Chủ nhật, ngày 24 tháng 1 năm 2021
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia?
TTO - Trong chương trình thời sự 19h tối 24-7 trên VTV1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc trao đổi về những vụ tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Một gia đình xem Bộ trưởng GD-ĐT trả lời phỏng vấn của VTV trong chương trình thời sự 19h trên VTV tối 24-7 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trả lời câu hỏi của phóng viên VTV về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc để xảy ra những sai phạm ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trước hết, trên phương diện quản lý ngành, tất cả vấn đề xảy ra trong lĩnh vực GD-ĐT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT thì bộ phải xem xét chỉ đạo giải quyết kịp thời và kiên quyết xử lý những sai phạm của tập thể, cá nhân theo đúng quy chế.
Không phải vấn đề kỹ thuật
Bộ trưởng nói tiếp: "Trong trường hợp vừa rồi đối với Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất lợi, bản thân tôi cùng lãnh đạo bộ chỉ đạo ngay kiểm tra và thành lập tổ công tác để giám sát.
Đồng thời tôi cũng trao đổi với các cơ quan liên quan phối hợp để làm rõ nghiêm, không phân biệt bất kỳ ai và phải trực tiếp bộ vào thì mới giúp địa phương làm nhanh được. Mặc dù theo phân cấp kỳ thi này do địa phương đứng ra tổ chức nhưng bộ có trách nhiệm kiểm soát.
Khi xảy ra những sai phạm này, lãnh đạo bộ và cá nhân tôi kiên quyết xử lý và trong thực tế tổ công tác đã làm việc rất nghiêm túc và tìm ra được sai phạm. Tôi chỉ đạo phải làm nghiêm".
Vì sao những sai phạm này có thể xảy ra, có phải quy trình của Bộ GD-ĐT chưa chặt chẽ hay không? Ông Nhạ nói: "Tôi nghĩ quy trình đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, điều quan trọng là lựa chọn con người và giám sát họ thực hiện quy trình này.
Riêng đối với Hà Giang và Sơn La, một nhóm người có chủ ý để làm sai có mục đích chứ không phải là vấn đề kỹ thuật. Thứ hai, khâu giám sát chưa được nghiêm túc. Qua rà soát ban đầu rõ ràng thấy được riêng khâu chấm thi là khâu về bảo mật, khâu chọn con người, khâu giám sát phải làm thật sự nghiêm túc.
Tới đây, những người bị truy tố (khởi tố - PV) Bộ Công an sẽ xử lý. Trong lĩnh vực GD-ĐT thuộc phạm vi ngành, tôi đề nghị địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ để xảy ra sai phạm. Họ không đủ tư cách làm nghề giáo viên để sai phạm như vậy".
Sẽ rà soát nghiêm túc
Có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần phải cân nhắc lại việc giao khâu coi thi và chấm thi cho các địa phương. Theo ông Nhạ, "trước năm 2002 thi công nhận tốt nghiệp THPT do các sở GD-ĐT thực hiện, thi tuyển sinh ĐH, CĐ do các trường thực hiện. Việc này cũng có cái tốt nhưng cũng có bất cập rất lớn.
Đối với các trường ĐH, CĐ mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng, luyện thi, chất lượng rất khác nhau, người học có thể một đợt thi mấy trường. Đối với các sở tại thời điểm đấy, mặc dù kết quả cũng tốt nhưng vẫn có điều này điều kia.
Sau năm 2002 đến trước năm 2015, kế thừa cái tốt của thi trước năm 2002 và tiến tới kỳ thi "3 chung" có nhiều cái tốt nhưng lại bộc lộ bất cập. Trong một thời gian rất ngắn - hơn 1 tháng - có đến bốn kỳ thi (thi tốt nghiệp, thi ĐH đợt 1, đợt 2 và thi CĐ) tạo áp lực rất lớn, tốn kém cho gia đình và rất căng thẳng cho học sinh.
Chính vì vậy nghị quyết 29 của Ban Chấp hành trung ương và nghị quyết 44 của Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đổi mới kỳ thi tiến tới 1 kỳ thi 2 mục đích công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.
Từ năm 2015, 2016, 2017 qua thực tiễn công tác đổi mới kỳ thi càng ngày càng hoàn thiện, gọn nhẹ hơn, giảm áp lực hơn, tiết kiệm hơn. Đối với thí sinh, gia đình cũng thấy hợp lý hơn và đông đảo người dân ủng hộ. Đây là điểm rất tốt.
Tuy nhiên, sự việc xảy ra sai phạm ở một số địa phương như Hà Giang và Sơn La vừa qua, bộ sẽ rà soát nghiêm túc các khâu, trong đó đặc biệt là khâu chấm thi để đảm bảo an toàn, khách quan, trung thực của kỳ thi và xã hội tốt hơn".
Đáng chú ý trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nhạ nói nguyên văn về "3 chung" là: "chung đề, chung địa điểm, chung kết quả". Trong khi lâu nay "3 chung" luôn được hiểu là chung đề, chung đợt và ngày thi, chung kết quả.
-
TTO - Luật hải cảnh mới của Trung Quốc có khả năng làm bùng nổ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông - thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, đánh giá.
-
TTO - 'Cho lúa giống, tui có lấy ai đồng bạc nào đâu, cho mỗi người 1-2 ký à. Chơi gan không?', ông Hoa Sĩ Hiền chia sẻ.
-
TTO - Công chúa Phương Mai, con gái đầu của vua Bảo Đại, đã qua đời tại Louveciennes (Pháp).
-
TTO - Người cha bị đột quỵ không đi lại được 15 năm nay đưa con trai bị bại liệt đến giảng đường đại học trên chiếc xe ba bánh. Sáng nay, người con nhận bằng đại học với thành tích trong top 10 của khoa.
-
TTO - Lợi dụng lúc tên bắt cóc mải trò chuyện với nữ phóng viên mới vào nghề, cảnh sát đã dùng súng bắn tỉa tiêu diệt y tại chỗ. Nhiều người thoạt đầu nghĩ người phụ nữ mặc áo xanh cầm micro là một nhà đàm phán được cảnh sát cử tới.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận