Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí trước Sở GD-ĐT Sơn La về vụ điểm thi bất thường - Ảnh: HỮU TUẤN
Tỉnh Lạng Sơn bắt đầu rà soát quy trình chấm thi của cả môn tự luận và trắc nghiệm. Dự kiến sẽ rút các bài thi từ 8 điểm trở lên chấm thẩm định. Quá trình chấm thẩm định cũng để tiếp tục xác minh những sai phạm có thể có ở cả khâu chấm thi và coi thi.
Ngoài ra, các tỉnh khác có nghi vấn tiêu cực cũng đã được dư luận nêu ra, vậy các tỉnh này nói gì?
Tuyên Quang: nếu nghi vấn, dù một trường hợp cũng làm
Ông Hoàng Văn Thinh - giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang - cho biết: Hiện tại, Sở GD-ĐT Tuyên Quang chưa tiến hành rà soát vì nếu làm cũng phải tuân thủ đúng quy trình. Nghĩa là nếu có ý kiến phản ảnh thì sở sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh, nếu được đồng ý chúng tôi sẽ thành lập các bộ phận để kiểm tra. Vì công tác tổ chức thi nhiều khâu, nếu có hiện tượng tiêu cực thì phải rà soát xem nó "thủng" ở khâu nào.
Sau khi có kết quả thi, chúng tôi nghe dư luận về trường hợp một học sinh chuyên sử mà có kết quả thi cao các môn tự nhiên. Gần đây, dư luận trên mạng cũng nói đến trường hợp này. Nếu có biểu hiện tiêu cực thì dù một trường hợp cũng phải làm, không thể lơ là được. Nếu dư luận nói Tuyên Quang có một trường hợp như vậy cũng sẽ rất ảnh hưởng.
Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện từ "hiệu ứng" của Hà Giang, vì sợ thanh tra kết quả thi, Sở GD-ĐT Tuyên Quang đã tự tổ chức chấm lại các bài thi. Quy trình hiện rất chặt, mọi thứ đã niêm phong cất đi rồi, nếu có vấn đề gì thì phải xin ý kiến Bộ GD-ĐT hoặc xin phép trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, chứ không ai mở ra được.
Năm 2018, Tuyên Quang có gần 8.000 thí sinh dự thi. Trong đó, thí sinh đạt điểm 8, điểm 9 không đáng kể. Ở mức điểm 9 trở lên, môn toán cả tỉnh chỉ có 3 bài thi, môn văn 36 bài, tiếng Anh 5 bài, vật lý 3 bài và hóa học 1 bài.
Bạc Liêu khẳng định chưa phát hiện bất thường
Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 19-7 do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức, ông Nguyễn Tấn Khương, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết đến hiện tại chưa phát hiện vấn đề gì nghi vấn bất thường về công tác chấm thi và điểm thi của tỉnh Bạc Liêu. "Tuy nhiên, qua thông tin dư luận đặt nghi vấn, chúng tôi sẽ có chỉ đạo Sở GD-ĐT kiểm tra, làm rõ" - ông Khương nói.
Theo công bố của Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 của tỉnh là 98,31% (năm 2017 là 97,78%), điểm trung bình các môn thi của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2018 đứng thứ 7/63 tỉnh thành. Trong ngày 19-7, một số trang điện tử đã đưa thông tin Bạc Liêu cũng là địa phương được đưa vào "tầm ngắm" vì thứ hạng cao được cho là bất thường như trên.
Lạng Sơn: tỉnh tự rà trước bộ
Ông Hồ Tiến Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết sáng 19-7, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến Lạng Sơn và kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy phạm trong quá trình tổ chức thi THPT quốc gia của tỉnh, chắc phải trong 1-2 ngày nữa mới xong và có kết quả.
Ông Thiệu cho biết sở dĩ Lạng Sơn đã chủ động rà soát từ trước khi Bộ GD-ĐT vào cuộc là vì: "Sau khi sự việc xảy ra tại Hà Giang, với trách nhiệm của địa phương, chúng tôi đã quyết định rà soát.
Không phải nghĩ mình cũng sẽ có những cái không chuẩn mực như Hà Giang, nhưng phải làm để xem có gì không đúng quy định không. Tuy nhiên, sở mới làm được 1-2 hôm thì hôm qua báo chí nêu, bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định cử đoàn công tác. Việc rà soát của tỉnh tạm thời phải dừng lại".
Riêng về điểm thi được cho là cao của 35 thí sinh là công an nghĩa vụ cảnh sát cơ động thi tại một điểm thi của TP Lạng Sơn cũng phải chờ kết quả rà soát sắp tới.
Cũng cần nói thêm, kết quả thi năm nay của Lạng Sơn không có vấn đề gì đặc biệt. Sau khi có kết quả thi chung, Lạng Sơn đứng thứ 43/63 tỉnh thành trên toàn quốc. Thậm chí do đề thi khó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT còn thấp hơn năm ngoái, từ hơn 98% xuống còn 97,3%.
Tất nhiên, vẫn có một số thí sinh có điểm thi gây dư luận, nhưng không thể kết luận vội vàng. Về điểm cao thì năm ngoái tỉnh còn có hơn chục điểm 10, nhưng năm nay ít hơn rất nhiều.
Sau khi rà soát ban đầu, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định lại bài thi tại Sơn La và Lạng Sơn tương tự như quy trình đã làm tại Hà Giang.
Về việc này, ông Thiệu cho biết: "Bộ làm thế chúng tôi rất ủng hộ. Bộ cũng phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước. Mọi thứ cần phải rành mạch. Nếu sai chỗ nào thì tùy mức độ xử lý. Còn không sai thì cũng nên thông tin rõ để củng cố lòng tin với xã hội".
Hòa Bình: nếu cần, mời bộ về chấm phúc tra...
Ông Bùi Trọng Đắc - giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình - cho biết: Việc rà soát phải được phép của bộ. Nhưng về mặt khách quan, Hòa Bình đang trung thực với kết quả bài thi của thí sinh. Tại kỳ thi này, có ba đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã đến Hòa Bình.
Về dư luận nghi ngờ vì tỉ lệ điểm cao của tỉnh vượt cả các địa phương đầu bảng về học tập, ông Đắc cho biết: "Nếu theo thống kê thì số điểm cao của Hòa Bình cũng không có nhiều. Số điểm cao chỉ tương tự như mọi năm, thậm chí còn thấp hơn năm ngoái nhiều.
Hằng năm, Hòa Bình đều có thí sinh đạt điểm cao, đều là học sinh trường chuyên và học sinh trường dân tộc nội trú của tỉnh. Mỗi tỉnh chỉ có 1 trường chuyên, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Còn bao nhiêu trường phổ thông khác thì làm sao đạt được kết quả đó.
Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng năm nay trường chuyên có khoảng 500 thí sinh dự thi, ngoài ra còn có học sinh trường dân tộc nội trú - nơi đầu tư nguồn cán bộ".
Về việc tỉnh có nên chủ động rà soát hay không, ông Đắc trả lời: "Chúng tôi chờ ý kiến của bộ. Nếu bộ cho rà soát thì sẽ làm ngay. Nếu cần thì mời bộ về chấm phúc tra...".
Sơn La: "Học sinh đạt được kết quả cao"
Ông Phạm Đăng Quang, phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Sơn La, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của báo chí.
Theo ông Quang, kỳ thi thử do Trường THPT chuyên Sơn La tổ chức vào tháng 3, cách kỳ thi THPT quốc gia hơn 3 tháng. Trong thời gian này, các thầy cô nhà trường đã tổ chức ôn luyện tốt cho các em.
Nhiều gia đình còn thuê cả gia sư để các em củng cố kiến thức, tâm lý trước khi bước vào thi. Tổng kết năm học xong, thời gian để ôn tập của các em còn khá dài, vì vậy các em có thể đạt được thành tích ấy.
Ngay sau khi có "lùm xùm" trên mạng xã hội về kết quả thi ở Hà Giang và Sơn La, sở đã làm việc ngay với Trường THPT chuyên Sơn La.
"Ngoài nắm tình hình về quy trình, kết quả kỳ thi, sở còn tìm hiểu cả hoàn cảnh gia đình, học lực, ý thức của từng trường hợp. Các thầy cô giáo của trường chuyên đều khẳng định: Các em hoàn toàn có thể đạt được như thế" - phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Sơn La nói.
Tỉnh Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi THPT quốc gia là 4,21, thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh tỉnh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn toán và vật lý vượt xa nhiều địa phương khác.
Đáng chú ý, Sơn La có 2 thí sinh lọt top điểm cao nhất cả nước nhưng học lực hằng ngày lại được thầy cô và bạn bè đánh giá là bình thường.
Một thí sinh học chuyên sử, có điểm thi môn tiếng Anh 9,8 điểm trong khi điểm thi thử thí sinh này chỉ đạt 1,2 điểm. Dư luận thắc mắc vì thí sinh này là con của lãnh đạo UBND một huyện ở Sơn La.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, vị lãnh đạo này cho biết ông "chỉ là lãnh đạo ở trong huyện", không can thiệp hay nhờ vả để con mình đạt được kết quả cao.
"Những ngày diễn ra kỳ thi đúng vào dịp xảy ra mưa lũ, tôi phải đi chỉ đạo khắc phục, không có thời gian quan tâm đến cháu. Chỉ khi cháu thi xong mới hỏi thăm, thấy cháu bảo làm được bài nên cũng yên tâm" - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Con gái Bí thư Triệu Tài Vinh được "tặng" 5,4 điểm
Ngày 19-7, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định số 02/QĐKTVA khởi tố vụ án hình sự về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự để điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thông báo của Cơ quan an ninh điều tra, ngày 11-7, kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 được công bố chính thức. Qua thông tin phản ánh nghi ngờ về điểm thi có bất thường tại Hà Giang, ngày 13-7, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
Kết quả kiểm tra, rà soát, chấm thẩm định cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục An ninh - Bộ Công an, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án để điều tra.
Trả lời trên Tuổi Trẻ ra ngày 19-7, ông Triệu Tài Vinh - bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - cho biết tổng điểm 3 môn đăng ký để xét tuyển ĐH trước khi chấm thẩm định của con gái ông là 26 điểm, sau chấm thẩm định bị giảm xuống còn hơn 24 điểm.
Tuy nhiên, thực tế, theo kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, con gái của ông Vinh có điểm toán bị kéo từ 9,4 xuống 6 điểm, ngoại ngữ từ 10 điểm xuống còn 8 điểm, tổng cộng giảm 5,4 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận