08/09/2021 11:46 GMT+7

Giải bài toán thiết bị, đường truyền cho dạy học trực tuyến

ĐỨC THIỆN - THANH HÀ
ĐỨC THIỆN - THANH HÀ

TTO - Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tối 6-9, ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - thừa nhận dạy học trực tuyến đang gặp phải 2 thách thức lớn: thiết bị thiếu và đường truyền yếu. Bài toán khó này xử lý sao?

Giải bài toán thiết bị, đường truyền cho dạy học trực tuyến - Ảnh 1.

Một học sinh ở huyện Bình Chánh, TP.HCM gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến bằng điện thoại, màn hình nhỏ lại thường bị rớt sóng - Ảnh: TỰ TRUNG

Thực tế 2 ngày đầu tiên học sinh cả nước học online, bên cạnh nỗi lo thiếu thiết bị dạy học, giáo viên, học sinh nhiều nơi gần như bất lực vì máy cứ "quay vòng vòng", liên tục bị văng ra khỏi phòng học trực tuyến.

Đề nghị công nhận "thiết yếu"

Một trong những nguyên nhân của việc thiếu trang thiết bị phục vụ học sinh học trực tuyến hiện nay là hoạt động mua bán, sửa chữa, cũng như giao nhận tại nhiều tỉnh thành hiện nay đang bị "đóng cửa" vì không phải nhu cầu "thiết yếu". 

Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đề xuất cho mở lại hoạt động này để phục vụ học sinh nói riêng, làm việc từ xa của người dân nói chung.

Ông Ngô Quốc Bảo - giám đốc trải nghiệm khách hàng và tiếp thị Công ty FPT Retail - cho rằng giãn cách, ai cũng cần dùng máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng. "Tuy nhiên nhiều tỉnh thành lại không có văn bản hướng dẫn cho nhóm ngành này. Cơ quan chức năng xem xét đến nhu cầu này, cho doanh nghiệp ngành hàng này được hoạt động, đăng ký danh sách nhân viên giao hàng để giao hàng tới tay người tiêu dùng" - ông Bảo kiến nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Đạt - tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Di Động Việt - cho hay kể từ khi đóng cửa chống dịch, mỗi ngày tổng đài của Di Động Việt nhận được hàng trăm cuộc gọi từ khách hàng hỏi khi nào mở lại dịch vụ. Cuộc gọi tăng cao những ngày gần đây khi nhu cầu học online tăng cao. Chưa kể nhiều gia đình cần sửa, nâng cấp thiết bị sẵn có nhưng cũng không được phục vụ.

Nhà mạng đồng hành

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-9, các nhà mạng viễn thông cho biết lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom... trong các ngày 5 và 6-9 đã tăng lên gấp 4 lần so với các ngày thông thường trước đó. 

Mặt khác do ảnh hưởng từ sự cố cáp quang biển diễn ra cùng lúc trên 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 đã ảnh hưởng tới việc truy cập của người dùng đến các trang dịch vụ quốc tế.

Trước yêu cầu đảm bảo chất lượng đường truyền Internet cho việc học tập trực tuyến của học sinh cả nước, các nhà mạng đều "hứa" sẽ có những giải pháp tăng cường cụ thể. 

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, ngay khi ngành giáo dục triển khai đợt dạy và học trực tuyến đầu tiên, bộ và các doanh nghiệp viễn thông lớn đã cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng ngành GD-ĐT. Không chỉ cung cấp những phần mềm chính danh, có tính bảo mật cao, các nhà mạng còn miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thầy cô và học sinh liên quan đến các chương trình học từ xa.

Ông Huỳnh Quang Liêm - tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - cho hay VNPT đã hỗ trợ miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học, trị giá hàng nghìn tỉ đồng mỗi tháng.

Cũng theo ông Liêm, từ năm 2020, VNPT đã xác định đại dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng kéo dài nên đã có chiến lược sớm trong việc triển khai các giải pháp trong thời gian dịch bệnh cho ngành giáo dục, trong đó nổi bật là giải pháp học và thi trực tuyến VNPT E-Learning. 

Giải pháp này được sử dụng như một kênh chính thống để giáo viên truyền tải kiến thức đến toàn bộ học sinh của trường một cách hệ thống hóa, bài bản khoa học và đầy đủ. Đồng thời thông qua kênh này, các cấp quản lý nhà trường, phòng, sở có công cụ tập trung để đánh giá, giám sát tiến độ và kết quả dạy - học tại địa phương.

Cần nhiều doanh nghiệp chung tay

Trong khi chờ quyết sách từ các cơ quan chức năng, không ít doanh nghiệp công nghệ chủ động có những hỗ trợ các đối tượng tham gia dạy, học trực tuyến.

Ông Hà Trung Kiên - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Gapo (Gapo Technology) - cho biết: "Chúng tôi sẽ tài trợ 1.000 trường học trên toàn quốc tài khoản GapoWork có tích hợp Zoom bản quyền, giúp thầy cô và nhà trường thuận tiện trong việc dạy học, họp trực tuyến và đặc biệt là tiết kiệm chi phí".

img20190906082942 2(read-only)

Cần nhiều chương trình trợ giá, ưu đãi thiết bị phục vụ học trực tuyến - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Để được hỗ trợ, các trường học có thể đăng ký tại https://landing.gapowork.vn/zoom. Khi đăng ký thành công, mỗi lớp học trong trường sẽ được nhận một tài khoản Zoom miễn phí.

Với tài khoản Zoom trên nền tảng GapoWork, thầy cô hoàn toàn có thể quản lý các giờ học trực tuyến diễn ra hiệu quả nhờ vào các tính năng như: không giới hạn thời gian chia sẻ; hình ảnh và chất lượng âm thanh HD; số lượng người tham dự lên đến 300 người; tự động đăng nhập và dễ dàng sử dụng; linh hoạt chia các nhóm thảo luận; tạo cuộc thăm dò ý kiến giống như một lớp học thông thường...

Đ.THIỆN

Gói hỗ trợ 10.000 tỉ đồng

Bộ Thông tin và truyền thông cho biết từ ngày 2-8, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng, triển khai từ ngày 5-8-2021 và kéo dài trong 3 tháng.

Học sinh, sinh viên, giáo viên, các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ của bảy doanh nghiệp nói trên được tăng gấp hai lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi.

THANH HÀ

Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn

TTO - Năm học mới, các trường phổ thông ở TP.HCM dạy học trực tuyến với nhiều phần mềm khác nhau. Ngoài nỗi lo về máy tính, còn có một nỗi lo khác thường trực là 'bị out' (rớt mạng) khi học trực tuyến.

ĐỨC THIỆN - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên