23/07/2018 15:12 GMT+7

Đi tìm niềm tin thi cử

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Những sai phạm trong quá trình chấm thi tại Hà Giang và rất có thể còn có ở những địa phương khác đã trở thành quả bom chấn động toàn bộ hệ thống đổi mới thi cử được coi là tốt nhất từ trước tới nay.

Đi tìm niềm tin thi cử - Ảnh 1.

Họp báo về vụ việc điểm cao bất thường tại Hà Giang ngày 17-7 - Ảnh: ANH ĐỨC

Ông Vũ Trọng Lương - phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh - chắc chắn bị xử lý theo pháp luật.

Nhưng đến lúc này, Bộ GD-ĐT không thể tiếp tục nói rằng đó là một "con sâu", một sai sót kỹ thuật, chỉ cần bịt được lỗ hổng này lại (chẳng hạn khâu chấm thi năm tới không giao cho sở GD-ĐT của tỉnh đảm nhiệm nữa, mà giao cho tỉnh khác) là hệ thống vẫn chạy tốt, tức phương thức thi "hai trong một" và trả việc thi, chấm thi về cho các địa phương vẫn tiếp tục được triển khai trong năm tới.

Vấn đề là ở chỗ không ai có thể đảm bảo được rằng hệ thống ấy lại không phát sinh những rắc rối khác bởi việc thi cử liên quan đến hàng triệu con người, liên quan đến 63 tỉnh thành và hàng chục khâu kỹ thuật khác nhau.

Nếu những sự cố mới lại xuất hiện và một nguyên nhân nào đó cho là khách quan lại được tìm ra, rồi một loạt hành động mang tính đối phó với những sự cố tiếp diễn và chắc cuối cùng một số cán bộ sẽ được khen thưởng vì thành tích khắc phục sự cố (!). Nếu cứ tiếp tục tuần tự như thế thì chắc chắn không thể thay đổi căn bản câu chuyện thi cử và gian lận vẫn sẽ diễn ra.

Đành rằng sai thì sửa nhưng sai nhiều quá và cái sai không thuộc về kỹ thuật, mà thuộc về hệ thống thi cử thì những quan điểm chỉ đạo trong xây dựng chính sách và hành động chiến lược trở nên vô cùng nguy hiểm không chỉ cho hôm nay, mà còn ảnh hưởng đến đời con cháu mai sau.

Do đó, ngay sau vụ này, Bộ GD-ĐT phải thật sự cầu thị, nghiêm túc mời các chuyên gia giỏi cùng ngồi lại với nhau mổ xẻ đến tận cùng, không né tránh, không bao biện, không đổ lỗi. Cách làm như trước nay chỉ thay đổi từng phần, vừa làm vừa sửa, sai đâu sửa đó đã bộc lộ quá nhiều điều không ổn.

Những vấn đề cốt tử của giáo dục là phải thay đổi mang tính hệ thống, từ triết lý giáo dục, quản trị giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên đến thi cử, lương bổng, giáo trình, cơ sở vật chất…

Và quan trọng nhất là phải tìm cho được một kiến trúc sư trưởng tài ba, đủ tầm, có năng lực tập hợp những người giỏi nhất để thiết kế lại hệ thống giáo dục.

Xin đừng huyễn hoặc về mình nữa, như một quốc gia có lịch sử đại học 1.000 năm tuổi mà không chứng minh được sự ưu việt hơn đại học của những quốc gia non trẻ như Singapore.

Không có gì biện minh cho việc hằng năm có hàng ngàn học sinh bươn bả tìm đường sang các nước khác học. Đó là niềm vui sướng, hay là nỗi đau thắt của những người làm cha làm mẹ phải phó thác những đứa con thơ dại đến những vùng đất xa lạ?

Ai là người, là lực lượng có thể xây dựng được niềm tin cho xã hội vào tương lai giáo dục nước nhà? Nhân dân có quyền đặt ra câu hỏi chính đáng đó, không còn khoảng lùi nào nữa.

Nên giao các trường ĐH chủ trì cụm thi Nên giao các trường ĐH chủ trì cụm thi

TTO - Gian lận nâng điểm bài thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang gây chấn động dư luận. Tiếp đó, Sơn La cũng có dấu hiệu này. Vụ gian lận điểm chấn động đặt ra câu hỏi: Kỳ thi THPT quốc gia liệu có cần thiết duy trì? Làm sao để chống gian lận?

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên