08/06/2023 14:56 GMT+7

‘Đường lớn’ đã mở, Bình Thuận làm gì để kết nối?

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết cùng lúc đưa vào khai thác đã tháo gỡ điểm nghẽn lâu nay về giao thông đối ngoại cho tỉnh Bình Thuận.

‘Đường lớn’ đã mở, Bình Thuận làm gì để kết nối? - Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, điểm nghẽn giao thông đối ngoại của tỉnh Bình Thuận dần tháo gỡ - Ảnh: ĐỨC TRONG

"Đường lớn" đã mở, tỉnh Bình Thuận sẽ làm gì tiếp theo để tận dụng cơ hội này phát triển kinh tế - xã hội?

Cao tốc tháo gỡ điểm nghẽn giao thông đối ngoại

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Trung - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Thuận - cho biết trước khi có các đoạn cao tốc trên, quốc lộ 1 là tuyến đường bộ chính để kết nối giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có TP.HCM.

Nhưng quốc lộ 1 từ lâu đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, hay xảy ra tai nạn nghiêm trọng… Từ TP.HCM mà đến được tỉnh Bình Thuận phải mất 5-6 tiếng đồng hồ. Đây là lý do khiến tỉnh gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Tỉnh được ví như là "vùng trũng" so với các địa phương lân cận.

"Còn bây giờ, xe cộ đi lại rút ngắn chỉ còn trên dưới 2 tiếng đồng hồ. Người dân di chuyển rất thuận tiện. Việc này thể hiện qua số lượng du khách đã về Phan Thiết nghỉ dưỡng tấp nập, nhất là những ngày cuối tuần. Có thể nói điểm nghẽn giao thông của tỉnh xem như đã tháo gỡ kể từ các đoạn cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác", ông Trung phấn khởi nói.

Cũng theo ông Trung, cao tốc đưa vào khai thác sẽ giảm tải cho quốc lộ 1 - tuyến đường bộ huyết mạch qua địa phương. Từ đó, nguy cơ tai nạn giao thông cũng giảm theo.

Về lâu dài, khi sân bay Phan Thiết được xây dựng hoàn thành thì hạ tầng giao thông đối ngoại của tỉnh xem như hoàn chỉnh.

‘Đường lớn’ đã mở, Bình Thuận làm gì để kết nối? - Ảnh 2.

Tỉnh Bình Thuận đang gấp rút hoàn thiện những dự án đường ven biển để đồng bộ hạ tầng đối nội, kết nối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: ĐỨC TRONG

Khẩn trương kết nối hạ tầng 

Để tận dụng những lợi thế trên, ông Trung cho biết tỉnh đang và sẽ triển khai nhiều dự án để kết nối với các đoạn cao tốc, đồng bộ hạ tầng giao thông đối nội.

Như ở khu vực phía nam, tỉnh đang gấp rút hoàn thành dự án làm mới các tuyến đường ven biển ĐT 719B (kết nối Phan Thiết - Kê Gà), nâng cấp đoạn ĐT 719 (kết nối Kê Gà - thị xã La Gi) và đoạn Hòn Lan - Tân Hải.

Tỉnh cũng đang triển khai đoạn Hàm Kiệm - Tiến Thành. Đây là đoạn kết nối từ các đoạn cao tốc, quốc lộ 1 đến các tuyến ven biển phía nam của tỉnh. Xe cộ từ cao tốc xuống sẽ đi thẳng trên con đường này để đến với các khu du lịch phía nam của tỉnh, mà không phải "quá giang" thêm quốc lộ 1.

Đồng thời, tỉnh đang lên phương án đầu tư làm mới tuyến đường từ Tân Minh đến Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây cũng là trục làm mới quan trọng để kết nối từ cao tốc, quốc lộ 1 xuống thẳng các khu công nghiệp, du lịch, cảng nước sâu… Sơn Mỹ.

Hiện đây là khu vực "trũng" về hạ tầng của tỉnh, bởi con đường kết nối duy nhất phải qua quốc lộ 55. Tuyến quốc lộ 55 cũng đang nghẽn vì lưu lượng xe qua lại đông, cũng như phải vòng đến thị xã La Gi.

Cũng tại các khu vực phía nam, tỉnh sẽ đầu tư thêm tuyến đường từ Trần Quý Cáp đến Hòn Giồ để giảm tải cho đường Lạc Long Quân nhỏ hẹp, thường xuyên kẹt xe vào các ngày nghỉ lễ.

"Tỉnh cũng sẽ làm tuyến đường kết nối với sân bay Phan Thiết giai đoạn 2. Khi làm xong các tuyến đường, trục kết nối như trên thì hạ tầng đối nội của tỉnh sẽ hoàn thiện. Giao thông đối ngoại, đối nội hoàn thiện thì giá trị các quỹ đất tăng theo, phát huy hết tiềm năng vùng ven biển. Nhà đầu tư sẽ có thêm điều kiện đầu tư tại địa phương", ông Trung kỳ vọng.

‘Đường lớn’ đã mở, Bình Thuận làm gì để kết nối? - Ảnh 3.

Trong chuyến kiểm tra dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý tỉnh Bình Thuận phải tạo nên các dự án, phát huy lợi thế hai bên tuyến cao tốc - Ảnh: ĐỨC TRONG

Trục tam giác "TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt"

Còn về phía bắc của tỉnh, quốc lộ 28B đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp.

Ông Trung cho rằng tuyến đường này tương lai có nhiều lợi thế, tạo nên trục tam giác "TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt". Du khách từ TP.HCM đến tắm biển Phan Thiết, tiếp tục lên Đà Lạt vui chơi và ngược lại.

Quốc lộ 28B có lợi thế là đã có nút giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đồng thời là tuyến kết nối ngắn nhất giữa hai trung tâm du lịch Đà Lạt và Phan Thiết. Nếu được đầu tư mở rộng, tài xế lựa chọn cung đường này rất lớn.

‘Đường lớn’ đã mở, Bình Thuận làm gì để kết nối? - Ảnh 4.

Đèo Đại Ninh - một trong những đoạn nằm trên quốc lộ 28B kết nối Lâm Đồng với Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

"Hiện nhiều tài xế đang lựa chọn lộ trình từ TP.HCM đi theo các đoạn cao tốc, đến nút giao quốc lộ 28B rồi rẽ lên Lâm Đồng rất nhiều. Đi theo tuyến này mặc dù quãng đường xa nhưng chạy nhanh hơn, tránh được nhiều đoạn đèo trên quốc lộ 20 đang quá tải", ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, khó khăn nhất của tỉnh Bình Thuận hiện nay là huy động nguồn lực để làm hạ tầng. Ông cho rằng khi hạ tầng hoàn chỉnh thì việc thu hồi cũng như giá trị các quỹ đất sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với nguồn lực ban đầu làm đường.


Đường ven biển ngàn tỉ ở Bình Thuận dần hình thànhĐường ven biển ngàn tỉ ở Bình Thuận dần hình thành

Dự án làm mới đường ven biển ĐT.719B nối Phan Thiết với biển Kê Gà đã thảm nhựa hơn 60%, vừa thông xe tạm 8km để phục vụ đêm khai mạc “Năm Du lịch quốc gia - 2023” tổ chức tại biển Tiến Thành, Bình Thuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên