“Gã khổng lồ” ngành bất động sản Trung Quốc Country Garden vốn đang ngập trong khó khăn mới thông báo sẽ trì hoãn việc công bố kết quả kinh doanh hằng năm, dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng hỗn loạn vẫn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Trong hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), Country Garden cho biết họ cần thêm thời gian để thu thập thông tin do công việc này đang trở nên phức tạp trong bối cảnh công ty tiến hành tái cơ cấu nợ.
Việc Country Garden không thể đáp ứng thời hạn công bố kết quả kinh doanh vào ngày 31-3 đồng nghĩa với việc cổ phiếu của công ty này có thể bị đình chỉ giao dịch vào ngày 2-4 theo quy định của sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Thị trường Hong Kong đóng cửa vào ngày 29-3 để nghỉ lễ Phục sinh và sẽ mở cửa trở lại vào ngày 2-4.
Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang quay cuồng với khoản nợ trị giá khoảng 194 tỉ USD. Công ty đã chính thức vỡ nợ vào năm ngoái. Tháng trước, Country Garden đã nhận được đơn yêu cầu thanh lý tài sản ở Hong Kong từ một chủ nợ vì không thanh toán khoản vay 1,6 tỉ HKD (204 triệu USD).
Country Garden cho biết ngành bất động sản Trung Quốc đang “không ổn định”, khiến công ty gặp khó khăn hơn trong mọi hoạt động. Doanh số bán hàng của nhà phát triển bất động sản này đã sụt giảm kể từ năm ngoái.
Tháng 2-2024, doanh số bán hàng theo hợp đồng của Country Garden đã giảm 85%, mức giảm hằng tháng lớn nhất trong ít nhất 7 năm. Họ kêu gọi các chủ nợ kiên nhẫn và nói thêm rằng công ty vẫn tiếp tục cung cấp các dự án nhà ở.
Theo hồ sơ được ghi lại, vào năm 2023, Country Garden và các liên doanh của họ đã bàn giao hơn 600.000 căn nhà ở, bao phủ 249 thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc.
Chật vật trải qua từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, những khó khăn của Country Garden giống với Evergrande - tập đoàn bất động sản khổng lồ khác của Trung Quốc - hiện đang vỡ nợ.
Evergrande cũng bỏ lỡ một loạt thời hạn công bố kết quả kinh doanh vào năm 2021 và 2022, lần đầu tiên cảnh báo các nhà đầu tư về những khoản nợ khổng lồ và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tiếp tục gây tác động cho đến ngày nay.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc kể từ đó cáo buộc Evergrande và người sáng lập công ty này đã thổi phồng doanh thu lên 78 tỉ USD, khiến nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán này trở thành tâm điểm của vụ gian lận tài chính lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc.
Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản Trung Quốc là China Vanke cũng đang gặp khó khăn. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, xếp thứ 2 về doanh số bán hàng năm ngoái, đã báo cáo lợi nhuận giảm 46% trong năm 2023 vào ngày 29-3.
Đầu tháng này, Moody's đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Vanke xuống mức "rác" (không đáng đầu tư), với lý do tình trạng thanh khoản của công ty ngày càng tồi tệ.
Truyền thông Trung Quốc ngay sau đó đưa tin 12 ngân hàng lớn, bao gồm sáu ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước, đang đàm phán để cung cấp một khoản vay khẩn cấp nhằm tránh đi theo “vết xe đổ” của Evergrande và Country Garden.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục ngành bất động sản đang gặp khó khăn, điều này không chỉ làm suy yếu niềm tin của người mua nhà, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn đe dọa nền kinh tế nói chung.
Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo hôm 29-3 rằng: “Chúng tôi đã hạ dự báo về thị trường nhà ở Trung Quốc và hiện dự kiến doanh số bán nhà mới sẽ giảm 5 - 10% vào năm 2024”.
Fitch Ratings nói thêm sẽ là “thách thức” đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay do cuộc khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc hiện đang thúc đẩy các ngân hàng đẩy nhanh việc phê duyệt các khoản vay mới cho các nhà kinh doanh bất động sản tư nhân đang thiếu tiền mặt, một nỗ lực nhằm vực dậy tâm lý người mua nhà.
Nỗ lực trên sử dụng cơ chế "danh sách trắng", biện pháp hỗ trợ mới nhất của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt tình trạng siết chặt thanh khoản chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy nhu cầu mua nhà, giữa lúc giá nhà mới tại Trung Quốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp trong tháng 2-2024.
Ngân hàng "tránh xa" các công ty bất động sản
Hầu hết các ngân hàng nội địa hàng đầu Trung Quốc cho đến nay đều tránh xa việc tăng cường đáng kể mức độ tiếp cận tín dụng cho khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng bất động sản, bất chấp những cú hích liên tục từ Chính phủ Trung Quốc, làm tiêu tan hy vọng về sự hồi sinh của một ngành vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận