Vẻ đẹp của Sơn Đoòng trong góc chụp của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ryan Deboodt |
Từ Ngườm Ngao (Cao Bằng); Thiên Cung, Đầu Gỗ…(Hạ Long), Lùng Khúy (Hà Giang); Núi Đầu Rồng, Đầm Đa (Hòa Bình), đặc biệt là hệ thống hang động ở Quảng Bình với Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Tú Làn, hang Va, Sơn Đoòng…
Trong đó Sơn Đoòng được xem là hang động đẹp và lớn nhất thế giới, soán ngôi của hang Deer của Malaysia trước đây.
Tài nguyên là vậy, nhưng việc tận dụng các lợi thế này để phát triển du lịch chưa được là bao, thậm chí còn làm tổn hại.
Dư luận vẫn chưa quên việc làm cáp treo lên Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương; đã xóa sổ thương hiệu du lịch quốc gia “Leo núi Fansipan”. Hiệu quả không phải lúc nào cũng được tính bằng tiền mà còn nhiều thứ gắn liền với môi trường và xã hội.
Dư luận vẫn chưa thôi ám ảnh việc Hạ Long tổ chức yến tiệc và hòa nhạc trong các hang động. Trước áp lực của cộng đồng, Hạ Long buộc phải chấm dứt cách làm bạc đãi thiên nhiên. Không có những cách làm hạ sách đó, Việt Nam cũng không nghèo hơn. Có thêm ít tiền từ mấy dịch vụ ngược đời đó, Việt Nam cũng không giàu thêm.
Cách đây chưa lâu, dư luận rất bức xúc trước dự án “cáp treo ở Sơn Đoòng”. Các nhà khoa học, các công ty lữ hành và cả dân du lịch khắp thế giới chẳng ai đồng tình, trừ chủ đầu tư và những người có chung lợi ích. Dự án tạm lắng xuống và chưa biết sẽ khởi động lúc nào.
Đang phập phòng lo cho Sơn Đoòng và mừng cho Hạ Long vừa thoát nạn, thiên hạ lại bất bình với dự án “Tổ chức một phần cuộc thi hoa hậu trong động Thiên Đường”.
Nghe xong là muốn á khẩu, vò đầu bứt tai, đấm ngực cho bớt tức. Sao lại có tối kiến lạ lùng như thế? Hay tại mình là người không bình thường nên mới nghĩ nông nổi vậy?
Một lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình cho biết “Tỉnh vẫn chưa quyết định chính thức cho phép tổ chức một phần thi của cuộc thi trong động Thiên Đường. Đây mới chỉ là một trong hai phương án ban tổ chức đưa ra để lựa chọn”.
Ông còn hào hứng biện minh: “Nếu cuộc thi tổ chức được trong hang động và được tường thuật trực tiếp ra toàn thế giới thì giá trị quảng bá cho du lịch hang động Quảng Bình sẽ rất lớn. Khi đó tỉnh Quảng Bình sẽ tính toán các yếu tố để ít ảnh hưởng đến việc bảo tồn thiên nhiên nhất”.
Nghe là biết tỉnh đã đồng tình nhưng đang thăm dò và thuyết phục dư luận. Muốn PR cho Quảng Bình, chỉ cần đưa các thí sinh hoa hậu đi tham quan là quá đủ.
Nghĩ mà tội nghiệp cho thiên nhiên Việt Nam. Chẳng nước nào hành xử với thiên nhiên như vậy. Làm du lịch mấy chục năm, đi nước ngoài cũng mấy chục nước, tôi chưa nghe nói có nước nào làm cáp treo lên đỉnh núi cao nhất nước.
Càng không có việc tổ chức yến tiệc trong hang động như Hạ Long. Còn chuyện thi hoa hậu trong hang động nổi tiếng như Thiên Đường là chuyện viễn tưởng. Yến tiệc thì âm thanh, ánh sáng cũng vừa phải, còn bị lên án gay gắt.
Để tổ chức thi hoa hậu dù chỉ một phần, phải có ánh sáng âm thanh, ban tổ chức, ban giám khảo, phục vụ gấp mấy lần. Những hình ảnh được truyền hình trực tiếp từ hang động, tưởng PR cho du lịch, sẽ có tác dụng ngược lại.
Thiên hạ sẽ phê phán cách hành xử thô bạo với thiên nhiên của Quảng Bình, không chừng tẩy chay cả du lịch Việt Nam thì khốn.
Quần thể Angkor rộng 420km2 với hàng trăm đền thờ, thi thoảng chỉ tổ chức sự kiện bên ngoài sân chứ không ở trong đền. Kinabalu, đỉnh núi cao nhất Asean ở Malaysia cũng không có cáp treo. Hang Deer của họ cũng không hề có ý định tổ chức yến tiệc hay hoa hậu.
Dù dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam (28 triệu) nhưng năm 2016 du lịch Malaysia đón hơn 30 triệu, gấp ba lần Việt Nam. Nghĩ lại càng thương thiên nhiên Việt Nam. Rừng bị tàn phá, cây cối bên đường bị bức tử hoặc đóng đinh treo đủ thứ.
Cỏ cây công viên bị giẫm nát bởi các hội chợ (dù sau đó được trồng lại)… Bị ngược đãi, thiên nhiên vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Tuy nhiên, sự chịu đựng nào cũng có chừng mực. Một khi thiên nhiên nổi giận thì hậu quả khôn lường.
Nhân nào thì quả đó. Xin hãy trân quý thiên nhiên. Nếu chưa làm cho thiên nhiên đẹp hơn thì xin đừng làm tổn thương những nét đẹp vốn có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận