
Dầu hướng dương được lấy từ hạt của hoa hướng dương - Ảnh minh họa
Theo hướng dẫn trên tạp chí Health.com, dầu hướng dương mang lại nhiều vitamin E và ít chất béo bão hòa, nhiều chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch, bao gồm cả chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa.
Dầu hướng dương có nhiều loại, có loại giàu linoleic (44-75% axit linoleic), thường được bày bán trong các cửa hàng tạp hóa, chứa nhiều vitamin E và axit linoleic, một loại axit béo omega-6 không bão hòa đa.
Chất béo omega-6 là thiết yếu, nghĩa là cơ thể bạn không thể tự tạo ra mà phải được cung cấp qua chế độ ăn uống. Omega-6 đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển, sản xuất năng lượng và chức năng tế bào.
Dầu hướng dương giàu oleic (75-90% axit oleic): Loại dầu này chứa hàm lượng cao axit oleic - loại axit béo omega-9. Chất béo omega-9 là chất béo không bão hòa đơn và không thiết yếu; cơ thể bạn có thể tự sản xuất.
Bổ sung chất béo omega-9 thay cho các loại chất béo khác cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, loại dầu này còn có độ ổn định cao hơn khi nấu ở nhiệt độ cao so với dầu hướng dương truyền thống. Tuy nhiên, giá thành của nó thường cao hơn.
Dầu hướng dương trung bình oleic (43-72% axit oleic): Loại dầu này có hàm lượng axit oleic cao hơn dầu hướng dương truyền thống, nhưng thấp hơn loại giàu oleic. Dầu trung bình oleic có hương vị nhẹ và độ ổn định tốt hơn khi nấu ở nhiệt độ cao, vì vậy thường được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm thương mại.
Nếu chai dầu hướng dương không ghi rõ loại, hãy kiểm tra bảng thông tin dinh dưỡng. Dầu có hàm lượng chất béo không bão hòa đa cao thì chứa nhiều axit linoleic. Dầu có hàm lượng chất béo không bão hòa đơn cao thì chứa nhiều axit oleic.
Lợi ích sức khỏe của dầu hướng dương
Khi sử dụng ở mức độ vừa phải, dầu hướng dương có thể mang lại những lợi ích tiềm năng cho sức khỏe.
Sức khỏe tim mạch
Thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch. Dầu hướng dương có thể giúp giảm cholesterol LDL ("xấu"), tổng cholesterol và triglyceride. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Năm 2018, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt tuyên bố về lợi ích tim mạch đối với các loại dầu giàu oleic. Tuyên bố này cho biết các loại dầu chứa ít nhất 70% axit oleic có thể góp phần giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các loại dầu này bao gồm:
Dầu ô liu
Dầu hướng dương giàu oleic
Dầu cải giàu oleic
Dầu cây rum giàu oleic
Mặc dù dầu hướng dương được xem là một loại chất béo lành mạnh, nhưng nó có thể không hiệu quả bằng dầu ô liu trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Da và tóc
Axit béo omega-6 có trong dầu hướng dương đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho làn da mềm mại và mái tóc khỏe mạnh. Một nghiên cứu cho thấy việc bổ sung omega-3, omega-6 và chất chống oxy hóa giúp tăng độ dày của tóc và giảm tình trạng rụng tóc.
Dầu hướng dương cũng là một nguồn cung cấp vitamin E dồi dào, cung cấp khoảng 37% giá trị hằng ngày (DV) chỉ trong một muỗng canh. Vitamin E có thể giúp cải thiện sức khỏe làn da, đặc biệt là đối với những người bị chàm (eczema) - một tình trạng gây khô và bong tróc da.
Cách sử dụng dầu ăn để giảm hạn chế và nguy cơ sức khỏe
Mặc dù dầu hướng dương có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế tiềm ẩn.
Hàm lượng omega-6 cao
Dầu hướng dương, đặc biệt là loại giàu linoleic, chứa hàm lượng cao axit béo omega-6. Mặc dù omega-6 là chất cần thiết trong chế độ ăn, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng viêm mãn tính.
Dữ liệu cho thấy việc giảm lượng omega-6 trong chế độ ăn bằng cách hạn chế sử dụng các loại dầu từ hạt và tăng cường tiêu thụ chất béo omega-3 có thể giúp giảm viêm và các tác động tiêu cực của nó. Những thực phẩm giàu omega-3 bao gồm cá béo như cá hồi, quả óc chó và hạt chia.
Có thể tạo ra các hợp chất độc hại
Dầu hướng dương có điểm bốc khói cao và thường được sử dụng trong chiên ngập dầu. Điểm bốc khói là nhiệt độ mà tại đó dầu bắt đầu bốc khói và bị phân hủy.
Tuy nhiên, dầu hướng dương có thể tạo ra các hợp chất có hại khi được đun nóng trên 356°F (180°C). Các hợp chất này, được gọi là aldehyde, có thể gây tổn thương tế bào và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Dầu hướng dương giàu oleic có vẻ ổn định hơn so với dầu hướng dương truyền thống khi nấu ở nhiệt độ cao, vì vậy ít có khả năng tạo ra các hợp chất có hại hơn.

Chuyên gia khuyên tránh tái sử dụng dầu ăn đã dùng để tránh nguy cơ với sức khỏe - Ảnh: THU HIẾU
Cách sử dụng dầu hướng dương an toàn
Để tăng cường lợi ích sức khỏe tiềm năng của dầu hướng dương và giảm thiểu rủi ro, hãy cân nhắc các mẹo sau:
Chọn dầu hướng dương giàu oleic khi có thể.
Tránh tái sử dụng dầu sau khi nấu ăn vì điều này có thể làm tăng sự phát sinh các hợp chất độc hại.
Sử dụng dầu hướng dương một cách điều độ trong các phương pháp nấu ở nhiệt độ thấp hoặc làm nước sốt trộn salad.
Tăng cường bổ sung chất béo omega-3 như cá béo, quả óc chó và hạt lanh để cân bằng lượng omega-6 trong chế độ ăn uống của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận