31/07/2018 10:02 GMT+7

Thi THPT quốc gia nên điều chỉnh ra sao?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đề thi năm nay chưa phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Quy chế, quy trình thực hiện còn có nhiều sơ suất phải điều chỉnh.

Thi THPT quốc gia nên điều chỉnh ra sao? - Ảnh 1.

Thí sinh đến điểm thi Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM làm thủ tục thi THPT quốc gia 2018 chiều 24-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 30-7, một cuộc tọa đàm do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham gia của ông Phùng Xuân Nhạ (bộ trưởng Bộ GD-ĐT) và lãnh đạo các cấp của Bộ GD-ĐT, các chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực giáo dục tập trung thảo luận về kỳ thi THPT quốc gia.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ sau phiên họp, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết: "Một số ý kiến tại buổi tọa đàm cũng cho rằng vì đặt nặng hơn mục tiêu vào ĐH nên kỳ thi dễ xảy ra gian lận, tiêu cực".

Xác định mục tiêu kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT

Một số chuyên gia dự tọa đàm nhận xét đề thi năm 2018 quá khó khiến dư luận hiểu mặc dù kỳ thi nhằm hai mục tiêu nhưng lại nghiêng nhiều vào việc tuyển sinh ĐH. Trong đó có người phê phán khá gay gắt quan điểm ra đề thi năm nay.

"Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự cả hai phiên họp trong ngày để lắng nghe và đã thừa nhận việc đề thi năm nay chưa phù hợp với mục tiêu của kỳ thi và quy chế, quy trình thực hiện còn có nhiều sơ suất phải điều chỉnh" - TS Nguyễn Tùng Lâm, một trong các chuyên gia dự tọa đàm, thông tin.

"Nên xác định mục tiêu này cho đúng là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT" - chia sẻ quan điểm này với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho biết đây là ý kiến tương đối thống nhất của các chuyên gia tại buổi tọa đàm.

Cũng bày tỏ quan điểm trong việc xác định tính chất của kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng bên cạnh mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, các trường ĐH có quyền sử dụng kết quả của kỳ thi này hoặc sử dụng kết quả đó nhưng bổ sung thêm các hình thức đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.

"Theo tinh thần của cuộc tọa đàm hôm nay và ý kiến cá nhân tôi thì duy trì kỳ thi này cho đến hết năm 2020, đến năm 2021 khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới lên đến cấp THPT thì việc đổi mới hoàn toàn về cách thi là cần thiết.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đây là kỳ thi để phục vụ xét tốt nghiệp THPT từ năm 2019 và các trường ĐH phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có phương án tuyển sinh của mình thì mới kịp được. Quyền chủ động tuyển sinh rất phù hợp với Luật giáo dục ĐH hiện hành" - GS Thuyết trao đổi.

Sẽ điều chỉnh thế nào?

Sau khi xác định mục tiêu chủ yếu của kỳ thi là "xét tốt nghiệp", các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên cần thống nhất là hướng ra đề thi phải thay đổi, không thể ra đề quá khó nhằm mục đích thuận lợi cho các trường ĐH tốp đầu tuyển sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất nên chăng ứng dụng công nghệ hiện đại hơn vào giám sát kỳ thi như lắp camera toàn bộ các phòng thi để phòng gian lận. Làm được việc này ít nhất sẽ hạn chế tình trạng gian lận có tổ chức có thể xảy ra.

Ngoài ra, quy trình chấm thi, nhất là đối với bài thi trắc nghiệm, nên rà soát lại. Bộ GD-ĐT cử thanh tra của các trường ĐH cắm chốt nhưng lại chỉ ở vòng ngoài. 

Còn người trực tiếp giám sát việc quét bài, chấm bài chỉ có thanh tra tại địa phương, như thế nếu có việc tổ chức gian lận thì sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

"Nên nghiên cứu xem có thể rọc phách bài thi trắc nghiệm không? Một vấn đề nữa cần xem xét là nên chấm chéo giữa các địa phương để đảm bảo khách quan hơn, tránh việc giám thị, người phụ trách chấm thi ở các địa phương có hành vi sai phạm hoặc chịu áp lực nào đó để sai phạm" - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ với Tuổi Trẻ. Ông cho biết cũng đưa ra ý kiến này tại tọa đàm.

Một số chuyên gia khác tại tọa đàm nêu ý kiến cho rằng nên chăng tổ chức chấm tập trung bài thi trắc nghiệm theo cụm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

"Có những ý kiến đặt ra việc thi trên máy như một giải pháp chống gian lận thi cử. Tuy nhiên việc này cũng phải tính đến những yếu tố rủi ro như trục trặc máy móc, đường truyền kỹ thuật" - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Trong suốt buổi tọa đàm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ yếu lắng nghe tiếp thu ý kiến, chưa kết luận, chốt lại vấn đề này.

Hành trình 3 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia

Năm 2015-2018, Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia dùng vào hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH - CĐ.

Có một số điều chỉnh trong ba năm tổ chức kỳ thi này về nội dung thi, đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi. Ưu điểm của kỳ thi này là giảm áp lực đối với học sinh, xã hội, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Năm 2016, việc đưa các cụm thi về từng huyện giảm việc di chuyển, đi lại của thí sinh. Năm 2017, với những điều chỉnh mới, kỳ thi hạn chế tiêu cực trong coi thi, chấm thi, nhẹ nhàng hơn.

Việc tổ chức thi theo bài giúp giảm bớt tình trạng dạy và học lệch, học tủ, giảm tình trạng dạy thêm học thêm. Học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn vào ĐH - CĐ.

Nhưng các kỳ thi từ năm 2015 đến 2018 cũng đều bộc lộ một số hạn chế. Năm 2017, đề thi có độ phân hóa chưa cao. Nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không vào được các trường ĐH mong muốn, nhất là khối trường công an, quân đội.

Năm 2018 xảy ra tiêu cực trong công tác chấm thi ở Hà Giang, Sơn La, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kỳ thi, lòng tin vào đổi mới thi và đổi mới giáo dục.

(Theo tài liệu tại cuộc tọa đàm)

Nhiều bài thi gốc ở Sơn La bị chỉnh sửa Nhiều bài thi gốc ở Sơn La bị chỉnh sửa

TTO - Hiện chưa rõ có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm ở Sơn La được sửa điểm và sửa như thế nào, cũng không thể chấm lại vì không còn căn cứ để đối chiếu, điều chỉnh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên