Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, sau câu chuyện hành khách phản ứng nhà ga Nha Trang thu 20.000 đồng phòng đợi VIP khi chậm tàu, nhiều bạn đọc đã lên tiếng góp ý về nhà vệ sinh, cung cách phục vụ... để ngành đường sắt đổi mới hơn.
Về phía đơn vị quản lý, ông Thái Văn Truyền - tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - cũng có thông tin xung quanh thắc mắc của bạn đọc. Tuy nhiên nhiều "lý do" được ông Truyền đưa ra vẫn tiếp tục nhận phản ứng.
Nhằm góp thêm góc nhìn trước vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm, bạn đọc Phan Thi chia sẻ thêm ý kiến về vấn đề này.
Đường sắt từng giữ vai trò rất quan trọng
Từng có giai đoạn đường sắt Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng, chiếm đến 30% tổng thị phần của ngành giao thông, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, đường sắt Việt Nam đang bị tụt hậu. Hiện tại Việt Nam sử dụng đường ray đơn khổ 1.000mm (hầu hết các nước không còn dùng), chiếm 84% tổng chiều dài (2.656,2km), vận tốc chỉ 50 - 60km/h với tàu hàng và 70 - 80km/h với tàu khách.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến trên thế giới, vận tốc trung bình với vận chuyển hành khách khoảng 150 - 200km/h, đường sắt cao tốc trên 300km/h.
Đường sắt Việt Nam vẫn đang ở nền tảng công nghệ thứ hai: công nghệ diesel (công nghệ đầu tiên là đầu máy hơi nước). Còn các nước đang sử dụng công nghệ thứ 3 - công nghệ điện khí hóa và công nghệ thứ tư - điện từ.
Mạng lưới đường sắt Việt Nam cũng chưa có được sự kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải khác nhau như cảng hàng không, cảng biển lớn và chưa có kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của hành khách, trong bối cảnh nhu cầu cuộc sống ngày một cao và phát triển du lịch hiện nay.
Cần có sự cải tiến toàn diện
Để đường sắt Việt Nam lột xác cất cánh, cần có một cuộc "đại phẫu" toàn diện. Phải đánh giá nghiêm túc thực trạng, nguyên nhân vấn đề, xác định mục tiêu tầm nhìn chiến lược, kế hoạch, lộ trình, giải pháp, nguồn lực thực hiện.
Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều dịch vụ vận chuyển khác như máy bay giá rẻ, xe khách đường dài..., đường sắt nên tận dụng tối đa thế mạnh của mình là an toàn và trải nghiệm.
Hành khách đi lại bằng tàu hỏa, ngoài việc an toàn còn được nhiều trải nghiệm tuyệt vời, đặc biệt là những chuyến đi xa xuyên qua các vùng miền đất nước hay bên người thân gia đình.
Vì vậy muốn tìm lại lợi thế vốn có, đường sắt Việt Nam cần đầu tư bền vững để cải thiện độ tin cậy và an toàn của mạng lưới đường sắt.
Các nhà khai thác phải tận dụng những đổi mới trong hệ thống kỹ thuật số, kết nối di động và phát triển nhà ga để nâng cao sự thoải mái, tiện lợi cho hành khách và khuyến khích họ quay lại sử dụng đường sắt.
Tương lai không xa, Việt Nam có thêm đường sắt cao tốc, bên cạnh đường sắt hiện nay, do vậy ngành đường sắt cần đổi mới thật sự, cả trong suy nghĩ lẫn hành động.
Những "trải nghiệm" không đáng có
Thời gian qua, ngành đường sắt Việt Nam dù đã có cải tiến, nhưng vẫn còn có những phàn nàn của hành khách về thái độ phục vụ và ứng xử của nhân viên ngành đường sắt. Đây cũng là các vấn đề thường gặp trên các chuyến tàu hỏa trên thế giới. Đó là:
Mất vệ sinh : Nhà vệ sinh hôi thối trên tàu khiến khách không chịu đựng nổi, làm chuyến đi trở thành trải nghiệm kinh khủng.
Hàng rong: Có thể tìm thấy hàng rong ở khắp mọi nơi, ngay từ lối vào nhà ga đến sân ga chính, bên trong các đoàn tàu đang chạy khi ngừng tại các ga, ăn uống giải khát ăn vặt qua lại rao suốt cả ngày.
Chăn, giường bị bẩn: Hầu hết chăn và drap trải giường đều bị ố và có mùi hôi mốc được cung cấp trên các toa tàu có máy lạnh, và khách sử dụng không có lựa chọn nào khác. Hầu hết các toa tàu không có không gian lưu trữ thích hợp và giặt giũ thường xuyên trên các chuyến tàu phổ thông đường dài.
Hành khách không quan tâm đến người khác: Hầu hết hành khách không có ý thức khiến chuyến đi càng thêm khó chịu do thói quen xả rác, khạc nhổ, làm đổ/rỉ nước, để đồ đạc bừa bãi, làm bẩn nhà vệ sinh...
Đặc biệt, vấn nạn nói chuyện điện thoại, mở loa cho cả khoang tàu nghe chung là rất đáng báo động.
Tàu đến trễ theo lịch trình: Do bất cập về hạ tầng nên nhiều khi tàu đến trễ ở các ga trung gian, việc bồi thường hay trả vé cũng hiếm nghe nhắc đến như các nước.
Không có dịch vụ ăn uống vừa ý: Trong hầu hết các chuyến tàu chạy trên các chặng đường trung bình hoặc ngắn, thường không cung cấp toa ăn trên tàu.
Một số chuyến tàu có dịch vụ ăn uống/toa ăn nếu có cũng không được như mong muốn vì dịch vụ không tốt hoặc chất lượng quá kém, tính phí quá cao và không hợp vệ sinh.
Thiếu quầy hỏi đáp: Với các nước, quầy hỏi đáp được đặt ở khu vực quan trọng, đó là nơi khách xếp hàng để tìm hiểu nhiều trải nghiệm mới. Nhưng ở Việt Nam chưa quan tâm lắm đến vấn đề này.
Những thắc mắc phát sinh của khách trên tàu không biết hỏi ai, do đó đành phải hỏi nhân viên trực buồng. Và vì không đúng chức năng, nên họ miễn cưỡng trả lời cho xong...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận