20/07/2018 12:26 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia: có cần thiết?

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

TTO - Vụ tiêu cực trong chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và dấy lên hàng loạt nghi vấn tiêu cực tại các tỉnh phía Bắc cho thấy câu chuyện tổ chức thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cần phải xem xét lại.

Kỳ thi THPT quốc gia: có cần thiết? - Ảnh 1.

Thí sinh tại cụm thi THPT An Nghĩa (Cần Giờ, TP.HCM) òa khóc sau buổi thi môn toán kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) khi bàn về câu chuyện này dưới góc nhìn sau 4 năm kỳ thi này được tổ chức:

Năm 2019 đề thi dự kiến sẽ thêm phần nội dung chương trình lớp 10. Liệu Bộ GD-ĐT có khẳng định được đề thi 2019 sẽ không phập phù nữa không?

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia đảm nhận 2 mục tiêu: dùng để xét tốt nghiệp THPT (thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ hàng chục năm trước đó), và làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển (thay cho kỳ thi tuyển sinh 3 chung tồn tại từ 2002-2014).

Tuy thống nhất thành một kỳ thi, về cốt lõi thì kỳ thi gồm 3 khâu liên quan mật thiết với nhau để đáp ứng cả 2 mục tiêu nêu trên, đó là tổ chức thi; đề thi và chấm thi; xét tuyển.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2018 được xem là kỳ thi ít có thay đổi nhất trong 4 năm qua, nhưng vẫn có những biến động gây bão trong xã hội. 

Tuy nhiên, nếu nhìn lại từ năm 2015 sẽ thấy kỳ thi THPT quốc gia không ổn định trong tất cả các khâu, dù Bộ GD-ĐT rất nỗ lực cải tiến. Nhưng chính những cải tiến đó lại nảy sinh những bất cập khác cho kỳ thi và xét tuyển.

Gây khó cho các trường đại học?

Năm 2018 là năm đầu tiên gần như không có thay đổi trong tổ chức thi, nhưng đó chỉ là so với năm 2017. Nếu so với năm 2015 và 2016 thì đã thay đổi rất nhiều.

Kỳ thi THPT quốc gia: có cần thiết? - Ảnh 3.

Quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 - Nguồn: TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA. Đồ họa: TẤN ĐẠT

Hết kỳ thi 2016, những tưởng vai trò tổ chức thi của các trường ĐH sẽ được tiếp tục tăng lên, nhưng năm 2017, việc tổ chức thi được giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT địa phương, các trường ĐH đóng vai trò phối hợp, thực chất là tham gia chỉ coi thi và giám sát. 

Và cũng từ đó, chỉ riêng về số lượng thí sinh bị kỷ luật giảm rõ rệt!

Việc thay đổi cấu trúc và hình thức đề thi năm 2017 cũng cho thấy một hệ quả rất rõ là số điểm liệt (để bị rớt tốt nghiệp THPT) giảm mạnh, mưa điểm 10 và số thí sinh điểm cao tăng mạnh gây khó khăn cho các trường ĐH trong xét tuyển.

Năm 2018, đề thi có thêm một phần nội dung chương trình lớp 11 với độ phân hóa cao hơn. Điểm thi lập tức giảm, không còn mưa điểm 10 và điểm sàn xét tuyển của nhiều trường ĐH giảm đến đáy của những năm trước 2015.

Xét tuyển liên tục thay đổi

Xét tuyển là khâu bị thay đổi nhiều nhất trong 4 năm qua, gây khó khăn không ít cho các trường ĐH, CĐ. Nếu như năm 2015, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng (NV) nhưng vào một trường ĐH, CĐ duy nhất (thực chất là chọn trường chứ không phải chọn ngành học).

Ngoài ra, trong những ngày cuối của thời hạn xét tuyển thí sinh có thể rút hồ sơ đăng ký từ trường này nộp qua trường khác, tạo nên cảnh hỗn loạn trong xét tuyển.

Đến năm 2016, mỗi thí sinh vẫn được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng vào 2 trường khác nhau, và đồng thời có thể được xét trúng tuyển vào cả 2 trường này. 

Hệ quả là trúng tuyển ảo là hiện tượng nổi bật trong khâu xét tuyển, nhiều trường ĐH - kể cả các trường ĐH công lập - tuyển không đủ chỉ tiêu.

Năm 2017 cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, và đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự thi, nhưng lại cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi.

Tuy nhiên với quy định chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng dù được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng buộc các trường phải hình thành những nhóm xét tuyển hoặc lọc ảo, nhưng thực tế cuối cùng vẫn ảo, vì có đến 30% thí sinh trúng tuyển nhưng không đến làm thủ tục nhập học!

Khi nào thi cử sẽ ổn định?

Kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung trước đây bắt đầu từ năm 2002: chung đợt thi, chung đề thi và dùng chung kết quả để xét tuyển hoàn toàn do các trường ĐH, CĐ chủ trì và hoàn toàn riêng biệt với kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Ngoài những năm đầu tiên còn chuệch choạc, kỳ thi khá ổn định về mọi mặt trong suốt 10 năm sau đó.

Nhưng sau 13 kỳ thi 3 chung (2002-2014) chưa được tổng kết, Bộ GD-ĐT đã chuyển thành kỳ thi 2 trong 1. 

Mục tiêu cốt lõi của kỳ thi THPT quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu nghị quyết Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH".

Kỳ thi THPT quốc gia: có cần thiết? - Ảnh 4.

Đồ họa: Tuổi Trẻ

Luật giáo dục hiện hành và cả dự thảo Luật giáo dục đổi mới sắp tới đều có quy định học sinh phải dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi THPT quốc gia vẫn được duy trì đến năm 2020.

Nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT, kỳ thi này có vẻ không cần thiết vì tỉ lệ tốt nghiệp rất cao, tăng dần theo thời gian (2015: 91,58%; 2016: 92,93%; 2017: 97,42%; 2018: 97,57%).

Nếu dùng làm cơ sở xét tuyển thì các trường ĐH vẫn chưa thấy được quyền tự chủ của mình trong tuyển sinh do có quá nhiều quy định ràng buộc của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt với tiêu cực trong chấm thi và xử lý kết quả thi ở Hà Giang (và có thể không chỉ ở Hà Giang) đã làm toàn xã hội và các trường ĐH nghi ngờ tính nghiêm túc và kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.

Những vi phạm nghiêm trọng quy chế thi (ảnh hưởng mạnh đến khâu xét tuyển) chắc chắn cũng do chính các quy chế, quy định thi và xét tuyển thay đổi liên tục, dễ dàng tạo lỗ hổng cho những kẻ lợi dụng trục lợi.

Như vậy việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những năm sắp tới cần được xem xét điều chỉnh hết sức căn cơ triệt để.

Khi Bộ tự mâu thuẫn

Năm 2018, tuy quy định xét tuyển về cơ bản không thay đổi, nhưng 4 điều chỉnh ở năm 2018 chủ yếu sẽ tác động đến khâu xét tuyển.

Một là đề thi có chương trình lớp 11 và khó hơn; hai là giao việc xác định điểm sàn xét tuyển cho trường ĐH; ba là làm tròn điểm môn thi, bài thi và tổng điểm ba môn xét tuyển đến hai chữ số thập phân và cuối cùng là giảm điểm ưu tiên khu vực 50%.

Với điểm thi thấp, chắc chắn điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều ngành, nhiều trường sẽ giảm so với 2017.

Nhưng điểm thi thấp cũng là lý do để nhiều trường dựa vào đó đưa ra mức điểm sàn xét tuyển thấp đến mức Bộ GD-ĐT yêu cầu không được thấp dưới 13 điểm, mâu thuẫn với việc bộ đã giao các trường ĐH tự quyết định mức điểm sàn xét tuyển.

Hệ quả là điểm sàn xét tuyển của một số trường ĐH giảm đến đáy của những năm trước 2015.

Chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm THPT của Hà Giang vì có dấu hiệu gian lận Chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm THPT của Hà Giang vì có dấu hiệu gian lận

TTO - PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT đã khẳng định với báo chí việc này lúc gần 1 giờ sáng ngày 17-7, ngay bên ngoài hội đồng chấm thẩm tra bài thi THPT quốc gia tại Hà Giang.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên