24/07/2018 11:21 GMT+7

Ai đã khiến điểm thi 'quay cuồng nhảy múa'?

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Chuyện nâng điểm, chấm nới tay không chỉ ảnh hưởng đến điểm số của riêng học sinh nào hay thành tích của địa phương nào mà nó ảnh hưởng đến phổ điểm chung cả nước và tính công bằng trong xét tuyển ĐH năm nay.

Ai đã khiến điểm thi quay cuồng nhảy múa? - Ảnh 1.

Họp báo về vụ việc điểm cao bất thường tại Hà Giang ngày 17-7 - Ảnh: ANH ĐỨC

Ba ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ chia sẻ quan điểm về kết quả thi quốc gia 2018, cùng mong chờ ý kiến thuyết phục từ cơ quan chức năng để giữ lấy niềm tin và tính công bằng trong thi cử.

Cù Tất Dũng (Ban Nội chính trung ương):

Một tổn thương cho giáo dục

Những vụ gian lận điểm thi năm nay, với tôi, thật sự là một tổn thương rất lớn cho giáo dục nước nhà. Kỷ cương bị chà đạp. Và hậu họa lâu dài.

Một học sinh vào đời bằng điểm số cao hơn thực lực nhờ "gian lận", hành trang mang theo cùng với lỗ hổng kiến thức sẽ là những mánh khóe gian lận. Những hành vi tiêu cực hôm nay cần phải xử lý nghiêm minh. 

Nếu biện pháp không đủ mạnh, hành vi gian lận sẽ lại tiếp diễn. Những trường hợp "chưa bị lộ" khi bước ra xã hội thì hậu quả thật khôn lường. Đây sẽ là cái giá lớn nhất mà toàn xã hội phải trả nếu không chấn chỉnh.

Đất nước cần những người trẻ giỏi giang, tài đức. Nhưng phải cho họ thấy mục đích của học tập không phải là để trở thành "ông này, bà nọ", để có bằng cấp nhưng kiến thức, hiểu biết không tương xứng... Việc học để tích lũy tri thức, để tồn tại, phát triển và nhất là phải để cho lòng tự trọng của mình lên tiếng đấu tranh trước những cám dỗ của tiêu cực.

Sẽ là quá trễ nếu ngay từ hôm nay chúng ta không chú trọng tới việc giáo dục về lòng trung thực và sự liêm chính cho thế hệ trẻ. Việc này không chỉ có ý nghĩa lớn trong ngành giáo dục mà trong tất cả các mặt của đời sống xã hội ở thời điểm hiện tại mà còn cả về lâu dài.

Một xã hội coi trọng giáo dục là xã hội văn minh, tất cả các công dân đều sẵn sàng lao động và tự hào vì sự lao động trung thực, chân chính của mình nhất định sẽ là một xã hội ấm no và hạnh phúc.

Song Anh (Cần Thơ):

Chỉ mong thi cử công bằng

Câu hỏi đặt ra: vì sao chuyện gian lận này diễn ra nhiều nơi? Ngoài những địa phương và cá nhân đã nêu trên báo chí, liệu có còn tỉnh, thành phố nào tương tự? Còn những ai đã phù phép để điểm thi nhảy múa quay cuồng như vậy? 

Chuyện nâng điểm, chấm nới tay không chỉ ảnh hưởng đến điểm số của riêng học sinh nào hay thành tích của địa phương nào mà nó ảnh hưởng đến phổ điểm chung cả nước và tính công bằng trong xét tuyển ĐH năm nay.

"Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi". Cũng cần rạch ròi để nói rằng: đội ngũ thầy cô vẫn tâm huyết với nghề, số đông vẫn giữ kỷ cương thi cử, gìn giữ công bằng cho kỳ thi. 

Dư luận đang mong chờ ý kiến thuyết phục từ cơ quan chức năng đủ sức để lấy lại niềm tin cho xã hội. Không chỉ ở kỳ thi năm nay mà còn cho cả những kỳ thi tiếp theo, cho ngành giáo dục, cho bậc giáo dục phổ thông.

Tấn Khôi (TP.HCM):

"Vết đen" tuổi 18...

Đâu chỉ những em "trong cuộc" của vụ việc gian lận điểm thi mới bị ảnh hưởng mà gần 1 triệu thí sinh cả nước sẽ băn khoăn về kết quả kỳ thi này.

Niềm tin lung lay là sự mất mát của những người bước đầu chập chững vào đời! Những bạn trẻ tuổi 18 - thí sinh vừa được nâng điểm, có thể các em không có lỗi. Các em đã được sự "bảo kê" của người thân hoặc thầy cô đã "nới tay". Vết đen này dẫu không phải do các em tạo ra nhưng chắc chắn nó sẽ theo các em cả đời, dấu vết khó tẩy!

Nếu vụ việc trót lọt, các em sẽ rỡ ràng vào ĐH, ra trường có thể được bố trí công việc tốt. Hành trình thành công không xây bằng nỗ lực thì kỹ năng đâu làm việc? 

Vào đời bằng bàn-tay-vô-hình của người lớn (những bàn tay không sạch), các em sẽ lấy đạo đức nào để sống ở đời và liệu có bản lĩnh để giữ mình trong sáng khi ngay từ lúc khởi đầu đã không trong sáng?

Xã hội bức xúc về việc này cũng là dễ hiểu. Vụ gian lận điểm đã phá nát sự đóng góp của rất nhiều người trong việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hao sức, tốn của trên toàn quốc. 

Khâu làm đề, vận chuyển đề chặt chẽ, bảo mật nghiêm ngặt có tác dụng gì khi khâu chấm thi, công bố điểm bị buông lỏng như vậy?

Sơn La sai phạm đặc biệt ở khâu chấm thi Sơn La sai phạm đặc biệt ở khâu chấm thi

TTO - Đó là trao đổi của ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), vào lúc gần 23h ngày 21-7 tại Sơn La, liên quan đến việc hàng chục bài thi tại tỉnh này có dấu hiệu chỉnh sửa, can thiệp để nâng điểm.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên