24/07/2018 10:44 GMT+7

Nhiều bài thi gốc ở Sơn La bị chỉnh sửa

VŨ TUẤN - LÊ KIÊN
VŨ TUẤN - LÊ KIÊN

TTO - Hiện chưa rõ có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm ở Sơn La được sửa điểm và sửa như thế nào, cũng không thể chấm lại vì không còn căn cứ để đối chiếu, điều chỉnh.

Nhiều bài thi gốc ở Sơn La bị chỉnh sửa - Ảnh 1.

Cơ quan công an làm việc tại Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh: VŨ TUẤN

Điều lo sợ và khó lường nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra tại Sơn La: bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh đã được sửa trên chính phiếu trả lời trắc nghiệm, trước khi đưa vào quy trình quét bài và chấm thi.

Vì vậy, công tác rà soát, kiểm tra của Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở việc chấm thẩm định với một số bài thi tự luận, mà không thể thực hiện việc chấm thẩm định đối với bài trắc nghiệm, vì ảnh (bài thi gốc) đã bị xóa.

Gian lận có tổ chức, liên quan nhiều người

Theo kết luận của Bộ GD-ĐT, ở môn tự luận (ngữ văn), có 17 bài nhập điểm "khống" so với điểm được chấm và 12 bài bị hạ từ 1-4,5 điểm sau khi chấm thẩm định.

Tuy nhiên, đau đầu nhất lại là xử lý bài thi trắc nghiệm ở 4 bài thi còn lại (gồm 8 môn thi). Bởi lẽ theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, bước đầu thấy có dấu hiệu sửa bài thi của một số thí sinh (sửa phiếu trả lời trắc nghiệm).

Còn ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị xóa, còn lại ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau. Nghĩa là dữ liệu được cho là gốc còn lưu duy nhất ở Bộ GD-ĐT cũng chỉ là dữ liệu có bài thi đã chỉnh sửa.

Tổ công tác cũng chưa thể đưa ra con số chính xác bao nhiêu bài trắc nghiệm được sửa điểm và sửa như thế nào. Theo ông Trinh, tổ công tác chỉ làm trước hết với những trường hợp có nghi vấn bất thường, bằng các biện pháp kỹ thuật thì phát hiện dấu hiệu tẩy xóa.

Như vậy, khác với Hà Giang, vụ gian lận ở Sơn La chưa thể khép lại. Vì việc gian lận không phải trên máy như Hà Giang mà trên chính bài thi của thí sinh nên không còn căn cứ để đối chiếu, điều chỉnh.

"Gian lận điểm thi ở Sơn La đáng buồn và xấu xí, nhưng không phải đại diện cho 63 tỉnh thành"

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT

Theo một chuyên gia, nếu như việc chấm thi trắc nghiệm có một ưu thế nổi trội là chính xác, khách quan do "máy chấm" thì giờ đây nó cũng chính là điểm yếu khi dữ liệu làm bài dễ dàng bị tẩy xóa, thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm mà khó tìm lại dấu vết.

Một cán bộ phụ trách chấm thi trắc nghiệm ở một trường ĐH được địa phương đề nghị hỗ trợ chấm thi cho biết quy trình đặt ra như thế nhưng thực hiện như thế nào lại lệ thuộc vào mỗi hội đồng chấm thi ở các địa phương.

"Kho bài thi là tài liệu quan trọng nhất, vì thế phòng để bài thi chúng tôi có ba khóa, do ba người khác nhau giữ chìa. Một người không thể mở được kho bài đó mà phải có đủ ba người mới được. Còn nếu giao chìa khóa cho một người giữ thì sẽ khó có thể kiểm soát" - vị cán bộ này cho biết.

Một cán bộ tham gia tổ chấm trắc nghiệm tại Hà Nội cũng chia sẻ: "Việc quét bài thi không thể hoàn thành trong một ngày, nên sau khi kết thúc một buổi lại phải niêm phong kho bài, máy móc, phòng để bài thi với sự giám sát của thanh tra, công an.

Nhưng có những nơi thì mang bài thi từ phòng này sang phòng khác quét. Hết ngày, tổ chấm thi nghỉ thì để nguyên trạng, ngày sau làm tiếp. Đó cũng là những kẽ hở cho việc gian lận".

Tuy nhiên, ở Hà Giang và Sơn La, ít nhất đã có hai người trở lên dính vào vụ việc. Điều này cho thấy khi việc gian lận có tổ chức liên quan tới nhiều người tại địa phương thì mọi quy trình để bảo mật bài thi, điểm thi cũng có thể bị vô hiệu.

"Đây là vấn đề của con người chứ không phải quy trình, máy móc. Khi chất lượng tuyển sinh của các trường ĐH, chất lượng sản phẩm đào tạo của các trường ĐH giao cho các địa phương thì vấn đề gian lận thi cử khó có thể kiểm soát, cho dù quy trình có chặt hơn hiện nay" - một chuyên gia về công nghệ thông tin cho biết.

Trả lại công bằng cho thí sinh: không dễ!

Trong buổi thông tin với báo chí kết quả làm việc của tổ công tác Bộ GD-ĐT ở Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La trưa 23-7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết ông Hoàng Tiến Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, không có mặt vì "lý do đặc biệt".

Cũng theo ông Trinh, Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đánh giá vi phạm ở hội đồng thi Sơn La là nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây mới là đánh giá ban đầu, các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trả lời câu hỏi về một số bài thi có nghi vấn rơi vào con cháu lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục và Công an tỉnh Sơn La, ông Mai Văn Trinh cho biết hiện nay các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La đang tiếp tục điều tra, xác minh và đấu tranh với các đối tượng liên quan để làm rõ.

Về các bài thi trắc nghiệm của thí sinh Sơn La, do dữ liệu gốc (bài thi) đã được tẩy xóa, chỉnh sửa, không còn cơ sở đối chiếu nên tổ kiểm tra của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an không thể chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm. Điều đó cũng có nghĩa Bộ GD-ĐT buộc phải công nhận kết quả tạm thời với bài thi trắc nghiệm như đã công bố ngày 11-7.

Các chuyên gia về khảo thí cũng nhận định việc khôi phục dữ liệu bài thi gốc để xác định điểm và trả lại công bằng cho tất cả các thí sinh là rất khó.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng khi chúng ta chưa hội đủ yếu tố để xác nhận điểm thi của thí sinh là giả thì về nguyên tắc vẫn phải chấp nhận kết quả đã công bố.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng các trường ĐH có uy tín trong quá trình đào tạo sẽ có cơ chế đào thải. Những sinh viên không đủ năng lực, không thực sự cố gắng để có kết quả học tập thật thì dù có vào trường cũng sẽ tiếp tục bị sàng lọc trong quá trình đào tạo.

Những sai phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La

1. Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.

2. Tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định: phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.

3. Quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định.

4. Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Sơn La.

5. Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.

6 Việc bàn giao bài thi giữa các điểm thi với Hội đồng thi Sở GD-ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa ban thư ký với ban làm phách không đảm bảo quy định.

Những cá nhân liên quan đến các sai phạm quy chế thi

1. Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD-ĐT, ủy viên ban chỉ đạo thi, phó chủ tịch hội đồng thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm

2. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT), thư ký ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm

3. Bà Cầm Thị Bun Sọn, phó trưởng phòng chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT), ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm

4. Ông Lò Văn Huynh, trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT), ủy viên ban chỉ đạo, ủy viên hội đồng thi, trưởng ban thư ký.

5. Ông Đặng Hữu Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm trắc nghiệm.

Sơn La sai phạm đặc biệt ở khâu chấm thi Sơn La sai phạm đặc biệt ở khâu chấm thi

TTO - Đó là trao đổi của ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), vào lúc gần 23h ngày 21-7 tại Sơn La, liên quan đến việc hàng chục bài thi tại tỉnh này có dấu hiệu chỉnh sửa, can thiệp để nâng điểm.

VŨ TUẤN - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên