công nghiệp điện tử số hóa, còn được gọi là "Y Valley".

Chỉ cần ý tưởng tốt, nhà nước "bao sân"

Đến trụ sở chính của "thung lũng khởi nghiệp" nằm giữa khu chợ điện tử Yongsan vào dịp cuối năm, chúng tôi chứng kiến vị giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sản xuất điện tử Hong Seok Kee đang tiếp những thành viên của hội đồng thành phố và dẫn họ đi thị sát các phòng nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp.

Tại phòng thử nghiệm sản phẩm với nhiều loại máy móc hiện đại, ông Hong Seok Kee cầm chiếc "đèn mặt trời" nói sản phẩm được sản xuất từ một ý tưởng: nhiều cây cảnh trồng trong nhà, văn phòng không đủ ánh sáng. 

Chiếc đèn này cung cấp đủ lượng nhiệt, thông số về lượng nước cho từng loại cây để chăm sóc phù hợp. Hay với gậy golf được thiết kế thêm chức năng định vị hướng đánh giúp xác định được vị trí chuẩn xác nhất khi chơi... 

Ông Hong cho hay chỉ cần doanh nghiệp tìm hiểu thị trường rồi có ý tưởng, được thẩm định xong, trung tâm sẽ cùng doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm và đưa ra thị trường bán.

Tiếp báo Tuổi Trẻ ngay sau buổi giám sát của đoàn hội đồng thành phố, ông Hong Seok Kee cho biết cứ định kỳ mỗi quý, đoàn này sẽ trực tiếp nghe báo cáo về kết quả triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp. Vì nguồn tài chính chủ yếu được thành phố rót xuống, cũng như hỗ trợ của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

Hiện trung tâm đang hỗ trợ cho khoảng 80 -100 doanh nghiệp/năm để sản xuất tới thương mại hóa ở nhiều lĩnh vực. "Chúng tôi không đưa ra tiêu chí đặc biệt nào để chọn doanh nghiệp vào diện hỗ trợ. Chỉ cần ý tưởng phù hợp thị trường, nhu cầu lĩnh vực được ưu tiên, phân tích có hiệu quả, trung tâm sẽ thẩm định để hỗ trợ", ông Hong chia sẻ.

Với quá trình này, doanh nghiệp sẽ được sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại tại trung tâm để thử nghiệm và sản xuất; được các chuyên gia của trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. Các doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu sản xuất và nỗ lực hoàn thiện sản phẩm, còn lại các chi phí về thử nghiệm, quá trình sản xuất mẫu sẽ được hỗ trợ hoàn toàn.

Hỗ trợ đủ lớn, sẽ có tinh thần xã hội sản xuất

Giám đốc dự án khu chợ điện tử Yong San - ông Jeong Jae Wook - cho rằng để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thành công, cần phải phối kết hợp giữa nhà nước, tư nhân và các đơn vị hiệp hội. Trọng tâm phải là nguồn lực của chính phủ và chính quyền địa phương.

"Ngành sản xuất công nghiệp đòi hỏi nhiều vốn, chi phí đầu tư lớn. Do đó, cần hỗ trợ của nhà nước lúc ban đầu, như mặt bằng, sản xuất thử nghiệm, đào tạo kỹ thuật và marketing... doanh nghiệp mới có chỗ đứng trên thị trường. Nếu có chính sách hỗ trợ đủ lớn và phù hợp, sẽ là động lực giúp khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất, đầu tư vào công nghiệp nhiều hơn", ông Jeong Jae Wook nói.

Ông Jeong Jae Wook (giám đốc dự án khu chợ điện tử Yong San):

Hỗ trợ mạnh mẽ nhiều chi phí

Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp của Y Valley có tới 23 trung tâm, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và mạng lưới hội viên với 7.500 doanh nghiệp. Từ sinh viên chuyên ngành cơ khí, kỹ thuật và điện tử... cho đến các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đều có thể được tiếp nhận hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ tối đa là hai năm, doanh nghiệp chỉ phải trả một chi phí nhỏ quản lý, còn lại các hoạt động từ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất sản phẩm cho đến tiếp thị, giới thiệu hàng ra thị trường, marketing, quảng bá, thu hút khách hàng... sẽ được hỗ trợ.

Với định hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, đến nay đã có không ít start-up khởi nghiệp thành công, có hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài rất hiệu quả.

Khởi nghiệp sản xuất cần không gian thật tốt

Ông Ahn Tae Min - tổng phụ trách hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp khởi nghiệp - cho biết "Y Valley" gồm ba dự án chính. "Sangsangga" là không gian hỗ trợ văn phòng cho các cá nhân, công ty khởi nghiệp không đủ nguồn lực thuê hoặc đầu tư văn phòng.

Dự án Digital Forge (Lò rèn) là không gian sản xuất chung, có cả thiết bị đắt tiền (in 3D, máy ép...) để các công ty khởi nghiệp đến sản xuất thử nghiệm miễn phí.

"Rất nhiều start-up đã bán các nguyên mẫu được tạo ra ở đây. Digital Forge là một dự án mà thành phố Seoul đang hỗ trợ", ông Ahn Tae Min nói.

Ngoài ra còn có trung tâm hỗ trợ sản xuất điện tử, được vận hành bởi Hiệp hội điện tử Hàn Quốc (KEA) và được hỗ trợ bởi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. Những trang thiết bị đắt tiền sẽ phục vụ cho sản xuất hàng loạt. Gắn với đó là các chương trình đào tạo đa dạng, các hội thảo để tập hợp các nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp muốn gọi vốn.

Gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam Gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam

TTO - Sáng 5-12, tại Seoul (Hàn Quốc), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc và trao đổi, đề xuất rất nhiều nội dung về các dự án đầu tư tại Việt Nam.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên