14/06/2023 11:50 GMT+7

Giáo sư Trường Y Johns Hopkins: Với bác sĩ, các danh hiệu không có giá trị

Ba giáo sư Trường Y Johns Hopkins có buổi đối thoại với sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 14-6.

Giáo sư Trường Y Johns Hopkins: Với bác sĩ, các danh hiệu không có giá trị - Ảnh 1.

Các giáo sư Trường Y Johns Hopkins trong buổi đối thoại cùng sinh viên - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trường Y Johns Hopkins là một trong những đại học y khoa nổi tiếng nhất tại Mỹ. Trường là "cái nôi" của những sự tiến bộ y khoa hàng đầu thế giới.

Không dám nhận "người khổng lồ"

Giáo sư Anthony Kalloo - trưởng khoa tiêu hóa và gan mật, Bệnh viện Trường Y Johns Hopkins - cho rằng trong y khoa, một trong những điều quan trọng nhất là bạn luôn có ý thức phải trở nên tốt hơn. Chẳng hạn, đã là bác sĩ trong trường y, bạn sẽ phải liên tục nghiên cứu và đưa ra được những phương pháp hiệu quả hơn.

Nhìn thấy tên gọi của chương trình hôm nay (14-6) là "Đối thoại với những "người khổng lồ" trong y khoa", giáo sư Anthony Kalloo chia sẻ các ông không dám nhận là những "người khổng lồ".

Ông cho rằng với bác sĩ, các danh hiệu mà mọi người dành tặng cho bạn không có giá trị. Các bác sĩ thường không quan tâm điều này. Thay vào đó, họ chỉ quan tâm đến làm thế nào để có thể nghiên cứu và hành nghề tốt hơn mỗi ngày.

"Bác sĩ sẽ luôn trăn trở về những thách thức trong thực tế và nghĩ cách có thể giải quyết. Mục đích cuối cùng là đem lại những điều tốt hơn cho người bệnh. Người bệnh luôn là quan trọng nhất với bác sĩ", giáo sư Anthony Kalloo nói.

Trong khi đó, phó giáo sư James Hamilton - giám đốc khoa gan của Trường Y Johns Hopkins - chia sẻ trong nghiên cứu y khoa, thất bại là chuyện thường tình. Có những nghiên cứu kéo dài 10 năm nhưng kết quả không như ý.

Tuy nhiên, mỗi lần thất bại cũng là một… thành công. Vì các nghiên cứu trong y khoa đều liên quan đến con người, mọi quy trình đều phải cẩn thận. Đôi khi chỉ một khâu, người làm nghiên cứu phải tốn rất nhiều công sức trong phòng thí nghiệm lẫn trong lâm sàng, nhưng mọi công đoạn đều phải cẩn trọng.

Giáo sư Trường Y Johns Hopkins: Với bác sĩ, các danh hiệu không có giá trị - Ảnh 3.

Giáo sư Anthony Kalloo (phải) nói chuyện cùng các sinh viên sau chương trình - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Giáo sư Johns Hopkins: Hãy tìm người hướng dẫn

Bạn Quỳnh Giang - sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM - đặt câu hỏi về việc sinh viên y khoa nên tập trung vào hướng nghiên cứu hay hướng lâm sàng?

Giáo sư Benjamin Philosophe - giám đốc phẫu thuật của Trung tâm Cấy ghép toàn diện Johns Hopkins - cho biết trong y khoa, có nhiều hướng cho các bạn theo đuổi. Để biết mình thích hợp hướng đi nào, đôi khi bạn phải thử và chấp nhận sai.

Ông kể trước đây mình đã dành 3-5 năm theo đuổi các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng kết quả không ưng ý. Ông cũng nhận ra mình không thích hợp với nghiên cứu. Vì vậy, ông chuyển sang hướng lâm sàng và chuyên tâm vào các kỹ thuật phẫu thuật.

"Vì vậy, bạn nên sẵn sàng bước vào một hướng đi và hết mình với hướng đi đó để biết xem liệu mình có phù hợp không", giáo sư Benjamin Philosophe nói.

Tương tự, phó giáo sư James Hamilton cũng gửi lời khuyên sinh viên mong muốn làm gì thì cố gắng làm tốt nhất điều đó. Nếu đã say mê một con đường, bạn cần đi "trọn vẹn" con đường đó.

Giữa hướng lâm sàng và nghiên cứu, theo phó giáo sư James Hamilton, sinh viên vẫn có thể duy trì cả hai. Chẳng hạn, ngay trong các chuyến thực hành, thực tập tại bệnh viện, bạn vẫn có thể thu thập kiến thức và mở rộng tư duy, suy nghĩ các ý tưởng cho nghiên cứu.

Trong khi đó, gửi lời khuyên với sinh viên, giáo sư Anthony Kalloo cho rằng sinh viên nếu đã đam mê y khoa nên tìm kiếm những người hướng dẫn (mentor). Bởi nếu bạn đang vướng mắc về một câu hỏi gì đó, chắc chắn những người thầy giỏi trước đây cũng từng băn khoăn như bạn.

Với kinh nghiệm của mình, những người thầy tâm huyết sẽ hướng dẫn cho bạn cách tiếp cận, cách vượt qua. "Nhất thiết các bạn hãy tìm một người thầy giỏi làm người hướng dẫn cho mình trong tương lai", ông Anthony Kalloo nói.

Sinh viên y khoa công bố bài báo quốc tếSinh viên y khoa công bố bài báo quốc tế

Lê Thị Thảo Linh (Trường ĐH Y Hà Nội) là sinh viên y khoa hiếm hoi có bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế danh giá hạng Q1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên