26/05/2018 14:26 GMT+7

Giá trị dinh dưỡng của đậu nành đối với bệnh tim mạch

Nguồn: thaythuocvietnam.vn (Hội Nội Khoa Việt Nam)
Nguồn: thaythuocvietnam.vn (Hội Nội Khoa Việt Nam)

Đậu nành có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như: Hỗ trợ chống loãng xương, giảm chậm các triệu chứng của tiền mãn kinh,… đặc biệt là giảm nguy cơ cho bệnh tim mạch.

Giá trị dinh dưỡng của đậu nành đối với bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Đậu nành và các chế phẩm. Ảnh: medicalnewstoday.com

Đậu nành (đậu tương) là thực phẩm được chế biến thành các món ăn phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, như đậu phụ, tào phớ, sữa đậu nành, tương,…

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, đậu nành có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như: Hỗ trợ phòng chống loãng xương, giảm các triệu chứng của phụ nữ như tiền mãn kinh,..., đặc biệt là giảm nguy cơ cho bệnh tim mạch.

Trong 100g đậu nành các thành phần dinh dưỡng cơ bản bao gồm: Năng lượng 173 Kcal, nước 63 %, protein 16.6 g, carbs 9.9 g, fat 9g và các vitamins.

Về cơ bản, đậu nành là một trong những nguồn protein đứng hàng đầu về số lượng và chất lượng trong các loại protein có nguồn gốc thực vật. Hàm lượng protein của đậu nành trong khoảng 36-56% trọng lượng khô. Protein trong đậu nành chứa hầu hết các acid amin thiết yếu có hàm lượng tương đương với thịt, ngoại trừ methionin và cystein hơi thấp.

Để bù đắp sự thiếu hụt và cân đối giữa tỷ lệ protein động vật và thực vật, những người mắc bệnh tim mạch nên được cung cấp khoảng 1-1,2g protein/kg/24h, trong đó 50% từ nguồn gốc thực vật, ưu tiên từ nguồn đậu nành.

Đậu nành là nguồn thực phẩm giàu chất béo thực vật. Hàm lượng chất béo khoảng 18% trọng lượng khô, chủ yếu là acid béo không bão hòa nhiều nối đôi (PUFA, gần 57%) và acid béo không bão hòa một nối đôi (MUFA, khoảng 22%), với một lượng nhỏ acid béo bão hòa (SAT, khoảng 15%). Theo các khuyến nghị về chất béo cho người mắc bệnh tim mạch: Năng lượng từ chất béo chiếm khoảng 20-30%, trong đó chất béo từ thực vật chiếm khoảng 70%, và đảm bảo cân đối giữa các loại acid béo bão hòa và không bão hòa. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol trong khẩu phần ăn và đậu nành là thực phẩm được ưu tiên lựa chọn.

Trong đậu nành chứa nhiều chất xơ rất cần thiết cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, đồng thời cải thiện các vấn đề tiêu hóa của bệnh nhân. Bên cạnh đó, đậu nành chứa các chất có hoạt tính sinh học, giúp cơ thể chống gốc tự do, chống lão hóa (isoflavones), góp phần làm giảm cholesterol máu (saponins).

Đậu nành không những cung cấp các vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B, C), vitamin tan trong dầu, vitamin K tốt cho quá trình đông máu, mà còn cung cấp các chất khoáng như can xi, sắt, kẽm,… cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho tim mạch. Vì vậy, đậu nành đã và đang được đưa vào bữa ăn của mọi người, trong đó có bệnh nhân tim mạch.

Tuy nhiên, khi sử dụng đậu nành, chúng ta nên tuân thủ các nguyên tắc của dinh dưỡng trong chế biến món ăn: Đảm bảo đủ số lượng của 3 chất sinh năng lượng (protein, lipid, glucid) và cân đối giữa nguồn động vật và thực vật. Vì một số nghiên cứu đã chỉ ra: Nếu lạm dụng đậu nành có thể làm ảnh hưởng không tốt đến chức năng tuyến giáp, hoặc gia tăng nguy cơ bị dị ứng.

Để tận dụng những giá trị dinh dưỡng tốt cũng như hạn chế tác dụng không mong muốn khi sử dụng đậu nành, chúng ta nên cung cấp khoảng 20g chất đạm trong chế độ ăn hàng ngày và sử dụng dưới dạng đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ,… Bạn có thể ăn 2 bìa đậu phụ và 200-300 ml sữa đậu nành hoặc tào phớ.

Về chế biến, nên thay đổi các món như đậu phụ rán, đậu phụ luộc, đậu phụ sốt cà chua,…

Cuối cùng, để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ để được khám, điều trị cũng như tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể.

Nguồn: thaythuocvietnam.vn (Hội Nội Khoa Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên