31/03/2020 16:19 GMT+7

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 5: Rời bảng phấn, ra chạy chợ

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Giữa thủ đô, nhiều giáo viên, đặc biệt thầy cô trường tư bị cắt giảm thu nhập, phải loay hoay tìm việc mưu sinh trong khi việc làm càng khan hiếm giữa tâm dịch.

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 5: Rời bảng phấn, ra chạy chợ - Ảnh 1.

Con trai út giúp cô giáo Hoàng Dương đóng gói hàng để chuyển cho khách mua online - Ảnh: TÂM LÊ

Mỏi mòn tìm việc

Trong phòng trọ chật hẹp ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, với giá thuê 2 triệu đồng một tháng, chưa tính chi phí điện nước, cô giáo Quyền Thanh Nga cả ngày dán mắt vào điện thoại để tìm việc làm. Nhưng cả tháng nay cô hỏi tới hỏi lui chỗ nào cũng từ chối...

Cô Nga là giáo viên trường mầm non CSDB trên đường Kim Mã. Trường có ba cơ sở, cứ bốn cô giáo một lớp. Từ khi nhà trường cho học sinh nghỉ để tránh dịch, các cô giáo cũng nghỉ dạy. Trường không còn nguồn thu nên lương giáo viên cũng cạn dần.

"Thời gian đầu còn hỗ trợ 50% lương, chứ hơn một tháng nay thông báo 100% nghỉ không lương cho đến khi học sinh đi học trở lại, không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, chắc mình sẽ thành con nợ của bố mẹ và bạn bè mất" - cô Nga than thở.

Với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng, cô Nga mới chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, đóng bảo hiểm gần 500.000 đồng/tháng. Vì không có tiền tiết kiệm dư dả, việc làm mới vẫn chưa tìm được nên khó có thể cầm cự được lâu. "Giáo viên mầm non không dễ xin việc, không thể dạy thêm online như các giáo viên toán, lý, hóa, ngoại ngữ. Bán hàng online cũng khó, tìm chạy bàn thì hàng quán đóng cửa mất rồi" - cô chùng giọng tâm sự.

“Tôi lo lắng nếu nhà trường cạn kiệt tiền dự trữ mà không có nguồn thu nào như hiện nay thì mức trợ cấp còn lại của giáo viên có thể sẽ bị cắt. Lúc đó, tiền lo cho hai con nhỏ không biết ra sao.

Hoàng Dương

Nga kể thêm một vài cô giáo xin chạy bàn, giờ thì nhà hàng, quán ăn cũng đóng cửa nên các cô đã về quê tạm ẩn. Một số có gia đình phải sống dựa vào chồng. Các cô có con nhỏ càng vất vả hơn nữa.

Nếu về quê tận Yên Bái thì cô Nga cũng không tìm ra việc mà làm, dịch bệnh càng phải hạn chế đi lại. Hơn nữa, tiền thuê trọ hằng tháng vẫn phải trả, cô đành ở lại tìm cơ hội việc làm, đợi dịch bệnh hết để dạy trở lại nhưng xem ra vẫn chưa có gì khả quan.

Cô giáo Vân, trường mầm non tư thục ở Tây Hồ, một nách hai con nhỏ vừa phải đèo bồng về quê ngoại Ba Vì để xin tá túc. Hai tháng nay nhà trường cho nghỉ dạy không lương, hứa sẽ phụ cấp cho giáo viên một phần nhưng đến nay cô vẫn chưa nhận được đồng nào.

Hai vợ chồng phải thuê nhà trọ, lương thợ máy xúc bập bõm của chồng không kham nổi tiền thuê nhà và nuôi ba mẹ con. Loay hoay xin việc không được, con bé nhất mới 3 tuổi, cô Vân phải trông nom nên càng không làm thêm được việc gì. "Cố bán hàng online thời buổi này cũng khó. Có cô giáo còn đi bán khẩu trang, quần áo. Có cô ra chợ ngồi bán hàng vặt mà cũng không ăn thua"- cô giáo Vân buồn kể.

Ở hệ thống trường dân lập LMNX tiếng tăm nhưng cô giáo Hoàng Dương, phụ trách bộ môn thiết bị và thư viện, cũng lao đao kiếm việc làm thêm. Hiện nhà trường thông báo chỉ hỗ trợ được 50% lương giáo viên, không còn phụ cấp nào. Những tháng tiếp theo, nếu trường tiếp tục vắng bóng học sinh vì dịch bệnh thì mức hỗ trợ này sẽ không còn nữa.

Cô Dương đang sống tại chung cư The Golden An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cùng chồng và hai con nhỏ. Chồng cô làm tài xế taxi, nhưng mùa dịch bệnh cũng thưa thớt khách mà kiếm việc mới không hề dễ dàng. Để trang trải tiền sinh hoạt gia đình, phí dịch vụ ở chung cư, ngoài việc đăng ký trực trường mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi 70.000 đồng, cô Dương phải bán thêm hoa quả, trái cây online ở chung cư...

Chưa đầy mươi phút trò chuyện với chúng tôi, cô Dương phải xin phép đi gửi con cho hàng xóm để chuẩn bị cho buổi trực ca chiều.

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 5: Rời bảng phấn, ra chạy chợ - Ảnh 3.

Cuộc sống cô giáo Xuân và gia đình đang rất khó khăn - Ảnh: TÂM LÊ

Buôn bán ế ẩm

Thay vì mỗi sáng sớm hai mẹ con vui vẻ đèo nhau đi làm từ vùng quê nổi tiếng cam Xuân Canh, Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, cô giáo Đồng Thị Khánh một tay dỗ cháu, một tay bấm bấm điện thoại quảng cáo hàng thực phẩm, đồ gia dụng online. Nhưng gương mặt cô không có nổi một nụ cười vì mấy ngày qua không có đơn hàng nào.

Hai tháng nay, cô giáo Khánh và mẹ không có nguồn thu nhập nào từ trường mầm non tư thục CS ở Ba Đình, Hà Nội, nơi con làm cô giáo, mẹ làm tạp vụ. Những năm qua, công việc yêu thương gắn bó với trẻ nhỏ không chỉ là nguồn vui sống, nó còn giúp một khoản thu nhập ổn định của gia đình cô.

"Tôi về trường cũng được 3-4 năm rồi. Mẹ còn về trước tôi mấy năm. Nhưng vừa rồi dịch bệnh kéo dài, mình cũng không lường trước được phải nghỉ việc mà không có lương lâu như vậy. Xin việc lúc này cực kỳ khó..." - cô giáo Khánh lo lắng.

Nhờ cửa hàng thực phẩm và gia dụng của người bạn, cô Khánh xin bán online. Hằng ngày cô chụp hình, đẩy thông tin, hình ảnh sản phẩm lên mạng, ai mua thì cô đến cửa hàng lấy rồi chấp nhận mưa nắng làm shipper luôn cho khách. Nhưng ở vùng quê thức ăn nuôi trồng được nên "chợ" online chưa được bà con chú ý nhiều. Vài ngày cô mới được một đơn hàng, kiếm tiền lẻ. Không thể trông đợi vào công việc bán hàng qua mạng, giờ cô chỉ còn mong dịch qua mau để trở lại trường.

"Chưa bao giờ thấy dịch bệnh lại khủng khiếp như lần này, tôi ở quê cũng không có việc gì làm, thi thoảng trồng ít rau cỏ qua ngày thôi. Coi như nguồn thu chính của gia đình đợt này không có. Nghỉ lâu hai mẹ con cũng nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tiếng bọn trẻ rồi" - bà Bùi Thị Liên, mẹ cô giáo Khánh, cười buồn.

Chúng tôi liên hệ với các cô giáo dạy hợp đồng tại Trường tiểu học An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội, từng "nổi tiếng" với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng mà báo chí đã có lần nhắc tới. Hiện tại họ chỉ còn đúng mức lương cơ bản, không còn khoản phụ cấp nào từ khi học sinh nghỉ vì dịch bệnh. Nhưng tất cả các cô đều chia sẻ: "Chúng tôi khó khăn nhưng cô giáo Xuân còn khó khăn gấp vạn lần, xin cứ đến gặp rồi biết!".

Ngôi nhà tập thể của Nhà máy nước An Phú cũ kỹ, nơi vợ chồng cô giáo Lê Thị Xuân xin tá túc. Cô Xuân đang lúi húi buộc lại dây con chó nhỏ, anh chồng chống gậy đứng dựa cột nhìn ra xa. Anh làm tại Nhà máy nước An Phú, tháng giêng vừa qua bị tai biến nằm bẹp một chỗ, chữa chạy mãi mới bước dò dẫm được từng bước. Lương anh bập bõm được 4 triệu đồng thì nhận từ tháng 1, giờ cuối tháng 3 cũng chưa thấy thông báo gì. Trong khi chi phí thuốc men mỗi tháng của anh đã ngốn gần 5 triệu đồng.

Với mức lương hợp đồng của cô giáo Xuân, cả thêm giờ chỉ được 1,6 triệu đồng/tháng, giờ nghỉ dạy thì trừ đi 400.000 đồng. Không thể đủ nuôi chồng ốm đau, hai con ăn học lớp 12 và lớp 8, kể cả việc cô tất tả chợ búa ngược xuôi."Hôm kia mua 3kg cua thì chỉ bán được 1, sáng nay đi bán rau thì ế cả rổ đây chị, không hiểu sao từ tết đến giờ mua bán cái gì cũng ế" - cô giáo Xuân nghẹn ngào.

Sau tết, khi dịch bệnh lan rộng các cô giáo ở trường đã bàn nhau viết đơn lên gặp phòng nội vụ huyện để xin được hỗ trợ nhưng chưa thấy gì. Từ mức lương hợp đồng ban đầu 800.000 đồng/tháng, qua mỗi đợt lên bậc nữa thì được như hiện nay. "Tôi cứ hi vọng được biên chế, cứ hi vọng tăng lương, lý do tôi gắn bó với trường cũng không thể nào hiểu nổi, có lẽ là yêu nghề, gắn bó với chồng con ở vùng quê này chứ chẳng biết đi đâu được..." - cô Xuân cười mà rơm rớm nước mắt.

Được dạy học, dù chỉ dạy từ xa cũng là ước mơ của nhiều giáo viên đang gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh này. Nhưng việc tưởng chừng phù hợp đó cũng không hề đơn giản với họ...

Kỳ tới: Gia sư từ xa

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 1: Đợt nghỉ tết... nhớ đời! Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 1: Đợt nghỉ tết... nhớ đời!

TTO - Dịch bệnh COVID-19 hoành hành làm nhiều giáo viên 'sảy trường ra thất nghiệp'. Nhiều thầy cô lâm cảnh khó, phải về quê 'lánh nạn' bằng ruộng vườn, hoặc trụ lại thành phố làm shipper, gia sư online, bán đồ qua mạng, thậm chí làm cả 'vú em'...


TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên