02/05/2022 13:56 GMT+7

Chiến sự Ukraine khiến châu Âu căng thẳng chuyện dầu ăn

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các chuỗi siêu thị ở Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ đã hạn chế số lượng dầu ăn khách có thể mua do nguồn cung từ Ukraine bị gián đoạn vì chiến sự và giá dầu ăn lên cao thúc đẩy nhu cầu tích trữ.

Chiến sự Ukraine khiến châu Âu căng thẳng chuyện dầu ăn - Ảnh 1.

Cánh đồng hoa hướng dương nhằm cạnh một nhà máy lọc dầu ở Lysychansk thuộc miền đông Ukraine - Ảnh: AP

"Chuỗi cung ứng, vốn đã bị gián đoạn bởi COVID-19, đã trở nên phức tạp hơn nữa do cuộc chiến ở Ukraine gây ra tình trạng thiếu hụt một số nguyên liệu như dầu hướng dương và tăng giá các nguyên liệu thay thế", bà Kate Halliwell - một nhân sự cấp cao tại Liên đoàn Thực phẩm và đồ uống Anh - nói về ảnh hưởng rộng lớn của việc giá dầu hướng dương tăng.

Dầu hướng dương là một trong số ít loại dầu ăn thực vật được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.

Trước xung đột, Ukraine là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, cùng với Nga chiếm khoảng 75% dầu hướng dương toàn cầu. Xung đột đã làm tê liệt việc thu hoạch, vận chuyển và xuất khẩu.

Điều này đặt nhiều quốc gia có lượng dầu ăn dự trữ hạn chế vào tình trạng căng thẳng và đẩy giá dầu ăn thế giới tăng vọt.

Anh nhập khẩu 83% dầu hướng dương từ Ukraine và với tình hình chưa biết chiến sự kéo dài bao lâu, nhiều nơi đã yêu cầu người mua hàng "kiềm chế và linh hoạt trong nhu cầu sử dụng".

Tuy nhiên, với các nhà sản xuất thực phẩm lớn tại Anh, thiếu dầu hướng dương không hề là việc dễ chịu. Vài doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng trong khi số còn lại tin rằng nguồn dầu hướng dương của Anh chỉ còn đủ cho vài tuần nữa.

Một số công ty chấp nhận đổi sang dầu cải để bảo đảm việc sản xuất không bị ảnh hưởng. Việc chuyển đổi gấp gáp đến nỗi trên bao bì sản phẩm vẫn để là dầu hướng dương nhưng thực chất lại là dầu cải, theo báo New York Times.

Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm buộc phải ra thông báo trấn an người dân rằng dầu cải an toàn và nguy cơ gây dị ứng "rất thấp". Loại dầu này trước đó vốn được dùng phần lớn cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học.

Chiến sự Ukraine khiến châu Âu căng thẳng chuyện dầu ăn - Ảnh 2.

Bảng thông báo giới hạn số lượng dầu ăn khách có thể mua tại một siêu thị ở Anh - Ảnh: AP

Ở cấp độ người tiêu dùng lẻ, nhiều siêu thị đã hạn chế số lượng dầu ăn mỗi người được mua để tránh tình trạng tích trữ như đã từng xảy ra với giấy vệ sinh trong giai đoạn đầu dịch COVID-19.

Tại chuỗi siêu thị lớn của Anh Tesco, khách chỉ được mua tối đa 3 chai dầu ăn "để những người khác có thể có được thứ họ cần", theo một tờ thông báo mà ban quản lý siêu thị dán trên kệ hàng.

Ông Tom Holder, phát ngôn viên của British Retail Consortium, cho biết vài thành viên thuộc hiệp hội bán lẻ này đã áp đặt giới hạn mua với khách ngay sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ dẫn tới lo ngại gián đoạn nguồn cung.

Một số siêu thị tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ thì giải thích việc hạn chế số lượng là biện pháp phòng ngừa do lo ngại người dân sẽ đổ xô đi tích trữ dầu ăn khi giá tăng cao.

Ông Harry Niazi, chủ nhà hàng nổi tiếng Olley’s Fish Experience ở London, đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông cho biết giá của một bình dầu hướng dương 20 lít đã tăng lên 42,5 bảng Anh so với khoảng 22 bảng Anh trước khi xung đột bùng phát ở UKraine.

"Điều này thực sự rất, rất đáng sợ và tôi không biết những cửa hàng bán cá và khoai tây chiên sẽ đối phó như thế nào", ông Niazi nói với Hãng thông tấn AP.

Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, dân nghèo nhiều nước khổ sở vì thiếu dầu ăn giá rẻ Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, dân nghèo nhiều nước khổ sở vì thiếu dầu ăn giá rẻ

TTO - Quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, Indonesia, đã quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại dầu cọ trong nỗ lực ổn định giá và giảm căng thẳng xã hội trong nước. Điều này lại tạo ra căng thẳng ở các nước nghèo trên thế giới.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên