Đoàn tàu của tuyến metro số 1 - Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP
Thông tin này được ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - đưa ra khi phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI chiều 30-11.
Theo đó, khi phát biểu chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng các dự án trọng yếu, nhất là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo đó, dự kiến cuối tháng 12 này, TP.HCM sẽ tổ chức chạy thử tuyến metro số 1 đoạn Long Bình - Bình Thái với sự tham gia của lãnh đạo TP, đại sứ Nhật Bản và các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay toàn tuyến metro số 1 đã thực hiện được 92,89% khối lượng. Theo kế hoạch, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ tiến hành vận hành thử nghiệm đoạn trên cao từ Suối Tiên đến Bình Thái vào cuối tháng 12-2022.
Vào cuối tháng 1-2023, dự án sẽ vận hành thử nghiệm đoạn trên cao với toàn bộ các hệ thống - vận hành tự động, bảo vệ và giám sát đoàn tàu (ATP, ATO, ATS) kết hợp với các hệ thống tại các nhà ga.
Phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến vào tháng 4-2023 để vận hành thử nghiệm toàn tuyến dự kiến tháng 8 và đưa dự án vào khai thác cuối năm 2023.
Dự án xây dựng metro số 1 với chiều dài 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao), 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) khởi công xây dựng từ tháng 8-2012. Tất cả đoàn tàu đều được sản xuất tại Nhật Bản. Mỗi đoàn gồm 3 toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa thiết kế là 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn hầm).
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự án giải quyết ngập do triều cường, xúc tiến thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.
Ông Nên cũng yêu cầu quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, bổ sung vốn cho đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, cải thiện môi trường. Chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông, kinh tế đêm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, bất động sản. Đẩy nhanh công tác quy hoạch, tập trung chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận