06/08/2018 11:36 GMT+7

Giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là xu hướng tất yếu

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - TP.HCM vừa tiếp tục đề xuất cơ chế đặc thù cho giáo dục, trong đó có giải pháp giao cho Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là xu hướng tất yếu - Ảnh 1.

Giám thị điểm thi THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) phổ biến quy chế thi và dặn dò thí sinh trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nhận định:

- Việc phân cấp về cho địa phương, thậm chí lâu dài phân cấp cho chính trường phổ thông chủ động đánh giá, thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT là xu hướng chung tất yếu.

Tôi ủng hộ, nhưng cần có lộ trình phù hợp để thực hiện việc phân cấp này khi chúng ta vẫn đang tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên quy mô toàn quốc.

“Trước đây, nói đến giao cho địa phương chung chung mà không có tiêu chí cụ thể thì dễ bị “dị ứng” và vấp phải ý kiến phản đối. Người không đồng thuận có thể nêu những dẫn chứng như Hà Giang, Sơn La... để nêu lý do chần chừ. Đúng là nếu giao cho những địa phương như vậy đứng ra lo toàn bộ kỳ thi thì không thể yên tâm. Nhưng khi có tiêu chí rõ ràng, mọi việc sẽ khác.

GS Đào Trọng Thi

Không chỉ TP.HCM

* Vậy ông có ủng hộ đề xuất của TP.HCM để địa phương này tiên phong trong việc tự chịu trách nhiệm tổ chức xét tốt nghiệp THPT mà không cần phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia?

- Trong bối cảnh hiện nay, có thể chọn những địa phương có điều kiện làm trước, nhưng không nên "chọn mặt gửi vàng" một nơi duy nhất.

Khi một chính sách của bộ ra đời thì không chỉ áp dụng cho riêng một địa phương. Nó phải trả lời được câu hỏi tại sao lại giao cho địa phương và tại sao giao cho địa phương này mà không giao cho địa phương kia? Nếu giao cho nơi này mà không giao cho nơi kia, chắc chắn sẽ có thắc mắc, sẽ có địa phương không "tâm phục, khẩu phục".

Cách tốt nhất là Bộ GD-ĐT nên đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để địa phương nào đáp ứng được thì được giao quyền đó. Như vậy, không chỉ TP.HCM mà địa phương nào có năng lực quản lý, năng lực đảm bảo chất lượng sẽ được tự đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.

* Theo ông, điều kiện để các địa phương được tự quyết việc này ra sao?

- Để có mặt bằng chung về quốc gia, các địa phương được tự tổ chức đánh giá nhưng theo một quy chế chung do Bộ GD-ĐT ban hành, chứ không phải tùy tiện muốn xét thế nào cũng được. Đề thi cũng phải xây dựng theo nguyên tắc chung, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở ngân hàng câu hỏi thi.

Như vậy, dù địa phương ra đề, nhưng đề thi cũng đảm bảo chuẩn hóa và tương đương với nhau, đảm bảo mặt bằng chung với toàn quốc. Ví dụ địa phương xét 5 điểm/môn để tốt nghiệp thì 5 điểm đó phải tương đương với đề thi do các địa phương khác cùng được phân cấp ra và tương đương với đề thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức cho các địa phương chưa được giao quyền tự thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Không thể để địa phương này làm dễ quá, địa phương khác lại ra đề khó quá.

* Nếu đúng tinh thần đổi mới, lộ trình phân cấp sẽ dừng ở cấp tỉnh hay có thể phân cấp sâu hơn trong tương lai?

- Thực ra, ngay từ bây giờ các địa phương cũng đã được phân cấp một phần. Bộ chỉ còn ra quy chế chung, ra đề thi, còn tổ chức coi thi, chấm thi đều do địa phương chủ trì. Nhưng như đề xuất của TP.HCM, việc phân cấp sẽ mạnh mẽ hơn.

Khi đã bắt đầu phân cấp, các tỉnh sẽ nhìn nhau phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để được giao quyền. Khi các sở đã làm được một thời gian thì tiến tới phân cấp cho các trường với quy luật giống như khi phân cấp cho sở.

Trường nào đạt được các tiêu chuẩn nhất định sẽ được phân cấp tự chủ trong thi và xét tốt nghiệp THPT, còn các trường khác chưa đạt vẫn tiếp tục theo kỳ thi do sở hoặc bộ tổ chức. Đến một thời điểm nhất định, tất cả các cơ sở đều có thể tự chủ động được. Đó cũng chính là cách mà nhiều nước đã làm.

Giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là xu hướng tất yếu - Ảnh 3.

Cô trò Trường THPT Trần Phú (Quận Tân Phú, TP.HCM) xem điểm thi THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Thời điểm chín muồi"

* Đây không phải lần đầu TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù trong tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Năm 2016, Sở GD-ĐT TP.HCM từng công bố đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận phương án này trong buổi làm việc với TP, nhưng sau đó Bộ GD-ĐT lại có văn bản "bác" đề xuất của TP.HCM. Nếu so với thời điểm năm 2016 thì đề xuất đưa ra tại thời điểm này đã phù hợp hơn chưa, thưa ông?

- Nhân việc TP.HCM đề xuất, Bộ GD-ĐT nên xem xét nghiêm túc việc này ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Tôi cho đây là "thời điểm chín muồi" để Bộ GD-ĐT đưa ra quy định và những tiêu chuẩn cụ thể để giao cho các địa phương có đủ năng lực đảm bảo chất lượng giáo dục được thực hiện quyền tự đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Khi tính đến việc giao cho địa phương, điều lâu nay khiến các cơ quan quản lý băn khoăn nhất là ở khâu ra đề. Cách đây hai năm, khi đề xuất của TP.HCM được đưa ra, nhiều ý kiến lo lắng cũng ở "nút thắt" này. Băn khoăn ấy rơi đúng vào thời điểm khi đó chưa thi trắc nghiệm khách quan, chưa có ngân hàng đề thi chuẩn hóa.

Nhưng hiện tại Bộ GD-ĐT đã có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nên việc địa phương có thể xây dựng đề thi chuẩn hóa, tương đương đề thi quốc gia thuận lợi và khả thi.

* Nhưng cũng có ý kiến so sánh vẫn có nước tổ chức kỳ thi quốc gia quy mô lớn, dùng kết quả để xét tuyển vào đại học nên Việt Nam không sợ lạc lõng nếu cứ duy trì kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp?

- Đúng là trên thế giới cũng có nhiều mô hình. Có nước cũng tổ chức kỳ thi toàn quốc như Việt Nam, nhưng đa số các nước - đặc biệt là các nước có nền giáo dục tiên tiến - thì giao cho địa phương, thậm chí giao cho cơ sở giáo dục là trường THPT luôn. Ví dụ ở Mỹ chẳng bao giờ cấp liên bang làm chung, cùng lắm là cấp tiểu bang.

Như vậy, đúng là Việt Nam không phải nước duy nhất tổ chức kỳ thi quốc gia, nhưng trước hết phải xem nền giáo dục của Việt Nam đang đứng ở đâu và theo định hướng nào. Chiều hướng chung là càng ngày càng phải phân cấp mạnh, đó là điều hiển nhiên và Việt Nam không nên đi ngược quy luật.

* Nếu đã "chín muồi", việc giao cho địa phương toàn quyền đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ đem lại lợi ích gì cho đổi mới thi cử và đổi mới giáo dục?

- Thực ra, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, các địa phương đều đồng loạt được giao chủ trì coi thi, chấm thi, nhưng có phải địa phương nào cũng thực hiện nghiêm túc quy trình thi như nhau đâu? Như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, trong kỳ thi chung mà con người vẫn can thiệp thô bạo vào điểm số.

Do đó, chính việc giao dần việc đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp về cho địa phương có đủ năng lực đảm bảo chất lượng sẽ tránh được tiêu cực như vừa qua. Còn lại với các địa phương khác, bộ có thời gian và nguồn lực hơn để tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Việc giao tự chủ cũng đồng nghĩa các địa phương phải chịu trách nhiệm cao hơn. Nếu để xảy ra chuyện gì bất thường ở kỳ thi thì lãnh đạo địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm, khác với hiện nay...

Tạo sự đột phá cho thành phố phát triển

Tại hội nghị tổng kết năm học do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 2-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã gửi báo cáo tham luận bằng văn bản. Trong đó, sở kiến nghị Bộ GD-ĐT cho TP thực hiện cơ chế đặc thù trong giáo dục để thực hiện các giải pháp đổi mới, tạo sự đột phá cho một TP phát triển.

Một trong những giải pháp mà TP.HCM đề xuất là giao cho Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND TP tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. H.HG.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng:

Nhiều câu hỏi

Nếu TP.HCM thực hiện đề án thi riêng, tự xét tốt nghiệp thì nhiều địa phương khác như Hà Nội chẳng hạn cũng sẽ đặt ra yêu cầu tương tự. Trong khi đã là thi THPT quốc gia phải có tính thống nhất trong cả nước. Nếu địa phương tự tổ chức thi, xét tốt nghiệp riêng thì có đảm bảo tính khách quan, căn cứ vào tiêu chí nào, việc cấp bằng ra sao, địa phương cấp bằng hay bộ?

Đó là chưa kể học sinh tốt nghiệp với bằng THPT trên khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì ai sẽ công nhận, liệu các trường ĐH, CĐ có chấp nhận bằng này hay không?

ThS Ngô Thiện - nguyên trưởng khoa cơ bản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM:

TP.HCM đủ khả năng và tin cậy

Theo dõi qua nhiều năm về việc dạy và học cũng như kết quả thi THPT quốc gia ở TP.HCM, tôi đánh giá TP có đủ tiềm lực và độ tin cậy để tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12. Chủ trương này nếu được thực hiện thì rất đáng hoan nghênh và phù hợp với xu thế tự chủ trong giáo dục.

Tuy nhiên, theo tôi, nên lường trước một số tình huống như: TP.HCM tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp trong khi Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho học sinh các tỉnh thành còn lại. Như vậy, một số trường ĐH không chuẩn bị kịp hoặc không thể tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vẫn sẽ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh đầu vào.

Thế thì việc xét điểm chuẩn đối với học sinh TP.HCM và học sinh các địa phương khác sẽ ra sao? Cùng một mức điểm chuẩn hay có sự chênh lệch? Lấy căn cứ nào để xét?...

ĐOÀN CƯỜNG - H.HG. ghi

Sẽ đánh giá khách quan về kỳ thi THPT quốc gia 2018 Sẽ đánh giá khách quan về kỳ thi THPT quốc gia 2018

TTO - Ông Phùng Xuân Nhạ - bộ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng sẽ tiếp thu các góp ý để nhìn nhận khách quan hơn về kỳ thi tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra ngày 2-8.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên