03/08/2018 10:30 GMT+7

Sẽ đánh giá khách quan về kỳ thi THPT quốc gia 2018

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Ông Phùng Xuân Nhạ - bộ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng sẽ tiếp thu các góp ý để nhìn nhận khách quan hơn về kỳ thi tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra ngày 2-8.

Sẽ đánh giá khách quan về kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 - Ảnh: N.KHÁNH

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng việc rút kinh nghiệm này phải được thực hiện sớm. Bởi lẽ nhiều năm qua, sau mỗi kỳ thi, Bộ GD-ĐT đều có rút kinh nghiệm nhưng thường "làm chậm nên nguội". Trong khi "sự việc vừa xảy ra rất nóng, ai cũng chuyên tâm nghiên cứu, nhưng nếu thời gian kéo dài thì việc đóng góp không hiệu quả".

Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang - phát biểu dù đánh giá kỳ thi THPT quốc gia tổ chức năm 2018 về cơ bản diễn ra an toàn, nghiêm túc, được nhân dân đồng thuận, nhưng lại "rất đau lòng" trước sự cố về sai phạm diễn ra ở hai địa phương (Sơn La, Hà Giang - PV). 

"Qua sự việc này, Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm, rồi có phương án đấu tranh phòng ngừa. Song năm sau không nên có thay đổi quá lớn, khiến xã hội phải tiếp tục băn khoăn" - bà Giang nói.

Ngoài ra, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục còn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là dù hướng đến mục tiêu chung nhưng điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực ở các địa phương vô cùng khác biệt. Với bức tranh như thế, "cần nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, chứ không nên thực hiện cào bằng, hình thức sẽ không đạt được hiệu quả cao".

"Tôi đã thấy phó thủ tướng làm việc với các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, nhận được nhiều ý kiến hay. Nhưng đó mới chỉ là cơ sở khoa học, còn về những vấn đề thực tiễn thì cần làm việc sâu sắc với từng địa phương. 

Những người làm việc từ cơ sở sẽ phản ánh đầy đủ bức tranh giáo dục VN để chúng ta có quyết sách thực sự đúng đắn, kịp thời và hiệu quả - hiệu quả trước hết cho người học, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn, địa phương..." - bà Giang nói.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - cho biết ủy ban đang thực hiện nhiệm vụ khảo sát về kỳ thi THPT quốc gia, giám sát việc tổ chức thực hiện từ các địa phương. Báo cáo này đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo bà Minh, trước những vụ việc diễn ra thời gian qua, rõ ràng Bộ GD-ĐT đã rất cố gắng nhưng việc thực hiện cụ thể còn có những hạn chế, tồn tại. 

"Dưới sự chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã làm đầy đủ các chỉ đạo này hay chưa? Các mắt xích trong tổ chức kỳ thi đã đảm bảo đúng yêu cầu chưa? Ví dụ đề thi trắc nghiệm phải đảm bảo chuẩn hóa, chúng ta chưa làm được chuẩn hóa thì độ khó - dễ ra sao?..." - bà Minh đặt vấn đề.

Giảm biên chế: trước hết ở khâu gián tiếp

Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương và Sở GD-ĐT cho biết đã thực hiện rốt ráo việc rà soát, tinh giản biên chế bằng cách sắp xếp lại các trường, xóa bớt điểm trường...

Chia sẻ lại về việc này, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thực hiện tinh giản biên chế là đúng. Chủ trương từ nay đến năm 2020 là cắt giảm 10% biên chế nói chung, nhưng việc này phải tùy thuộc vào thực tế từng địa phương, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thuận lợi cho học sinh.

Giáo viên phải đủ môn, đủ cho các cấp học. Không thể vì "cắt giảm" mà chuyển giáo viên môn này sang dạy môn kia. Nơi thiếu vẫn phải tuyển giáo viên mới. Việc tinh giản trước hết đối với các vị trí gián tiếp trong ngành giáo dục.

Ngoài ra, việc tăng cường tự chủ ĐH, theo đó cán bộ, giảng viên do trường tự trả lương thì cũng không tính vào diện biên chế truyền thống.

Không thể cầu toàn, cũng không thể chủ quan

Thể hiện sự cầu thị, ông Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ tại hội nghị: "Chúng tôi mong các đồng chí có cái nhìn khách quan về kỳ thi THPT quốc gia, cái gì được phải khẳng định, cái chưa được sẽ thẳng thắn thừa nhận. Đổi mới là một quá trình và trong quá trình ấy chúng ta không thể cầu toàn, nhưng tuyệt đối không chủ quan khi thấy những điều cần sửa chữa".

Ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận những hạn chế của kỳ thi. Cụ thể là đề thi khó hơn các năm trước. Phần mềm chấm trắc nghiệm THPT còn những kẽ hở trong bảo mật, dẫn tới bị lợi dụng làm sai lệch kết quả thi. Vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa đầy đủ, gây ra tiêu cực.

Một số ý kiến tại các điểm cầu trong hội nghị đã đề cập đến những ưu điểm của kỳ thi khi được chuyển về địa phương. Đó là việc giảm bớt di chuyển, đi lại cho học sinh, hạn chế tình trạng học sinh phải bỏ thi do gặp khó khăn. Nhưng từ việc gian lận thi năm nay, muốn giữ ổn định kỳ thi cần gia tăng các biện pháp nhằm ngăn ngừa gian lận.

Ông Nguyễn Thọ Đạt - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân - tỏ ra lo lắng cho chất lượng sinh viên khi các trường ĐH đang sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Nhưng kết quả này lại đang thiếu sự tin cậy khi xảy ra các vụ gian lận ở Hà Giang, Sơn La. 

Ông Đạt cho rằng nếu kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục thực hiện vào các năm sau thì cần phải có giải pháp để đảm bảo chất lượng.

Đề thi vẫn cần đảm bảo yêu cầu phân loại được học sinh giỏi - khá - trung bình và nếu đạt được, đó sẽ là căn cứ tin cậy để trường ĐH tuyển sinh. Vì thế cần xem xét vấn đề ra đề, không nên để xảy ra tình trạng năm nay đề quá dễ, năm sau đề lại quá khó - ông Đạt nêu quan điểm.

Về coi thi, chấm thi THPT quốc gia, ông Đạt cho rằng cần có những giải pháp mạnh. Ví dụ phải có cán bộ ĐH tham gia ở tất cả các khâu. Không nên xếp các "thí sinh đặc biệt" vào một phòng riêng dễ xảy ra tiêu cực. Việc chấm thi cần tổ chức chấm theo cụm hoặc chấm chéo giữa các địa phương, cải thiện phần mềm chấm thi để tránh việc gian lận...

Trong phần trao đổi tại hội nghị, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới giáo dục cũng như xây cái nhà, làm con đường, xây phòng học... phải bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Ngay như việc thi THPT quốc gia cũng phải có lộ trình. Từ năm 2015 bắt đầu làm, đến năm 2021 mới xong lộ trình.

"Trong quá trình ấy, không có giải pháp nào là hoàn hảo hết. Mỗi quyết sách giáo dục được đề ra có liên quan đến từng gia đình, cá nhân. Vì thế, điều gì đã vạch ra thì ta phải kiên trì thực hiện" - phó thủ tướng nhấn mạnh.

Sợ lạm thu, cấm luôn nguồn xã hội hóa

Khi vấn đề "tiền trường" được lãnh đạo Bộ GD-ĐT gợi mở để các địa phương có ý kiến, một số đại diện Sở GD-ĐT đã cho rằng do lo sợ tình trạng lạm thu nên một số tỉnh, thành đã có động thái cực đoan là cấm luôn nguồn xã hội hóa.

Điều này khiến nhiều nhà trường gặp khó khăn khi kinh phí từ ngân sách cấp eo hẹp, trong khi thực tế có rất nhiều việc nếu không trông chờ sự giúp sức của phụ huynh thì khó làm được. "Việc này cần được khai thông bằng các quy định cụ thể" - ý kiến một lãnh đạo Sở GD-ĐT.

Chia sẻ về việc này, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đang chờ Bộ GD-ĐT trình hai nghị định quan trọng là quản lý trường phổ thông, mầm non và tự chủ trường ĐH. Trong đó sẽ có nội dung về huy động các nguồn lực xã hội hóa với các quy định chặt chẽ, cụ thể.

Bên cạnh việc chống thu tùy tiện thì sẽ phải mở kênh để tiếp nhận sự đóng góp của những người có tấm lòng ủng hộ giáo dục. Phó thủ tướng cũng cho rằng cần đặt ra việc phụ huynh cùng tham gia quản trị nhà trường.

nh-thi thpt3818 2(read-only)

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TP.HCM, nơi có kiến nghị mới về việc xét tốt nghiệp THPT - Ảnh: NHƯ HÙNG

TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho giáo dục

Sở GD-ĐT TP.HCM đã gửi báo cáo tham luận bằng văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT cho TP thực hiện cơ chế đặc thù trong giáo dục, để thực hiện các giải pháp đổi mới và đột phá.

Theo đó, giải pháp thứ nhất là giao cho Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND TP tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.

Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

Giải pháp thứ hai là thực hiện cơ chế mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay), cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp với đặc điểm của những địa phương khó khăn. Cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương...

Các giải pháp khác: cho phép TP thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng; tự chủ về biên chế giáo viên...

H.HG.

Thi THPT quốc gia nên điều chỉnh ra sao? Thi THPT quốc gia nên điều chỉnh ra sao?

TTO - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đề thi năm nay chưa phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Quy chế, quy trình thực hiện còn có nhiều sơ suất phải điều chỉnh.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên