Phóng to |
Cô Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên môn vật lý có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, trong buổi dạy học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Hơn 1 triệu nhà giáo sẽ được nhận phụ cấp thâm niên kể từ ngày 1-9, thông tin từ một nghị định mang đến niềm vui trước thềm năm học mới.
Với nghị định 54/2011/NĐ-CP, ước tính thu nhập bình quân của nhà giáo (có thời gian công tác năm năm trở lên) sẽ tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng. Sẽ có khoảng 1 triệu thầy cô giáo nhận được phụ cấp này. Thế nhưng...
Chưa có thông tư, chưa phụ cấp
Thầy Đào Hồng Khởi, giáo viên ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, tâm tư: “Quy định phụ cấp thâm niên cho nhà giáo là một tín hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm, đầu tư đặc biệt của xã hội và Nhà nước cho giáo dục, là một quyết sách được đông đảo nhà giáo hồ hởi đón nhận. Thế nhưng, chờ mãi đến thất vọng. Nhiều người hụt hẫng vì có tin đồn sẽ cắt phụ cấp, có người lại nói đến tháng 12 sẽ có... Ngay cả lãnh đạo trường cũng lắc đầu chưa rõ. Không biết đến khi nào chế độ phụ cấp thâm niên giáo viên mới được thực hiện!”.
Thầy Trần Đức Thủy, Trường THPT Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, bức xúc: “Vì sao nghị định ra đời đã lâu mà các cơ quan chức năng chưa thực thi? Phải chăng còn sự ách tắc thủ tục rườm rà hay thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành? Chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành cần vào cuộc sớm để giáo viên thật sự nhận được phụ cấp như thông tin được chính ông vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT từng nói từ ngày 1-7”. Không chỉ giáo viên, ngay chính các thầy cô hiệu trưởng cũng chưa rõ khi nào mới có phụ cấp. Nhiều hiệu trưởng tại TP.HCM cười xòa: “Chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi chứ không rõ lý do vì sao có sự chậm trễ này. Khi nào giáo viên mới thật sự nhận được phụ cấp là chuyện ách tắc gì đó ở cấp trên”.
Vậy thật ra ách tắc ở đâu? Nguyên nhân sự chậm trễ phụ cấp thâm niên theo lý giải của thầy Trần Trọng Khiếm, giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, chỉ vì có nghị định nhưng chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nên địa phương chưa thể triển khai. Ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: phụ cấp thâm niên đã quy định thì chắc chắn giáo viên sẽ được nhận. Nếu trễ, giáo viên sẽ được truy lãnh. Cấp trên hướng dẫn tính phụ cấp từ thời điểm nào, các sở sẽ thực hiện đúng và đủ. Vấn đề là chưa biết khi nào có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định.
Phóng to |
Một tiết học tại Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM. Bao giờ thầy cô giáo thâm niên mới nhận phụ cấp? - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Những nhà giáo không hưởng phụ cấp thâm niên
Cùng với việc chậm thực hiện, xung quanh quy định về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo còn rất nhiều băn khoăn. Cô giáo Hoàng Mai, một cán bộ quản lý ở Sở GD-ĐT Lào Cai, thắc mắc: “Quy định chỉ áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy. Vậy đối với cán bộ quản lý cấp phòng, sở GD-ĐT thì không được hưởng. Điều này càng khiến cho việc thu hút cán bộ có tài, đức làm quản lý thêm khó khăn. Trên thực tế, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn khi tìm cán bộ quản lý cấp phòng GD-ĐT. Nếu những chính sách cho nhà giáo vẫn phân biệt giữa người trực tiếp đứng lớp và cán bộ giảng dạy trực tiếp thế này thì đúng là “làm khó” chúng tôi”.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa có đề xuất chế độ cho đối tượng giáo viên được điều động làm công tác quản lý ở các phòng và sở GD-ĐT. Đây là nguồn giáo viên thâm niên và giỏi chuyên môn nhưng lại “thiệt thòi” về chế độ đãi ngộ. TP.HCM có khoảng 500 cán bộ, giáo viên thuộc diện này. Với chính sách hiện nay, sau khi được điều động từ trường về làm công tác ở phòng và sở, thu nhập hằng tháng mỗi người giảm 2-2,5 triệu đồng.
Quy định phụ cấp thâm niên cũng khiến nhiều giáo viên sắp nghỉ hưu, đã nghỉ hưu ở Hà Nội tâm tư. Một giáo viên sẽ nghỉ hưu vào tháng 1-2012 chia sẻ: Lương giáo viên đã thấp, lương giáo viên nghỉ hưu lại càng thấp nhưng những phụ cấp lại chỉ dành cho người đang công tác. Tôi thấy không hợp lý vì với những giáo viên mấy chục năm trong nghề, giờ nghỉ hưu thì bị gạt ra ngoài”.
Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về vấn đề này. Bộ trưởng đã giải thích thêm: “Khi trình bày, đề xuất với Chính phủ, với Thường trực Chính phủ, chúng tôi có đề xuất chế độ cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Nhưng khi Luật giáo dục sửa đổi được thông qua lại không có nội dung cho đối tượng cán bộ quản lý giáo dục được hưởng phụ cấp thâm niên, quy định về phụ cấp thâm niên cũng không tái lập đối với thế hệ giáo viên trước”.
Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết thêm: Chính phủ và Thủ tướng cũng đã quyết định sẽ có một chế độ phụ cấp thích hợp đối với những giáo viên không nằm trong diện được hưởng phụ cấp thâm niên. Bộ trưởng Bộ
GD-ĐT cũng hứa sớm hoàn tất việc trình Thủ tướng để có quyết định chế độ phụ cấp cho các đối tượng trên (nhà giáo đã nghỉ hưu và nhà giáo đang làm quản lý giáo dục) trong năm 2012.
“Sẽ còn chờ lâu” Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: Hiện nay vẫn đang gấp rút hoàn tất hướng dẫn thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Trong khi đó, theo thông tin từ các sở GD-ĐT, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này hiện vẫn còn là dự thảo. Nhiều tỉnh thành đã có văn bản góp ý dự thảo này gửi về bộ trong tháng 10-2011 nhưng chưa rõ khi nào mới có hướng dẫn chính thức. Và theo tiên lượng của nhiều sở, có thể giáo viên sẽ còn phải chờ lâu vì sau khi Bộ GD-ĐT tổng hợp ý kiến các tỉnh thành sẽ còn phải chờ sự thống nhất từ các bộ khác mới có thể có thông tư chính thức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận