![Gắn bó mãi với làng đại học - Ảnh 2. Gắn bó mãi với làng đại học - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/lang-dai-hoc1-17391572474781906590039.jpg)
Khung cảnh bãi lau thơ mộng nơi làng đại học Thủ Đức - nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ chụp ảnh, ngắm cảnh - Ảnh: YẾN TRINH
Có bạn ra trường, mỗi ngày lên trung tâm thành phố làm việc xa xôi, nhưng vẫn ở trọ tại làng đại học và chia sẻ rằng đó là nơi gắn bó thời sinh viên, khung cảnh yên lành, chi phí mềm hơn và có những khoảnh khắc lãng mạn với sương mù, bờ cỏ lau...
Gắn bó chỗ trọ dễ thương
Năm 2016, anh Hoàng Chương (30 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) học năm 3. Thực tập trên TP.HCM, anh dọn khỏi ký túc xá tìm chỗ trọ gần công ty. Phòng ổn thì quá đắt, rẻ hơn thì chật, anh lại không quen ở ghép. Sau đó, đường vành đai ĐH Quốc gia có nhà trọ mới xây đẹp, giá rẻ nên anh thuê đến nay.
Có lần anh lên quận Bình Thạnh ở, không khí ngột ngạt đông đúc nên lại về chốn cũ mà các thế hệ sinh viên gọi là "làng". Cuộc sống chầm chậm hợp với anh hơn. Không khí thoáng, không quá nhiều nhà cao tầng, ít xe lớn, nhiều cây xanh. Khu hồ đá gió lộng, thích hợp chạy bộ ngắm cảnh chiều. Tính từ lúc mới nhập học, anh đã gắn bó làng 12 năm.
Anh thấy mức sống rẻ hơn so với TP.HCM. Tiền trọ luôn điện nước chưa đến 2 triệu đồng/tháng và trước nay chưa tăng giá, ăn uống 25.000 - 30.000 đồng/dĩa cơm.
Nương theo chi phí sinh viên, anh thấy thoải mái: "Những năm gần đây làng phát triển, quán ăn, quán cà phê không thiếu. Phân khúc nào cũng có nên sống kiểu gì cũng được. Dĩ nhiên ở xa tiết kiệm chi phí, ở trung tâm đắt hơn nhưng đi lại thuận tiện. Đây là sự đánh đổi".
Một lý do nữa khiến anh gắn bó là anh chị chủ trọ dễ thương, xem như người nhà. Giáng sinh năm nào họ cũng tặng quà bánh, nước ngọt.
"Đợt dịch COVID-19, chủ nhà chỉ lấy tiền phòng 500.000 đồng, tận mấy tháng sau giãn cách mới về giá cũ. Anh chị tìm cách mua thực phẩm giùm, tạo nhóm Zalo nắm tình hình... Tôi còn được nấu cho vài bữa cơm, lắp bàn ghế, sửa đồ đạc. Ở trung tâm hoặc thuê phòng dịch vụ khó có được điều này", anh chia sẻ.
Anh thấy làng có "phong thủy" địa hình khác khu trung tâm. Từ tháng 6, nếu chiều mưa thì chắc chắn tối có sương lãng đãng bên ánh đèn đường lãng mạn. Yếu tố khu vực hồ đá và nhiều cây cối giúp không khí mát mẻ. Ngay cả mùa nắng nóng, tối là mát, không hề xài máy lạnh. Vào cuối năm lạnh hơn trong trung tâm thành phố.
Mùa mưa, cây cối xanh um giúp tinh thần phấn chấn hơn. "Những chiều tháng chạp mặt trời to tròn, đỏ rực ánh hoàng hôn, ra hồ đá ngắm nhìn thấy nên thơ lãng mạn. Chiều tối có thể tán dóc với người đi câu cá, rất vui. Tôi thấy không khí làng êm đềm, không cần phải về quê hay đi đâu xa mới tìm được", anh kể.
![Gắn bó mãi với làng đại học - Ảnh 3. Gắn bó mãi với làng đại học - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/lang-dai-hoc-2-17391573328931131234008.jpg)
Sự quen thuộc, yêu thích từ thời sinh viên khiến Thanh chưa nghĩ tới việc rời làng đại học - Ảnh: AN VI
Quen cảm giác sinh viên
Còn khi chúng tôi gặp Vy Thị Thanh (24 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương), người đã ra trường được 2 năm, nơi làm việc cũng cách xa làng ĐH Thủ Đức, cô giải thích lý do mình gắn bó gọn hơ: "Ở quen rồi, tôi không nỡ rời đi!".
Không chỉ quen với căn phòng trọ đồng hành với suốt mấy năm đại học, mà Thanh quen từng cô bán rau mình đến mua mỗi ngày, quen tiếng cười giỡn của sinh viên mỗi độ tan học.
"Và tôi cũng chưa tưởng tượng được cảm giác mình sẽ xa những hàng quán sinh viên thân thuộc. Chẳng biết sẽ thế nào nếu dọn đến một nơi nhiều khói bụi và tiếng ồn xe cộ", Thanh tâm sự.
Chỉ tay về phía các trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM bên kia đường, cô gái 24 tuổi nói thèm ăn gì ở khúc đó đều có. Nếu cuối tháng kẹt tiền, Thanh chỉ cần bỏ ra 15.000 đồng là có phần cơm chay sinh viên, thích uống trà sữa thì có vô số quán, "đau đầu mà lựa".
"Một đặc sản ở đây là món lẩu chay. Không hiểu sao tôi đã ăn rất nhiều nơi mà không có chỗ nào vừa miệng, nhiều đồ ăn cũng như giá cực rẻ giống ở làng. Cũng có khi do bản thân đã ăn suốt 6 năm trời nên khó thay đổi được", Thanh cười nói.
![Gắn bó mãi với làng đại học - Ảnh 1. Gắn bó mãi với làng đại học - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/lang-dai-hoc-1739157080170249113346.jpg)
Không gian làng đại học Thủ Đức yên bình, mát mẻ là điểm hẹn của các bạn trẻ - Ảnh: YẾN TRINH
Nhớ lại khoảng thời gian chân ướt chân ráo từ vùng quê nghèo Tây Nguyên lên học ĐH, Thanh nói nếu không phải ở làng ĐH, có lẽ cô đã không thể trưởng thành như ngày hôm nay.
Theo lý giải của Thanh, không khí học tập ở làng ĐH rất khó tả, đi đến đâu cũng thấy sinh viên, vào quán nước nào cũng có nhóm đang học bài, điều đó đã tạo động lực cho cô cố gắng học tập.
"Tôi còn nhớ ngày mới lên nộp hồ sơ vào trường, mình ở quê lơ ngơ vô cùng, hên là gặp toàn anh chị sinh viên, hỏi là ai cũng chỉ nhiệt tình. Trường cách chỗ trọ cũng khá gần nên mình hoàn toàn có thể đi bộ, hôm nào lười quá thì phóng cái vèo lên xe buýt chỉ tốn 3.000 đồng", Thanh chia sẻ thêm.
Với Thanh, mọi thứ ở làng đều rất nhẹ nhàng, người dân trong khu vực sống tình cảm và gắn bó với sinh viên. Đó là chú Minh "cô đơn" luôn hỗ trợ sinh viên kịp thời, là những chú dân phòng túc trực ở các tuyến đường bảo vệ sinh viên, hay những lúc đi bộ lại có người mở lời chở giúp... Mọi thứ tạo ra sợi dây gắn kết vô hình giữa sinh viên với làng.
Ở làng 13 năm nay, Minh Kiệt (31 tuổi) chia sẻ: "Tôi gắn bó từ những năm tháng sinh viên, có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở đây. Làng là cộng đồng sôi động, luôn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật và các sự kiện hấp dẫn như chương trình ca nhạc của ký túc xá, sắp tới là các buổi hòa nhạc giao hưởng tổ chức mỗi tháng và kéo dài trong 7 tháng".
Mức sống ở làng khá phù hợp sinh viên, người trẻ. "Mỗi tháng chi phí của tôi khoảng 4 - 5 triệu đồng, gồm tiền nhà, ăn uống... Từng định chuyển lên trung tâm nhưng cân nhắc kỹ lưỡng tôi ở lại vì thấy phù hợp lối sống của mình hơn", Minh Kiệt chia sẻ.
Theo anh, làng có không khí đặc biệt - vừa hiện đại, năng động vừa có chút gì đó lãng mạn, bình yên. Anh bộc bạch: "Tôi thích cảm giác được hòa mình vào không khí trẻ trung, sáng tạo của các bạn sinh viên. Những hàng cây xanh mát, những con đường nhỏ quanh co tạo cảm giác thư thái, dễ chịu. Điều khiến tôi gắn bó nhất chính là sự thân thiện, cởi mở của cộng đồng nơi đây".
Thiên đường ẩm thực
Ai nói làng ĐH chỉ toàn trường học là sai lầm, ở đây còn là thiên đường ẩm thực với rất nhiều món gắn liền với tuổi thơ sinh viên như lẩu chay, ốc vỉa hè, xiên nướng... Điểm khác biệt là thực phẩm ở đây có giá rất rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên.
Vy Thị Thanh kể nếu đi quán hạng "soang" nhất trong làng với nhóm 4 người thì mỗi người ăn no say "kịch kim" là hết 150.000 đồng. Còn chỉ cần một bữa no bụng, 4 người vào quán lẩu chay tốn đâu đó chỉ 40.000 đồng/người.
Ẩm thực ở làng ĐH chia theo buổi, sáng sẽ có những món khác và tối lại có những hàng quán vỉa hè mọc lên với đủ loại đồ ăn mà giới trẻ ưa chuộng. Ở làng ĐH Thủ Đức còn có những "phố ẩm thực online" món gì cũng có trên các hội nhóm sinh viên.
Metro đã rút ngắn khoảng cách
Quãng đường anh Hoàng Chương vào quận 1 làm trên 20km. "Nhưng chịu khó để ý, chạy xe kỹ lưỡng chút và biết sắp xếp thời gian thì không phải là điều gì quá bất tiện. Tôi tập 5h dậy chuẩn bị đi làm. 6h ra khỏi nhà để tránh nắng, tránh kẹt xe".
Tương tự, Minh Kiệt cho rằng với sự phát triển của giao thông công cộng việc di chuyển vào trung tâm dễ dàng, rút ngắn hơn nhiều. Anh thường đi lại bằng xe buýt và gần đây nhất là metro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận