Đi học làm cảnh sát giao thông thân thiện
Nhiều chốt, chiến sĩ CSGT cầm gậy, miệng mang còi, đứng trên bục gỗ nhễ nhại mồ hôi điều hành giao thông trở thành hình ảnh mực thước và quen thuộc. Những hình ảnh ấy đem đến sự yên tâm cho người dân, được người dân ghi nhận là một chuyển biến tích cực.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Hình ảnh người CSGT khi thi hành công vụ ở những thời khắc khác trong ngày, ở những nơi họ “lập chốt đột xuất” lại chưa được như thế, nhất là những chốt bị phản ánh là “núp lùm” (như lời đại tá Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công an Hà Nội khi nói về chấn chỉnh lễ tiết, tác phong của CSGT Hà Nội hôm 10-12-2012). Ở đó, tình trạng nạt nộ, ăn nói và hành xử chưa chuẩn mực khiến người dân bất bình. Thậm chí, ngay cả khi CSGT đúng, thái độ đó cũng dễ dẫn đến người vi phạm bị kích động, dẫn đến xô xát hoặc dẫn đến tình trạng xấu (cho cả hai bên).
Cho nên, giờ đây khi TP.HCM mở đợt tập huấn một tuần để xây dựng hình ảnh “CSGT cười” dành cho 1.500 cán bộ, chiến sĩ các đội CSGT toàn thành gây được sự quan tâm của nhân dân: chú ý và ngờ vực, trông chờ xen lẫn hờ hững.
Nhiều người đòi hỏi: không cần CSGT cười, chỉ cần làm đúng, không hoạnh họe, không hống hách là được. Nhiều người gay gắt hơn: cái cần chấn chỉnh ở CSGT nhất không phải là chuyện biết cười, mà là không “núp lùm”, không tiêu cực. Chấn chỉnh tác phong CSGT rầm rộ mà không chấn chỉnh ý thức liêm khiết, tinh thần thượng tôn pháp luật khi thi hành công vụ - với một số người - là chưa đúng trọng tâm.
Nhưng ngẫm ai cũng con người, dù lớn dù nhỏ đều cần quá trình rèn luyện. Có rèn luyện mới có chuyển biến. Mà chuyển biến - theo nghĩa từ này - là dần dần thay đổi, chứ không thể tức thì từ trạng thái này sang trạng thái khác. Một CSGT mang bộ mặt “đâm lê” sẽ khiến một số người sợ hãi, hoặc riu ríu nộp phạt, hoặc “xì tiền tươi” cho yên thân và sau đó bực bội, phẫn nộ; số người vi phạm khác, lại bị kích động và cãi vã, xô xát. Nhưng một CSGT thực hiện đúng điều lệnh, chào người vi phạm khi dừng xe, nở nụ cười thân thiện và làm cho họ yên tâm trước, hẳn kết quả sẽ khác. Sẽ diễn ra cuộc trao đổi sau đó về lỗi vi phạm chứ không có sự quát nạt áp đặt; sẽ là sự chấp hành nộp phạt nghiêm túc của người vi phạm chứ không là sự sợ hãi hay kích động. Hiếm ai đáp trả sự nhã nhặn bằng sự khiếm nhã. Vì thế, sẽ có rất ít người dám đề nghị “tiền tươi” cho những người thực thi công vụ một cách chuẩn mực, tử tế và thân thiện. Và trên hết, hành vi chuẩn mực và tử tế sẽ hướng bất cứ ai - cả CSGT - nghĩ tới điều tốt, hơn là nghĩ tới điều không tốt!
Người bị bệnh nặng, ngoài điều trị bằng thuốc men còn được trị liệu vật lý, trị liệu tâm lý. Lực lượng nào cũng có “con sâu làm rầu nồi canh”, bên cạnh dùng những liều nặng như làm án chống tiêu cực, huy động sự giám sát và cáo giác từ người dân thì việc chính CSGT xây dựng hình ảnh đẹp từ mình cũng có tác dụng ngăn chặn cái xấu lây lan, giúp cái tốt lan tỏa. Chuyển biến là một quá trình. Chưa hẳn sự trừng phạt mới đem lại hiệu quả chống tiêu cực. Hãy để cái tốt, cái đẹp cùng làm phần việc ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận