VFA cho biết theo ước tính của Bộ Công Thương, trong tháng 10-2023 xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
VFA cũng cho biết tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.
Bà Trần Thanh Bình - trưởng Phòng Xuất nhập khẩu (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) - cho biết chỉ trong 10 tháng nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam đã tương đương cả năm 2022 và giá trị tăng gần 35%, cho thấy giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng và "chúng ta đã khẳng định được thương hiệu".
Với ý kiến cho rằng giá gạo Việt Nam quá cao thì khách hàng có chuyển sang dùng gạo Thái Lan, bà Bình cho rằng giá gạo Việt Nam cao nhưng chất lượng tốt và "việc này do thị trường quyết định".
"Giá gạo Việt Nam cao do chính doanh nghiệp chúng ta đi đàm phán, đó là mặt bằng chung. Gần 200 thương nhân chúng ta giao dịch hằng ngày, thiết lập giá gạo của Việt Nam, giá cao mà người ta tìm mua thì chúng ta khẳng định được chất lượng", bà Bình nói.
Dự báo tình hình sắp tới, bà Bình phân tích một số tình hình nội tại của Ấn Độ và cho rằng ít nhất đến tháng 2-2024, quốc gia này sẽ chưa có khả năng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận định, đưa ra thời điểm "vàng" để ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Ngoài ra, bà Bình cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần lưu ý xu hướng sản xuất xanh, nền nông nghiệp xanh mà thế giới đang áp dụng, đặc biệt là các quốc gia EU để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận