14/12/2022 14:43 GMT+7

'Gặp Thủ tướng, các địa phương lại xin tháo gỡ cho cây cầu, vài công trình vì ngoài tầm giải quyết'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Theo TS Nguyễn Minh Hòa, việc phân quyền khi thực hiện chính quyền đô thị hiện nay có độ mở chưa cao, địa phương khó chủ động. Khi làm việc với Thủ tướng, địa phương lại xin tháo gỡ nhiều thứ vụn vặt vì dự án nhỏ nhưng ngoài tầm địa phương.

Gặp Thủ tướng, các địa phương lại xin tháo gỡ cho cây cầu, vài công trình vì ngoài tầm giải quyết - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và PGS.TS Lâm Nhân - Trường đại học Văn hóa TP.HCM - chủ trì hội thảo - Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 14-12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kết hợp Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học phát triển giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Phân quyền ở Việt Nam có độ mở chưa lớn

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM) đã nêu quan điểm về phân cấp, phân quyền và cho rằng đây là vấn đề khó nhất trong xây dựng chính quyền đô thị. Theo ông, các địa phương hiện nay đề xuất phân cấp phân quyền để dễ phát triển hơn nhưng việc này rất khó thực hiện.

Dẫn bài viết "Nỗi lo sau tin vui metro số 1 chạy thử" trên báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng hiện nay tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cơ bản đã hoàn thành nhưng "khổ cái là không có người vận hành". 

Ông kể cách đây 2 năm, TP.HCM cử 30 người sang Nhật học vận hành tuyến metro, trong đó có sinh viên của ông. Tuy nhiên, sau 2 năm không trả lương nên các nhân sự này đều bỏ đi.

"Vừa qua, TP.HCM có ý kiến sẽ chi trả số tiền này. Tuy nhiên khi trình Bộ Tài chính thì không được chấp nhận, quan điểm của bộ là không được lấy ngân sách ra trả mà khi tàu vận hành, bán vé thì trả lương", ông Nguyễn Minh Hòa nói.

Theo ông, Việt Nam có phân cấp phân quyền nhưng khác với mô hình các nước là phân quyền theo lãnh thổ. Ở các nước, thị trưởng có quyền làm tất cả mọi việc để phát triển bang, nhưng thể chế này có hạn chế là rất dễ ly khai, cục bộ địa phương. Tại Việt Nam, không thể đòi hỏi phân quyền hoàn toàn cho một địa phương nào được.

Ông nhìn nhận phân cấp, phân quyền ở Việt Nam có sự kiểm soát lớn và độ mở chưa lớn. Dẫn chứng như nghị quyết 54 mở ra cho TP.HCM khá nhiều quyền quan trọng nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Một trong những lý do, ông cho rằng là vì TP có quyền nhưng quy trình ra quyết định không thay đổi.

"TP.HCM muốn thu phí cảng biển, thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm thì phải có đề án trình các bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường. Khi các bộ này đồng ý thì trình Thủ tướng để Thủ tướng xem xét trình Quốc hội. Chỉ cần một bộ nào đó không đồng ý sẽ bị bác bỏ hoặc đi lòng vòng rất lâu", ông Nguyễn Minh Hòa nói.

Gặp Thủ tướng, các địa phương lại xin tháo gỡ cho cây cầu, vài công trình vì ngoài tầm giải quyết - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM) phát biểu - Ảnh: THẢO LÊ

Làm việc với TP.HCM, Thủ tướng cũng đã từng nói về vấn đề "đường đi của văn bản rất lòng vòng, có khi 6 tháng, 1 năm chưa đến được Thủ tướng". Chính cái lòng vòng này làm TP mất cơ hội, chậm tiến độ các dự án và để lại nhiều tiêu cực.

Chính phủ kiến tạo, địa phương hành động

Ông cũng nói thêm, có thực trạng là khi Thủ tướng đến làm việc, các địa phương lại xin tháo gỡ những chuyện khá vụn vặt liên quan đến một cây cầu, vài mẫu đất, một con đường. Ông cho rằng dù đây là những dự án rất nhỏ nhưng khi thực hiện lại ngoài tầm giải quyết của địa phương.

Để giải quyết các vấn đề kịp thời, Thủ tướng đã lập tổ công tác giúp các địa phương tháo gỡ các vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Hòa, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phải có cách thức căn cơ hơn.

Cũng theo ông Hòa, cần cải cách quy trình, các bộ nên tập trung quản lý nhà nước, không nên tham gia quá sâu vào công tác quản lý địa phương, để các địa phương chủ động thực hiện và có sự giám sát của các bộ.

Thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM cũng thấy khó mà xin phân cấp, phân quyền toàn diện, thay vào đó là xin từng món. 

Chẳng hạn như trong đề xuất nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP có kiến nghị phân cấp cho UBND TP được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nằm trong tổng thể quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Tức là xin trung ương được quyền phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị mà không phải xin các bộ ngành như trước đây, tất nhiên phải nằm trong tổng thể quy hoạch chung.

"Đó chính là cách tiếp cận mới, được tự do hành động trong khuôn khổ và hành lang pháp lý. Đó là phân quyền có nguyên tắc", ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Minh Hòa cho rằng cần tính toán đến một Chính phủ kiến tạo, địa phương hành động. Tức là Nhà nước, Chính phủ lập hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, công cụ kiểm sát, còn lại phân quyền cho các tỉnh thành thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đề xuất chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền cho TP Thủ Đức Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đề xuất chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền cho TP Thủ Đức

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP Thủ Đức (TP.HCM).

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên