Thí sinh dự thi môn toán kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại điểm trường THPT Lê Quý Đôn, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của ông về ba nguyên nhân khách quan khiến việc học và thi ở bậc THPT thành nặng nề. Thay đổi thực trạng này cũng là giải pháp giảm áp lực thi cử.
1 Chương trình học quá nặng
Chương trình giáo dục phổ thông quá tải, chuyện ai cũng biết từ lâu. Bộ GD-ĐT đã tuyên bố giảm tải nhưng cũng chưa thấy giảm bớt gánh nặng cho học sinh.
Môn toán học sinh phải học quá nhiều kiến thức cao siêu, phức tạp lẽ ra ở ĐH mới cần. Nhiều du học sinh kể rằng chương trình toán phổ thông ở Mỹ rất đơn giản, thiết thực nhưng không vì thế mà nước Mỹ nghèo.
Theo tôi, sách giáo khoa không phải là nơi để khoe kiến thức của những người soạn sách. Thời nay, học sinh phải học nhiều thứ chứ không phải chỉ học đạo hàm, tích phân... Nhiều học sinh phải gồng người ra học những thứ cao siêu này để đối phó với thi và kiểm tra.
Thi tốt nghiệp xong, có khi suốt đời chẳng dùng những phép toán ấy. Thầy cô hiểu điều này. Có thể vì thương học trò học quá nhiều (hoặc có thể vì thành tích) mà thành "lỏng tay" vớt học sinh. Từ đó, sinh ra sai phạm.
2 Phạm vi ôn tập quá rộng
Một thời gian dài, thi tốt nghiệp chỉ có bốn môn. Học sinh có điều kiện ôn kỹ để làm tốt bài thi. Nay, không có nhu cầu vào ĐH vẫn phải thi ít nhất sáu môn và thi bằng đề thi chung dùng xét tuyển ĐH. Hình thức thi trắc nghiệm yêu cầu thí sinh phải ôn hết chương trình, nắm chắc, không bỏ sót phần nào.
Ví dụ, trong môn ngữ văn trước đây, thi tốt nghiệp phổ thông chỉ học trong chương trình lớp 12. Nay, chương trình thi THPT quốc gia môn ngữ văn bao gồm cả chương trình lớp 11. Phạm vi ôn thi quá rộng như vậy quá khó khăn cho học sinh.
Một số thí sinh né lý, hóa, sinh chạy sang sử, địa, giáo dục công dân. Nhưng môn sử cũng không dễ kiếm điểm vì có quá nhiều sự kiện, ngày tháng phải nhớ... Không phải ngẫu nhiên mà trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, có hơn 80% thí sinh thiếu điểm môn sử.
3 Đề thi quá khó
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, đề thi các môn được xem là quá khó. Nhiều ý kiến cho rằng đề toán còn khó so với giáo viên. Đề thi văn cũng khó ở câu liên hệ so sánh giữa tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (lớp 12) và Hai đứa trẻ (lớp 11).
Sự so sánh về điểm nhìn tác giả ở hai khuynh hướng, bộ phận văn học khác nhau quá khó đối với học sinh phổ thông. Đối với học sinh miền núi và dân tộc thiểu số, việc viết bài luận và đọc hiểu văn bản tiếng Việt lại càng khó khăn hơn.
Bởi vậy, việc châm chước, xuê xoa trong khâu chấm thi thường diễn ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu.
Để khắc phục những sai phạm trong thi cử, điều quan trọng nhất là phải giảm bớt sức ép thi cử. Theo tôi, ở bậc THPT, cũng có thể nên dạy theo hình thức tín chỉ. Học xong môn nào, thi môn nấy. Sau khi hội đủ các chứng chỉ quy định thì cấp bằng tốt nghiệp chứ không cần phải tổ chức một kỳ thi chung trên toàn quốc. Thi tuyển sinh ĐH là việc của các trường ĐH.
Kết quả thi năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp đã ở mức 99%. Vậy có cần duy trì kiểu thi "hai trong một" này không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận