Trong đó dư nợ của các công ty tài chính khoảng 104.000 tỉ đồng. Với dân số của TP.HCM khoảng 9,2 triệu người (thống kê vào năm 2021) thì bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng tín dụng tiêu dùng.
7/10 công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng kiểm tra
Thông tin này được ông Nguyễn Văn Dũng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tại tọa đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" do báo Người Lao Động tổ chức diễn ra hôm nay, 20-4.
Bà Vũ Thế Vân, chủ tịch Công đoàn các KCX - KCN TP.HCM (Hepza), cho hay công nhân đa phần là dân nhập cư, hơn 70% phải ở trọ. Trải qua hai năm dịch COVID-19, công nhân càng khó vì doanh nghiệp giãn đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Lương công nhân chỉ 5,5 - 15 triệu đồng/tháng nhưng phải trả tiền nhà trọ, trả tiền học, tiền nhà trẻ cho con. Do đó, họ rất cần vay để trang trải cuộc sống.
Tổ chức tài chính vi mô CEP đã đồng hành với 12 chi nhánh tại 17 KCX - KCN cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng ở mức độ nhất định.
Theo luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn luật sư TP.HCM, tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển nền kinh tế, là giải pháp để đấu tranh, hạn chế tín dụng đen.
Nhưng cho vay phải đi đôi với thu hồi nợ và thu hồi nợ sao cho đúng luật. Kỹ năng thu hồi nợ cũng rất quan trọng.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 43 và thông tư 39 quy định rất rõ ràng về vấn đề đốc thúc thu hồi nợ, như không được gọi sau 21h, không gọi quá 5 lần trong 1 ngày… Ngân hàng Nhà nước cũng quy định không được đe dọa khi thu hồi nợ.
Hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ công ty tài chính, bên cho vay phải giải thích cho người vay những điều khoản hợp đồng, cung cấp hợp đồng cho người vay… Nếu lãi suất cho vay quá cao và bị đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, cho hay hiện 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, hiện chưa có kết luận.
Khách hàng đe dọa ngược lại công ty tài chính khi nhắc nợ vay tiêu dùng
Cả nước hiện có 16 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong khi các app không được cấp phép rất nhiều khiến những công ty chính thống bị đánh đồng, bị ngộ nhận.
"Hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý 1-2023 tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Giai đoạn 2016 - 2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19 - 20%, chiếm 14 - 15% tổng dư nợ chung, cao hơn tăng trưởng chung nhưng quý 1-2023 lại ngược lại. Khách vay chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại", ông Minh nói.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, ông Minh đề nghị cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật. Song song đó các công ty tài chính nên tiếp tục mở rộng mạng lưới, nhất là công nhân KCX - KCN, vay trả góp. Đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ.
"Cuối cùng, chúng tôi xin đăng ký làm việc với Công an TP.HCM xung quanh hoạt động tín dụng tiêu dùng", ông Minh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận