27/03/2021 06:46 GMT+7

Đừng chờ tới Giờ Trái Đất mới tắt đèn

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Chỉ với một giờ tắt đèn, khi tất cả mọi người cùng làm thì có thể cắt giảm một lượng điện chiếu sáng khổng lồ. Mỗi năm chỉ có một Giờ Trái Đất, chúng ta có một khoảnh khắc để chung tay bảo vệ môi trường. Nhưng Trái Đất cần nhiều hơn thế.

Đừng chờ tới Giờ Trái Đất mới tắt đèn - Ảnh 1.

Các bạn trẻ cùng chạy bộ trong một sự kiện có tên "Hành trình của rác thải" do Không ống hút nhựa tổ chức để thay đổi nhận thức của mọi người về rác thải nhựa - ẢNH: VŨ THỦY

Giờ Trái Đất năm 2021 sẽ diễn ra từ 20h 30 đến 21h30 ngày 27-3.

Theo Nguyễn Thu Trang - thành viên sáng lập GreenHub, một tổ chức về bảo vệ môi trường - ý nghĩa của Giờ Trái Đất (27-3) là bật lên tình yêu, trách nhiệm của cộng đồng với thiên nhiên.

"Chỉ với một giờ tắt đèn, khi tất cả cùng "đồng thanh tương ứng", chúng ta đã có thể cắt giảm một lượng điện chiếu sáng khổng lồ. Vậy chỉ những hành động đơn giản được thực hành hàng ngày, như tắt đèn khi không cần thiết, từ chối dùng chai nhựa, ly trà sữa, ống hút nhựa hay ăn chay, trao đổi đồ cũ, trồng thêm cây xanh, làm các việc có ích, đi chung xe..., mỗi người đã bớt rất nhiều xả thải vào thiên nhiên.

Nghe thì khó, nhưng dễ và tạo ra một sự tiết giảm vô cùng lớn nếu chúng ta để tâm và cùng nhau thực hành", Trang nhận định.

Bản thân Thu Trang và nhiều bạn trẻ khác đang thực hành lối sống xanh mỗi ngày để bảo vệ môi trường và cứu lấy thiên nhiên.

"Đây là một trào lưu, một xu hướng trên thế giới và cả ở Việt Nam hướng tới bền vững hơn. Sống xanh tiếng Anh "green lifestyle", "green living" hay "going green" là lối sống trong đó mỗi cá nhân đưa ra những lựa chọn mang tính bền vững, tức giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, vẫn đáp ứng được nhu cầu trong hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Đó có thể là lựa chọn ăn cái gì, đi lại bằng phương tiện nào, mua sắm vật dụng gì, sử dụng và thải bỏ những vật dụng đó như thế nào. Lợi ích dài lâu là cho chính cuộc sống của bạn, vì bạn được hít thở không khí trong lành, được ăn sạch, được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên với đa dạng các loài sinh vật…

Như vậy bạn và mình không cần phải đợi một vài đơn vị nào đó tổ chức những chiến dịch thì mới có thể sống xanh được, mà chúng ta hoàn toàn có thể xanh hơn mỗi ngày, từ suy nghĩ, và hành động của mình", Thu Trang chia sẻ.

Là người xây dựng cộng đồng Không ống hút nhựa, Vũ Viết Kiên duy trì thói quen luôn mang theo bình cá nhân và từ chối sử dụng túi nilông, ống hút nhựa nhiều năm nay.

"Sự kiện được tổ chức trong thời gian 1 - 2 tiếng buổi tối. Trước đó, các hoạt động truyền thông cũng xuất hiện ít ngày trước khi diễn ra, nên nếu không phải những bạn chủ động theo dõi thông tin thì sẽ không biết đến sự kiện", Kiên chia sẻ.

Theo anh, các bạn trẻ hiện tại đang rất là bận với lối sống hiện tại, mỗi ngày phải tiếp nhận rất rất nhiều thông tin, nên có rất ít thời gian cho việc tìm hiểu thông tin về một sự kiện "khô khan và khó nhớ" như Giờ Trái Đất. Do đó, sự kiện này cần có sự hợp tác cùng tổ chức với tổ chức Đoàn Thanh niên, hội nhóm, thanh niên hành động vì khí hậu để lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng.

"Bản thân tôi hàng ngày cũng đã sống xanh, và chú ý các thói quen về tiêu dùng, mua sắm, sử dụng điện, nước… để hạn chế tiêu tốn năng lượng", Kiên cho biết.

Anda Đài Huỳnh - một cô gái có thói quen mua đồ cũ như một hành động góp phần giảm rác thải may mặc - mong muốn việc tổ chức sự kiện phải chú ý những hoạt động đi kèm để không gây ảnh hưởng tới môi trường.

"Chúng ta không cần chờ tới sự kiện Giờ Trái Đất mới làm điều gì đó. Đôi lúc làm không đúng lại gây thêm ô nhiễm, điển hình là việc nhiều người chưa ý thức được việc đốt đèn cầy trong lúc hưởng ứng sự kiện này lại thải thêm CO2 không cần thiết", Anda chia sẻ.

Thay vào đó, hàng ngày Anda tự nhắc nhở bản thân tắt điện khi không xài tới, rút phích cắm điện hoặc chuyển qua chế độ off khi không xài.

"Mẹo của tôi là có thể ghi chú bằng tờ giấy note nhỏ kế bên các công tắc để tăng chú ý, chuyển/nâng cấp các thiết bị điện (tủ lạnh, máy điều hoà,...) sang dòng tiết kiệm điện (công nghệ inverter), tăng sử dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ, giếng trời,...thay vì ánh sáng từ đèn", Anda nói thêm.

Đừng chờ tới Giờ Trái Đất mới tắt đèn - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ đã hình thành thói quen mang bình cá nhân vào hàng quán để không dùng ly nhựa một lần - ẢNH: VŨ THỦY

Tiết kiệm hơn 800 triệu sau một giờ tắt đèn hưởng ứng Tiết kiệm hơn 800 triệu sau một giờ tắt đèn hưởng ứng 'Giờ Trái đất'

TTO - Sau một giờ tắt đèn của sự kiện "Giờ Trái đất 2020", cả nước đã tiết kiệm 436.000 kWh, tương đương khoảng 812,9 triệu đồng. Tại nhiều nơi, các hoạt động hưởng ứng giờ trái đất diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên