26/08/2024 09:28 GMT+7

Nỗi ám ảnh của hành khách đi tàu hỏa: Nhà vệ sinh

Tàu hỏa tuyến Hà Nội - Hải Phòng được làm đẹp bởi những bức tranh sơn trên mỗi toa, bởi ghế mềm êm ái. Nhưng bao năm qua nhà vệ sinh thì vẫn tệ, vẫn là nỗi ám ảnh với hành khách.

Nỗi ám ảnh của hành khách đi tàu hỏa: Nhà vệ sinh - Ảnh 1.

Nhà vệ sinh trên tàu - nỗi ám ảnh với hành khách - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Từ phản ánh của bạn đọc, Tuổi Trẻ Online đã theo tàu hỏa tuyến Hà Nội - Hải Phòng và phần nào giải đáp được lý do vì sao ai cũng ngại vào nhà vệ sinh của tuyến đường sắt này.

Không dám đi nhà vệ sinh trên tàu, phải đi vào chai

Ghi nhận trên chuyến tàu LP3 chạy từ ga Hà Nội đến ga Hải Phòng ngày 24-8, hành khách gần như kín các hàng ghế toa 2. Người trẻ có, người già có và cả trẻ em cũng có.

Chặng này thời gian di chuyển gần 3 giờ đồng hồ, hẳn cũng sẽ có người có nhu cầu đi vệ sinh, chưa kể những trường hợp cấp bách.

Nhưng mở cửa nhà vệ sinh toa 2, du khách e ngại không dám bước chân vào. Sàn nhà ướt, bồn cầu không biết từ khi nào đã ố vàng, dụng cụ chổi quét, chổi lau sàn để mỗi thứ một góc, giấy vệ sinh trong thùng rác như sắp rơi cả ra sàn.

Nỗi ám ảnh của hành khách đi tàu hỏa: Nhà vệ sinh - Ảnh 3.

Khu vực rửa tay trên tàu LP3 tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Một nhà vệ sinh khác cùng toa này còn sử dụng loại bồn cầu ngồi xổm. Không gian hẹp, sàn ướt nhẹp, thùng rác cách bệ xí 10cm, khiến nhà vệ sinh trên tàu càng thêm ám ảnh.

Bắt đầu đi tàu hỏa tuyến Hà Nội - Hải Phòng từ khi còn là sinh viên, nhưng đối với chị Thu Hà (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhà vệ sinh trên tàu vẫn tệ như 10 năm trước.

Nỗi ám ảnh của hành khách đi tàu hỏa: Nhà vệ sinh - Ảnh 4.

Chất lượng ghế ngồi trên tàu được cải thiện, nhưng nhà vệ sinh vẫn vậy - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Quê ở Hải Dương, mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết, chị Hà thường chờ tàu ở ga Hà Nội, hoặc ga Long Biên. Tổng thời gian trên tàu khoảng 1 tiếng 15 phút đến 1 tiếng 30 phút, nhưng số lần chị Hà sử dụng nhà vệ sinh trên tàu ở chặng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Thường tôi sẽ chủ động đi vệ sinh ở ga trước khi tàu chạy. Tùy mỗi ga mà chất lượng nhà vệ sinh khác nhau, có chỗ sạch, chỗ bẩn nhưng vẫn tốt hơn trên tàu.

Có thể do nhà vệ sinh trên tàu hẹp, bồn cầu đã được sử dụng lâu rồi nên mỗi lần đi vệ sinh trên tàu là một lần ám ảnh, tôi chỉ mong nhanh nhanh nhanh để ra ngoài", chị Hà cho hay.

Nỗi ám ảnh của hành khách đi tàu hỏa: Nhà vệ sinh - Ảnh 5.

Bệ ngồi xổm trên tàu LP3 tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tương tự, trong một lần gia đình anh Nhật Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khám phá foodtour Hải Phòng, vì muốn con trai (3 tuổi) có trải nghiệm đi tàu hỏa, gia đình anh đã đặt vé khứ hồi ga Hà Nội - Hải Phòng.

Mọi chuyện diễn ra rất ổn cho đến khi em bé muốn đi vệ sinh. Mặc dù được bố đưa đi nhưng em bé nhất quyết không đi vệ sinh khi nhìn thấy chiếc bồn cầu sắt, sơn xanh trên tàu và đòi ra ngoài ngay.

Cuối cùng, anh Nhật Anh đã phải xử lý bằng cách cho em bé đi vệ sinh nhẹ vào chai. "Bé nhà mình là bé trai nên cho con đi vệ sinh vào chai nhựa dễ dàng, nhưng đối với các bé gái có thể sẽ khó hơn nếu bé không dám đi vệ sinh trong nhà vệ sinh trên tàu", anh Nhật Anh bộc bạch.

Không mong như khách sạn, nhưng ít ra cũng phải sạch

Dẫu biết không gian trên tàu hạn chế, nhưng việc để nhà vệ sinh không đảm bảo sẽ dẫn đến trải nghiệm không tốt cho hành khách. Tiếng xấu ấy để lại nỗi ám ảnh cho du khách về những nhà vệ sinh trên tàu.

Trên thực tế không phải nhà vệ sinh nào trên tàu cũng tệ như phản ánh phía trên. Chị Đặng Hồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết gia đình chị gồm hai người lớn và hai con nhỏ vừa có chuyến trải nghiệm thú vị trên tàu SE19 đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng.

Điểm đặc biệt là nhà vệ sinh trên tàu này lại sạch và đẹp, khác xa so với nhà vệ sinh trên tàu LP3 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Hành trình dài nhưng gia đình không có bất cứ phàn nàn nào về chất lượng dịch vụ trên chuyến đi.

Vậy mới thấy không phải cứ nhà vệ sinh trên tàu là xấu, bẩn.

Câu chuyện làm dịch vụ, du lịch bắt đầu từ nhà vệ sinh không phải là chuyện mới, nhưng sau bao năm chất lượng vẫn không được cải thiện.

Du khách, hành khách đi tàu không mong nhà vệ sinh sang - xịn - mịn như khách sạn. Thứ họ cần chỉ là một nhà vệ sinh sạch sẽ đủ để họ tự tin "giải quyết nỗi buồn" trên mỗi chuyến đi.

Bạn đọc phản ánh nhà vệ sinh tàu hỏa vừa thiếu vừa bẩn

Tôi rất thích đi tàu nhưng những lần đi tàu đều gặp phải những điều không vui. Trên tàu thì trong nhà vệ sinh lẫn bồn rửa mặt ở bên ngoài đều hầu như hiếm khi có xà bông rửa tay, khiến những người chú trọng việc vệ sinh cá nhân cảm thấy vô cùng bất tiện.

Bạn đọc Phú


Mình ở Nha Trang, Tết năm trước gia đình mình mua vé Nha Trang - Sài Gòn, thời gian khởi hành trên vé là 20h, nhưng nhà ga phát đi thông báo xin lỗi mãi đến 23h30 mới lên tàu. Trong thời gian chờ, mình cần đi vệ sinh, phải nói quá khủng khiếp. Nhà ga lớn, khách du lịch hằng năm mấy nghìn lượt.... phải nói là nghĩ tới là thấy sợ luôn.

Bạn đọc Dân NT

Ám ảnh nhất là khi đi vệ sinh ở tàu thì nhà vệ sinh hết nước xả. Nhà vệ sinh cũ mà còn bẩn kinh khủng. Chất lượng mãi không bao giờ cải tiến. Mình hằng năm 2 lần đi tàu và để ý thấy 10 năm nay rồi vẫn không thay đổi, y vậy thôi.

Bạn đọc Hiệp

Bất đắc dĩ mới phải đi vệ sinh trên tàu - Ảnh 6.Tiếc cho ngành đường sắt...

Xung quanh chuyện thu phí 20.000 đồng phòng VIP mỗi hành khách để đợi tàu hỏa đến trễ, nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh của ngành đường sắt sẽ đẹp hơn nếu chủ động mời khách vào phòng chờ và miễn phí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên