08/12/2022 09:09 GMT+7

Quy hoạch TP.HCM phải tính tới liên kết vùng

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG

TTO - Quy hoạch nhằm tăng cường liên kết vùng, hoàn thiện hạ tầng đô thị, phát triển hạ tầng và kinh tế dịch vụ của TP.HCM ra sao?

Quy hoạch TP.HCM phải tính tới liên kết vùng - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đường vành đai 3) đang được xây dựng sẽ liên kết vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát triển - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 7-12, tại hội thảo về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, nhiều ý kiến tham luận về quy hoạch nhằm tăng cường liên kết vùng, hoàn thiện hạ tầng đô thị, phát triển hạ tầng và kinh tế dịch vụ của TP.HCM đặt trong tổng thể vai trò là hạt nhân của vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển (CEFURDS) nhận định hiện nay TP.HCM và các địa phương lân cận ít có sự liên kết và chọn lựa hình thức cạnh tranh với nhau để thu hút nguồn nhân lực, đầu tư, quy hoạch các khu dân cư và kinh tế.

Từ thực tế trên, nhóm này kiến nghị cần tăng cường thêm cơ chế liên kết hàng ngang cho vùng liên kết đô thị nói riêng và các vùng ở Việt Nam theo hình thức thành lập một hội đồng (hoặc hiệp hội, tổ chức) phối hợp ngang hàng với sự tham gia của các địa phương trong vùng. 

Riêng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhóm đề xuất mô hình ban chỉ đạo vùng ở địa phương, hội đồng vùng, các phòng ban, tổ chuyên môn. Mặt khác, cần có một cơ chế phối hợp ngang cấp giữa các tỉnh thành. Cơ chế này có thể là một tổ chức hoặc phòng ban chung có thành viên là đại diện của các chính quyền, có chức năng hỗ trợ các chính quyền địa phương trong vùng phối hợp suôn sẻ trong nhiều khía cạnh liên quan đến quản trị vùng.

Cũng nói về liên kết vùng, KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng điều quan trọng là vùng đô thị trung tâm phải được quy hoạch như một chỉnh thể thống nhất bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận. 

Theo ông Chính, sự cạnh tranh giữa TP.HCM và các khu vực đô thị Bình Dương, Đồng Nai có thể dẫn tới rủi ro trong tương lai. Do vậy, nên quy hoạch phát triển các chức năng trọng điểm chuyên ngành khác nhau cho các trung tâm đô thị động lực trong vùng.

Cùng quan điểm, nhóm tác giả Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng quy hoạch giữa TP.HCM và các địa phương chưa có tính đồng bộ, phối hợp thiếu chặt chẽ và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính kết nối. Quy hoạch chung TP hiện hành chỉ thể hiện đầy đủ trong phạm vi ranh giới hành chính của TP.HCM, không thể hiện các khu chức năng ở các khu vực giáp ranh thuộc các tỉnh lân cận ngoại trừ các trục giao thông chính nên chưa thấy tương quan chức năng với nhau.

Theo nhóm này, TP.HCM cần phát huy vai trò kinh tế vùng của TP trong xuất khẩu. TP.HCM đảm nhiệm vai trò về dịch vụ, xây dựng hạ tầng về xuất khẩu, giải quyết điểm nghẽn logistics, làm tốt dịch vụ xuất khẩu, kết nối vùng và tạo ra những sản phẩm công nghệ số nổi trội giúp các địa phương cùng phát triển, để có thể cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác. 

Cùng với đó, với vị trí là cửa ngõ phát triển của vùng, TP.HCM có tiềm năng để trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Khơi thông cửa ngõ TP.HCM, tạo liên kết vùng Khơi thông cửa ngõ TP.HCM, tạo liên kết vùng

TTO - Sau nhiều năm chờ đợi, các dự án giao thông ở cửa ngõ TP.HCM sẽ bắt đầu được khơi thông từ năm 2022. Từ đó hạn chế tình hình ùn tắc giao thông những dịp cao điểm và mở ra việc kết nối liên vùng.

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên