Với nhu cầu thế giới vẫn còn, đặc biệt thị trường Indonesia tăng mua, giá gạo xuất khẩu được dự đoán vẫn tốt. Tuy nhiên, với giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Philippines dẫn đầu, lượng xuất sang Indonesia tăng mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 9-2023 cả nước xuất khẩu 605.410 tấn gạo, kim ngạch đạt 377,78 triệu USD, trị giá bình quân 624 USD/tấn. Theo đó, so với tháng trước, lượng xuất giảm 34,3%, kim ngạch giảm 30,9%, nhưng giá trị bình quân lại tăng 5,2%.
Lũy kế hết tháng 9 cả nước xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,54 tỉ USD, trị giá bình quân đạt 551,5 USD/tấn, tăng 19,5% về lượng, tăng 35,9% về kim ngạch, tăng 13,7% về trị giá bình quân so với cùng kỳ 2022.
Philippines, Trung Quốc và Indonesia là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường dẫn đầu.
Cụ thể, hết tháng 9, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 2,44 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,29 tỉ USD, giảm 1,1% về lượng, nhưng tăng 12,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Quốc gia này chiếm 38% về lượng và 36,5% về kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trung Quốc đứng thứ hai với 858.848 tấn, kim ngạch đạt 495,78 triệu USD, tăng 37,2% về lượng và tăng 55,2% về kim ngạch, chiếm 13,3% về lượng và 14% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Đứng thứ ba là Indonesia với 884.177 tấn, kim ngạch 462,61 triệu USD, tăng tới 1.667% về lượng, và tăng 1.794% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,8% về lượng và chiếm 13% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Với tổng lượng khoảng 4,2 triệu tấn, riêng 3 thị trường kể trên chiếm đến 65,4% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước trong 9 tháng qua.
Giá tốt nhưng nguy cơ thiếu gạo xuất khẩu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-10, ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng do thị trường còn cần hàng nên giá xuất khẩu có khả năng vẫn duy trì ở mức tốt trong thời gian tới, nhưng nguy cơ các doanh nghiệp không đủ gạo để xuất.
"Nhiều thời điểm, giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu khoảng 50 USD/tấn. Sự chênh lệch này khiến nhiều doanh nghiệp không tự tin mua vào", ông Nam thông tin.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo phía Nam cũng xác nhận việc chênh lệch giữa giá mua và bán không phải là câu chuyện mới, nhưng vẫn đang tiếp diễn. Theo đó, hiện không ít doanh nghiệp xuất khẩu có tâm lý không dám mạnh tay ký hợp đồng mới vì lo ngại giá gạo trong nước "nhảy múa", thậm chí gặp khó vì không ít nông dân, thương lái, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý đầu cơ, trữ hàng chờ giá.
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, với việc Ấn Độ vào mùa thu hoạch lúa, nếu dư hàng, quốc gia này có thể sẽ mở cửa bán gạo trở lại, khi đó giá gạo toàn cầu khả năng sẽ giảm so với hiện nay.
Cơ hội lớn với thị trường Indonesia
Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố về việc nước này sẽ phải cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023. Đây được xem là cơ hội lớn cho mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bởi Indonesia cho biết sẽ chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung gạo chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận