Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị quan tâm đến đời sống của nhân viên ngành giáo dục vốn không được hưởng phụ cấp.
Phóng to |
Cô Châu Vương, giáo viên Trường tiểu học Trương Quyền, Q.3, TP.HCM dạy tiếng Anh cho các em học sinh Ảnh: Minh Đức |
Vừa cần vừa ghét tiền
Đọc bài viết “1 triệu nhà giáo chờ phụ cấp” trên Tuổi Trẻ ngày 9-12, bỗng dưng tôi nhớ đến em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh Trường Hà Nội Amsterdam - tác giả bài văn “Thư gửi mẹ” gây xôn xao cách đây không lâu. Hiếu ơi, cô cũng giống em, đó là vừa cần tiền nhưng cũng rất ghét tiền!
Tôi cần tiền bởi tôi cũng như bao phụ nữ khác, có con phải lo, có cha mẹ già phải cấp dưỡng. Ra ngoài xã hội, tôi cũng có những mối quan hệ và đi kèm theo đó là đám cưới, tang ma, vui bạn vui bè... cùng trăm thứ chi hầm bà lằng khác. Nhưng trong mắt mọi người thì tôi phải khác. Tôi không thể ăn mặc nhếch nhác đi chợ, kẻo gặp phụ huynh học sinh thì bị đánh giá! Đi làm, nhiều người chỉ cần một chiếc áo sơmi với quần tây là xong, còn tôi phải áo dài là lượt, chỉn chu trước mắt học trò.
Nhưng thu nhập của hai vợ chồng tôi, đều có thâm niên trên 15 năm đứng lớp ở những trường tên tuổi, cũng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng/hai người. Ở một thành phố đắt đỏ như TP.HCM, nói thật nếu không có thêm chút thu nhập từ dạy thêm (nhưng tôi có nguyên tắc chỉ dạy thêm cho học sinh không phải do mình dạy trực tiếp), chắc phải bỏ nghề sớm.
Vì cần tiền nên khi nghe ban giám hiệu thông báo những ai có thâm niên trên năm năm làm hồ sơ để được hưởng thêm phụ cấp tròm trèm 500.000 đồng, chúng tôi háo hức lục lại bằng cấp, giấy tờ để chứng minh ngày vào trường, ngày vào biên chế... Nhưng bạn bè tôi làm công tác quản lý giáo dục cười bảo: “Làm hồ sơ thì cứ làm, nhưng đừng nghĩ nhiều đến nó. Khó có”! Tính đến giờ này, xem ra dự báo của các bạn tôi là đúng!?
Cần tiền, nhưng chúng tôi cũng rất ghét tiền. Tại sao lại ghét? Vì làm nghề này mà cứ nói nhiều đến tiền mãi cũng chẳng hay. Hồi tháng 9 năm nay, khi mới nghe có trợ cấp, anh em bà con, bạn bè lại cười cười: “Giáo viên sướng thật, được chăm lo quá”. Có thể mọi người chia sẻ thật đấy, nhưng với tư thế của những người ít tiền, lại làm “nghề cao quý”, chúng tôi như con nhím, luôn xù lông khi nghe nhắc đến tiền! Nhiều lúc đến nhà các anh chị, mọi người chiêu đãi món ngon, rồi luôn miệng bảo “ăn nhiều đi để bồi dưỡng, chứ giáo viên lấy đâu ra...”, tôi lại thấy nghẹn ngang cổ.
Bạn bè giáo viên của tôi ai cũng bảo: Nhà nước nhắm có chi được thì chi, chứ cứ nhứ nhứ nhá nhá thế này làm báo chí vào cuộc, đem chuyện tiền bạc cho giáo viên bày ra trước công luận chỉ càng thêm tủi!
Cần tiền nhưng lại ghét tiền là thế đấy.
Chuyện giáo viên cần hơn cả, nghe nó gần gũi và thiết thân hơn cho chất lượng giáo dục, đó là phải sớm giảm tải cho chúng tôi. Bởi ngày càng có quá nhiều thứ sổ sách, giấy tờ không cần thiết đè nặng giáo viên. Này nhé, trong lớp thì có sổ đầu bài, sổ kiểm diện, sổ điểm danh đầu giờ, sổ thi đua. Còn “tài sản” riêng của giáo viên thì có sổ công tác, sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc gia đình, sổ điểm cá nhân, sổ điểm lớp, sổ họp tổ, sổ họp nhóm, giáo án. Lo ngần ấy thứ sổ sách đã mệt bã người, lấy đâu ra thời gian và tâm huyết để dạy tốt!
Trước mắt, chúng tôi cần sự giảm tải ấy.
* Hơn 2 năm vẫn chưa xong chính sách Từ năm 2009, những nhà giáo chúng tôi rất phấn khởi khi có chủ trương của Chính phủ về chế độ trợ cấp thâm niên. Tưởng rằng ngày một ngày hai Chính phủ sẽ triển khai các văn bản để thực hiện, nhưng mãi đến ngày 4-7-2011 Chính phủ mới ban hành nghị định 54/2011/NĐ-CP. Chúng tôi lại tưởng nay mai mình sẽ nhận được phụ cấp, ai ngờ cho đến nay vẫn có thấy đâu! Tôi có nghe thông tin các tỉnh thành mới có văn bản góp ý dự thảo này gửi về Bộ GD-ĐT trong tháng 10-2011 nhưng chưa rõ khi nào mới có hướng dẫn chính thức. Từ năm 2009 đến nay là hơn hai năm rồi, tại sao các bộ ngành không hoàn chỉnh được các văn bản này? * Nghịch lý Chúng tôi thấy một nghịch lý đối với nhà giáo: rất nhiều việc nhà giáo “phải làm ngay” (thay đổi phương pháp, nội dung giảng dạy...), nhưng chế độ thì... cứ chờ đã! Như vậy có công bằng với chúng tôi không? Giáo viên chưa được quan tâm đúng mực để đời sống “dễ thở” hơn với đồng lương có hạn như hiện nay! Dẫu biết là có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi rất mong những chủ trương đã có nên thực hiện ngay, đừng để chúng tôi phải mỏi mòn trong chờ đợi nữa! * Sao không có trợ cấp cho nhân viên? Nhà giáo có hai thứ phụ cấp là ưu đãi và thâm niên mà vẫn chưa đủ sống. Thật tội cho nhân viên nhà trường như văn thư, kế toán, bảo vệ... lương thấp hơn mà chẳng được phụ cấp gì. Ít ra hai loại phụ cấp cũng được một chứ? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận