Trên The Driven, một trong những trang xe điện nhiều người đọc nhất nước Úc, Robert Gardiner, chủ sở hữu BYD Dolphin, đã có bài chia sẻ về việc sở hữu ô tô điện không gặp nhiều phiền phức như nhiều người vẫn nghĩ.
Sạc điện chỉ bằng 1/10 đổ xăng
Tháng 11-2023, Robert Gardiner mua chiếc xe điện đầu tiên. Đó là BYD Dolphin.
BYD Dolphin là mẫu sedan điện sử dụng pin 60kWh cho phạm vi hoạt động 490km. Giá mua xe ở Úc khi đó là 47.000 USD (1,2 tỉ đồng).
Chiếc ô tô điện của Gardiner chủ yếu được sạc tại nhà với nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời.
Gardiner đánh giá đây là nguồn điện sạch và rẻ. Ước tính ông chỉ mất 1-3 xu (hay 0,01 USD/250 đồng) cho mỗi km đi đường. Đây là tiền điện đơn thuần, chưa tính chi phí mua, lắp đặt và bảo dưỡng pin năng lượng mặt trời.
Với mức phí trên, trung bình một tuần ông chỉ tốn 5 USD (gần 127.000 đồng) cho việc sạc điện. Trước kia, trung bình ông mất khoảng hơn 50 USD/tuần (1,27 triệu đồng) cho tiền xăng.
Con rể Gardiner cũng sử dụng xe điện. Đó là một chiếc BYD Atto 3. Với nhu cầu sử dụng 100km/ngày (do yêu cầu công việc), anh tiết kiệm được khoảng 150 USD/tuần (3,8 triệu đồng).
Không lo lắng phạm vi hoạt động
Nếu nhiều người băn khoăn về phạm vi hoạt động, Gardiner lại không có nỗi lo đó.
Với tầm hoạt động lý thuyết là 490km, quãng đường chiếc BYD Dolphin đi được trong thực tế dao động khoảng 410-490km, tùy vào tốc độ lái. Đó là nhờ khi giảm tốc/xuống dốc, hệ thống phanh tái tạo giúp nạp thêm điện năng cho pin.
Với tầm hoạt động này, Gardiner không lo lắng khi đi xa với ô tô điện. Gần đây, ông đã có chuyến đi dài 14 ngày với tổng quãng đường khoảng 2.520km.
Phần lớn chuyến đi được thực hiện ở tốc độ 110km/h do di chuyển chủ yếu trên cao tốc. Đi ở tốc độ này, phạm vi hoạt động chỉ còn 345km. Cộng thêm phanh tái tạo hỗ trợ khi đi vào những con đường tốc độ thấp, phạm vi hoạt động trung bình cho cả chuyến đi là 387km.
Theo Gardiner, nếu lên dốc rất tốn điện thì xuống dốc và những quãng đi chậm đã giúp bù lại. Do đó, nhìn về tổng thể vẫn rất ổn.
Mong muốn nhiều trạm sạc hơn
Ở bang Victoria nơi ông sống, Gardiner không khó khăn để tìm kiếm trạm sạc. Ứng dụng hiển thị thông tin tương đối chính xác, do đó ông luôn tìm được trạm sạc khi cần.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tìm điểm sạc ở các vùng nông thôn không dễ dàng. Việc sạc ở những nơi xa lạ, chẳng hạn khi sang bang khác, đôi khi khiến ông thấy bối rối, do không thấy tiện như nơi mình sống.
Ông cho rằng nên phát triển các trạm sạc dọc đường đi, vừa phục vụ người sử dụng xe điện, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Bởi ở trạm sạc, chủ xe có thể tranh thủ ăn nhẹ, uống cà phê hay mua sắm.
Dùng ô tô điện đi xa chỉ tốn một nửa so với xe xăng
Theo Gardiner, trong chuyến đi hơn 2.000km gần đây, ông đã chi 170 USD (4,3 triệu đồng) cho tiền điện tại trạm sạc, tương đương một nửa tiền xăng (330 USD) cho cùng quãng đường.
Những nhu cầu sử dụng còn lại trong chuyến đi, ông sạc qua đêm tại nhà bạn, với ổ cắm gia đình.
Nhìn chung, Gardiner đánh giá đi xa bằng ô tô điện cũng không khác xe xăng là bao. Đúng là thời gian sạc dài hơn đổ xăng, nhưng dùng hằng ngày có thể sạc tại nhà qua đêm - thời gian gần như ai cũng nghỉ ngơi.
Nếu không muốn cắm sạc qua đêm, về đến nhà hãy cắm sạc vào ổ điện gia đình, đến khi đi ngủ thì rút ra. Chuyện này cũng khá tương tự sử dụng điện thoại.
Với những chuyến đi dài, chủ ô tô điện sẽ cần lên kế hoạch một chút. Nhưng ngay cả xe xăng cũng cần dừng nghỉ, trung bình sau khoảng 2-4 tiếng lái xe tùy vào sức khỏe mỗi người. Nửa tiếng nghỉ ngơi, tài xế có thể thư giãn, uống cà phê...
Gardiner cũng có lời phàn nàn, nhưng không phải ở pin hay quãng đường như nhiều người khác. Ông thấy khó chịu với việc các trạm sạc ở Úc thường không có mái che mưa nắng, nhiều nơi thiết kế vật liệu bề mặt phản chiếu ánh sáng gây chói mắt. Không có bóng râm ở một quốc gia nắng khá thường xuyên như Úc, việc đọc các thông tin trên màn hình điện tử có chút khó khăn.
"Tôi mong người ta xây dựng nhiều trạm sạc hơn, thiết kế tiện dụng hơn", Gardiner viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận