Câu chuyện xã "cho" thêm đất nhưng khiến dân bức xúc này xảy ra tại xã Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Xã tự thêm đất và thu tiền
Ông Bùi Sỹ Sức (50 tuổi, ở thôn Phước Long, xã Hòa Tâm) cho biết 18 năm qua, ông và nhiều người dân mua đất ở khu tái định cư Phước Long do UBND xã bán đã liên tục khiếu nại, kêu cứu nhưng đến nay quyền sử dụng đất ở vẫn chưa được công nhận.
Theo ông Sức, năm 2004, UBND xã Hòa Tâm họp dân thông báo cấp đất tái định cư có thu tiền cho những hộ không có đất, dân vùng bị ngập lụt quanh năm...
Xã quy hoạch khu đất rừng trồng ở thôn Phước Long, phân ra làm 138 lô, thông tin với dân là mỗi lô 200m2. Các lô đất được phân ra ba hạng loại một, loại hai, loại ba tùy theo vị trí đẹp, gần đường hay sâu trong xóm.
"Hồi đó lô loại một nộp gần 20 triệu đồng, lô hai thì 10 triệu, còn lô loại ba như tôi đây thì nộp 7,5 triệu đồng. Hồi đó giá vàng chỉ 500.000 đồng/chỉ, nên số tiền mua đất tái định cư không phải là nhỏ" - ông Sức kể lại.
Vậy nhưng trong biên nhận thu tiền thì xã chỉ ghi diện tích mỗi lô đất là 140m2. Ông Sức nói dân thắc mắc thì lãnh đạo xã khi đó nói vẫn giao 200m2, nhưng giấy tờ thì chỉ ghi chừng ấy cho đúng quy định.
"Hội đồng cấp đất tái định cư của xã khi đó nói rằng 6 tháng sau khi dân nộp đủ tiền sẽ cấp sổ đỏ, đảm bảo có đường đi, điện chiếu sáng. Sau 12 tháng kể từ khi cấp sổ đỏ mà người được cấp đất không xây nhà thì xã sẽ thu hồi đất.
Vậy mà 18 năm qua sổ đỏ không thấy, còn điện thì chúng tôi khiếu nại mãi đến đầu năm 2021 mới có. Thiệt là, xã tự cho thêm đất để dân thêm tức gần 20 năm nay" - ông Sức nói.
Ông Nguyễn Văn Ngãi, một người dân khu này, than phiền rằng không có sổ đỏ đất đai, gia đình muốn vay vốn làm ăn, vay cho con ăn học, chuyển nhượng một phần hoặc cả lô đất đều không được.
"Chúng tôi khổ lâu quá rồi, mong các cấp sớm cứu xét, giải quyết. Dân rất lo vì nghe nói cả xã Hòa Tâm sẽ phải di dời để làm các dự án lớn của tỉnh, mà đất không có sổ đỏ thì khi thu hồi chuyện đền bù sẽ thế nào" - ông Ngãi bày tỏ.
"Các ông đừng hứa nữa!"
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, năm 2004, UBND huyện Tuy Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích và giao đất để xây nhà ở với mỗi lô đất là 140m2. Tuy nhiên, UBND xã Hòa Tâm tự ý phân lô, thêm đất và giao cho 138 hộ, mỗi hộ một lô đất ở với diện tích 200m2.
Câu chuyện 138 lô đất được xã "cho" thêm đất này được đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên nêu ra tại kỳ họp cuối năm 2022. Khi đó chủ tọa kỳ họp yêu cầu UBND thị xã Đông Hòa khẩn trương thanh tra, thông báo kết quả để Sở Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn tiếp theo.
Tuy nhiên đến kỳ họp thứ 16 diễn ra vào các ngày 5 đến 7-7, đại biểu Lê Trung Hưng (viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Yên) tiếp tục nêu ý kiến, cho rằng vụ việc này dân rất bức xúc, thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
"Dân nói rất nặng lời với đại biểu HĐND tỉnh chúng tôi, bảo các ông đừng hứa nữa. Chúng tôi rất thấu hiểu bức xúc đó của dân, dù đã chuyển tải hết ý kiến, nguyện vọng của họ đến HĐND rồi, chỉ đạo cũng đã có rồi, mà việc giải quyết vẫn cứ giậm chân tại chỗ" - ông Hưng nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Lê Vi Phúc - chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa - cho biết vì vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ phức tạp nên quá trình thanh tra kéo dài.
Ông cho hay hiện đã có dự thảo kết luận thanh tra, trong thời gian tới sẽ có kết luận và kiến nghị, nhưng "việc giải quyết rất khó khăn vì vướng luật".
Phải xin ý kiến Thủ tướng!
Trong phần trình bày tại HĐND tỉnh, ông Tạ Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nhắc đến vụ 138 lô đất tái định cư ở Hòa Tâm được UBND xã thêm đất này và nói rằng có những vi phạm hàng chục năm trước không thể xử lý được vì vượt quá tầm giải quyết của chính quyền cấp tỉnh.
"Chúng ta không thể giải quyết cái sai này bằng một cái sai khác, do vậy tỉnh đã xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ cho những trường hợp như vậy" - ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận