Thực tế các nhà vệ sinh công cộng đã cải thiện được như thế nào?
Khi hàng quán sẵn sàng mở cửa
Nhà vệ sinh công cộng đã được xây tại bốn vị trí "vàng" ở trung tâm quận 1: tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, số 8 đường Nguyễn Trung Trực và Thương xá Tax tại số 135 đường Nguyễn Huệ.
Những nhà vệ sinh này được xây mới hoàn toàn, có trang bị hệ thống sấy tay, xả nước, xà phòng tự động, bảng đánh giá chất lượng dịch vụ và nhiều tiện ích khác. Đặc biệt, bên ngoài có lắp camera, bên trong là màn hình chiếu để khách có thể quan sát xe của mình khi đi vệ sinh.
Khu nhà vệ sinh công cộng ở công viên Phong Châu (nút giao Phạm Viết Chánh và Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) sau khi "thay áo mới" hồi tháng 4 nay cũng khang trang và sạch sẽ hơn hẳn. Nhà vệ sinh này có thêm buồng cho người khuyết tật, theo tiêu chuẩn quy định từ Tổng cục Du lịch.
Bà Hiệp (53 tuổi), trông coi nhà vệ sinh, cho biết mỗi ngày có hàng trăm lượt khách ghé qua. Khách du lịch, người nước ngoài ghé nhiều hơn. Cách khoảng 20 phút, bà Hiệp lau dọn một lần. "Mình cứ dọn dẹp sạch sẽ thì người ta cũng tự giác ý thức hơn khi sử dụng", bà Hiệp nói.
Chị Nguyễn Kim Huệ (23 tuổi) cho biết bây giờ ra quận 1 không quá khó để tìm nhà vệ sinh công cộng như trước. Từ công viên, hàng quán, phố đi bộ… nơi nào cũng đều có nhà vệ sinh công cộng.
Tuy nhiên, một số người cho rằng cần làm nhiều nhà vệ sinh công cộng hơn nữa. Cùng với đó, các đơn vị liên quan phải rà soát, sửa chữa hết các nhà vệ sinh hiện hữu.
Như tại khu vực trạm xe buýt Hàm Nghi (quận 1), hiện chỉ có một nhà vệ sinh công cộng hoạt động, nhưng cửa thường xuyên hư.
Nơi này là một trong những trạm xe buýt nhộn nhịp đông người nhất, đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày nên vấn đề nhà vệ sinh công cộng cần sớm được cải thiện.
Ông Nhân (70 tuổi), tài xế xe ôm tại đây, chia sẻ nếu chỉ có một nhà vệ sinh thì không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều người loay hoay tìm mãi mới thấy nhà vệ sinh ở đây nhưng khi tìm được đến nơi rồi lại... mở cửa không ra!
Tại quận 3, quận Gò Vấp, quận 7… số lượng nhà vệ sinh công cộng "đúng kiểu mẫu" vẫn còn ít, chủ yếu là nhà vệ sinh thuộc cơ sở kinh doanh, dịch vụ đồng ý "mở cửa" cho khách ghé vào.
Anh Hoàng Dũng (tài xế xe công nghệ) cho biết: "Hiện tại nhà vệ sinh công cộng mới xây thêm vài cái nên cũng chỉ giải quyết được một phần. Quán xá đã thoải mái đồng ý để khách du lịch, người dân đi ké nhà vệ sinh. Như vậy là đã thuận tiện hơn trước nhiều rồi".
Lập đề án xây dựng nhà vệ sinh công cộng
Tại khu vực trung tâm thành phố (quận 1) các nhà vệ sinh đã dần được sửa chữa và xây mới thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Thanh Bình - phó Phòng Quản lý đô thị quận 1 - cho biết đến nay UBND quận 1 đã vận động được 130 địa điểm trên địa bàn quận và lắp biển báo hướng dẫn cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh.
Người dân và du khách hài lòng với sự thân thiện, nhiệt tình này. Dự kiến, đến 2-9, UBND quận 1 sẽ vận động được 300 địa điểm trên địa bàn cho người dân, du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Quận 1 cũng sẽ sửa chữa và nâng cấp nhà vệ sinh tại chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Dân Sinh và chợ Thái Bình, khu dân cư đường Nguyễn Thái Học…
"Hiện nay quận 1 vẫn tiếp tục tìm quỹ đất trống để đề xuất thành phố làm thêm các điểm khác. Nếu có quỹ đất phù hợp thì sẽ đề xuất, kêu gọi nhà đầu tư để lắp đặt thêm", ông Bình chia sẻ.
Để cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề án với nhiều giải pháp cho vấn đề này. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ của nhà vệ sinh công cộng.
Thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo các nhà vệ sinh công cộng hiện hữu, xác định các vị trí cần bổ sung, bố trí mới nhà vệ sinh.
866
là số nhà vệ sinh công cộng hiện có ở TP.HCM (theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7-2023). Trong đó, huyện Bình Chánh đứng đầu với 136 nhà vệ sinh, quận 1 có 127, huyện Củ Chi có 114... Tuy nhiên, các nhà vệ sinh này phân bố chưa đồng đều, nhiều nơi đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Khó khăn chính của việc thiếu nhà vệ sinh là do không có đủ quỹ đất công cộng để bố trí xây dựng. Đồng thời pháp lý đất xây dựng nhà vệ sinh công cộng và quy trình, thủ tục đầu tư, đấu thầu cũng còn nhiều vướng mắc. Một số đơn vị phản đối lắp đặt do e ngại vấn đề mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận