Tuy nhiên, nguồn gạo trong nước không còn nhiều do đã vào cuối vụ, nên các doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng mới nếu chưa chuẩn bị được nguồn hàng.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, với việc Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng, trong khi chiến sự giữa Nga và Ukraine và xung đột ở khu vực Trung Đông đang diễn biến khó lường, giá gạo được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí còn tăng những tháng cuối năm nay.
Người trồng lúa thắng lớn
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ hơn 1ha đất ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết gần 30 năm trồng lúa mới có được vụ lúa hè thu vừa trúng năng suất vừa trúng giá đậm như vậy. Đặc biệt, chưa bao giờ ông Bình nghĩ giá lúa trồng mùa mưa bão lại bán được trên 7.000 đồng/kg.
"Tới ngày thu hoạch, sau khi cân lúa xong thương lái trả tiền một cục trên 60 triệu đồng. Cầm tiền trên tay tui cứ ngỡ đang mơ, vì chưa khi nào lời nhiều như vậy. Nhưng đâu có mơ, đó là sự thật, sau khi trừ chi phí tui còn hơn 50%", ông Bình nói và cho biết đã làm lại đất, chờ ngày gieo sạ vụ đông xuân tới.
Theo ông Bình, nhiều nước tăng nhập khẩu gạo, trong đó có gạo của Việt Nam, sẽ giúp doanh nghiệp có đầu ra ổn định, bán được giá cao cũng sẽ thu mua lúa của nông dân với giá tương xứng. "Năng suất lúa đông xuân thường cao hơn lúa hè thu, chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Nếu lúa bán được giá cao như hè thu, bà con sẽ có tiền để tái đầu tư cho vụ sau", ông Bình kỳ vọng.
Ông Trương Kiến Thọ, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, khẳng định với giá lúa hiện nay bà con nông dân đã thắng lớn. "Với việc nhiều nước tăng mua gạo, trong đó có gạo Việt Nam, giá lúa từ nay đến cuối năm sẽ vẫn giữ giá cao. Có thể nói mùa màng thuận lợi, giá cả tốt nên bà con nông dân rất phấn khởi", ông Thọ nói.
Theo ông Trần Tấn Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, hè thu 2023 là vụ lúa thành công nhất của nông dân. Không chỉ trúng giá, năng suất lúa hè thu cũng đạt khá cao, bình quân trên 5,8 tấn/ha. "Sau khi trừ chi phí, bà con còn lời khoảng 50%. Đây là mức lời ấn tượng, nông dân trồng lúa rất phấn khởi", ông Phương nói.
Ông Phương cho biết trong vụ đông xuân 2023 - 2024, Sóc Trăng dự kiến gieo sạ 174.000ha, một số vùng đã xuống giống sớm trên 20.000ha để né hạn, xâm nhập mặn cuối năm. "Mùa vụ đông xuân mới bắt đầu nhưng việc nhiều nước tăng mua gạo sẽ là động lực tiếp sức cho nông dân trên đồng ruộng. Hy vọng sẽ có thêm mùa vụ lúa thắng lợi", ông Phương lạc quan.
Giá gạo không dưới 650 USD/tấn
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp), cho hay lượng gạo đi thị trường Philipines không nhiều, mặt bằng chung giá gạo Việt Nam chưa cạnh tranh cao, giao dịch ít 620 - 630 USD/tấn đối với loại gạo OM5451, gạo Đài Thơm 8 có giá 640 - 650 USD/tấn, thị trường không sôi động như trước.
"Có ba thị trường chính: châu Phi, Philippines và khách Trung Quốc cũng bắt đầu ăn gạo Việt Nam. Năm nay sản lượng tăng do đợt sốt giá, mùa vụ sớm hơn, vụ đông xuân sớm, thời vụ sớm hơn khoảng một tháng đến 40 ngày so với năm ngoái. Thị trường lúa gạo nguồn cung không thiếu, nếu cầu ổn định sẽ không sao nhưng cầu yếu lại thì giá lúa sẽ giảm", ông Chính nói.
Theo ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), do đang vào cuối vụ nên Việt Nam còn rất ít gạo. Bây giờ có hàng là bán ngay, không có thôi chứ không ai dám ký trước đâu vì giá biến động liên tục. Nếu có gạo chào hàng, giá gạo Việt Nam không dưới 650 USD/tấn. Tôi nghĩ vụ đông xuân tới thì Việt Nam sẽ bán được nhiều gạo, trúng giá nữa", ông Bình nói.
Theo ông Bình, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không cần chuẩn bị gì mà quan trọng là khi nào có gạo sẽ bán, nếu không có nguồn sẵn sẽ không dám ký hợp đồng vì nguồn gạo không còn nhiều do vào cuối vụ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám ký hợp đồng trước mà chỉ đang cố gắng hoàn thành đơn hàng trong năm 2023. Đến nay lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu gần 3,7 tỉ USD rồi.
"Như vậy từ nay đến cuối năm 2023, nếu xuất khẩu gạo thêm nữa chắc chắn kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên 4 tỉ USD, hơn cả năm 2022 rồi. Vì hiện nay các nước như Indonesia, Philippines mời thầu liên tục nên ai có hàng cứ bán. Chúng tôi đang mua lúa với giá 7.600 đồng/kg đối với OM18, nông dân trúng mùa trúng giá", ông Bình nói thêm.
Theo một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay An Giang đã xuất khẩu trên 440.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 249 triệu USD, tăng 11,56% về sản lượng và tăng 14,55% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường chiếm tỉ trọng cao nhất là Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ghana, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha...
Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cũng cho biết trong chín tháng đầu năm, địa phương này đã xuất khẩu trên 648,56 triệu USD, trong đó mặt hàng gạo đạt hơn 222 triệu USD, tăng 59,48%. Theo các chuyên gia nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng do nhiều nguyên nhân như thiên tai, thời tiết cực đoan, xung đột vũ trang tại một số khu vực..., giá gạo được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận