12/07/2018 10:35 GMT+7

Dù còn một ngày sống cũng quyết nuôi cháu ăn học

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Ba đứa trẻ mồ côi cha mẹ, lớn lên cùng ông bà đã già yếu, gia cảnh lại khó khăn, thiếu thốn cả tình cảm lẫn vật chất nhưng vẫn nghị lực vươn lên, học giỏi.

Dù còn một ngày sống cũng quyết nuôi cháu ăn học - Ảnh 1.

Em Trương Ngọc Hải Đăng dù thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm vẫn học rất giỏi - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chúng tôi tìm về gia đình các em vào một chiều tháng 7. Điều chúng tôi thấy được không chỉ sự nỗ lực của những đứa trẻ nghị lực mà còn cảm phục tình thương yêu các cháu của ông bà các em, những người đã gần đất xa trời.

Cậu bé ước "làm nghề bán đồ chơi"

Từ đường Hùng Vương (Đà Nẵng), một cậu bé 6 tuổi với khuôn mặt hiền lành dẫn chúng tôi đi vòng vèo qua mấy đoạn hẻm. Vừa đi cậu vừa phân trần: "Ông ngoại con đi thồ, nhà con không có số, nhưng con vẫn nhớ đường vô nhà".

Đó là Trương Ngọc Hải Đăng, thông minh và hoạt bát. Ngôi nhà mà Đăng nói là một căn trọ chừng mấy mét vuông ở hút sâu trong hẻm. Không có số, không có cửa ngõ hay một dấu hiệu nhận biết nào nên ông Trương Quang Hùng (64 tuổi), ông ngoại của Đăng phải để cháu ra đón khách dẫn vào.

Phòng trọ chỉ có độc chiếc tủ lạnh cũ tằn tiền lắm ông Hùng mới mua được, để trữ thức ăn cho 3 bà cháu ở nhà khi ông bận chạy xe ôm.

Tấm nệm chừng mét bốn được kê sát chân tường, mấy thùng carton bỏ quần áo của cả nhà và một chiếc bếp ga mini.

Giữa nhà, cậu em trai của Đăng hết hò hét lại đến đập phá đồ chơi. Nhìn cậu em trai, Đăng nói: "Đồ chơi người ta cho, King đều phá hết, nhưng có đồ chơi là King không quấy bà nên sau này, con sẽ làm nghề bán đồ chơi để cho King chơi thoải mái".

Bà Nguyễn Thị Lựu, bà ngoại của Đăng bị bệnh khớp nặng, suốt ngày chỉ lui tới trong phòng không đi đâu được. Với đôi chân đau, việc chăm lo hai đứa cháu là quá khó khăn với người phụ nữ sắp bước qua tuổi 70.

Dù còn một ngày sống cũng quyết nuôi cháu ăn học - Ảnh 2.

Hải Đăng cùng chơi với em và bà ngoại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Cả nhà 4 miệng ăn trông cả vào từng cuốc xe ôm của ông Hùng. Ông tâm sự, ngày may mắn được vài cuốc xe thì bữa cơm với hai đứa cháu cũng vui hơn. Ngày không có cuốc nào, ông chẳng bước nổi chân về nhà.

Căn phòng vừa còn một lối đi đủ để bỏ chiếc xe cà tàng, phương tiện kiếm cái ăn duy nhất của cả nhà. Ban đêm nhường chiếc nệm cũ cho ba bà cháu, ông Hùng phải nằm sát chiếc xe máy để ngủ.

Ông Hùng vẫn tự hào: "Đăng học được lắm, vừa rồi có giấy khen và phần thưởng của trường, của quận đấy. Chỉ ước vợ chồng tôi còn sống để lo được cho hai đứa đến lúc chúng trưởng thành".

Không có cha, mẹ bỏ đi từ khi mới lọt lòng. Đăng được ông bà đưa về nuôi dưỡng. Không lâu sau, người phụ nữ ấy lại mang về cho bà Lựu một thằng cháu thứ hai rồi bỏ đi biền biệt.

Nuốt nước mắt, bà Lựu vẫn cố ghìm lòng. "Nhiều người bảo hai ông bà già rồi gửi anh em nó vào trung tâm bảo trợ. Nhưng không, tôi dù còn sống một ngày cũng quyết nuôi cháu ăn học".

Dù còn một ngày sống cũng quyết nuôi cháu ăn học - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng Thiện ngoài giờ học còn phụ bà việc nhà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Con ước lớn nhanh để giúp anh hai và ngoại

Khác với Đăng, em Nguyễn Hoàng Thiện (10 tuổi) trường TH Trần Văn Ơn, Đà Nẵng được sống trong vòng tay bố mẹ nhưng bị tước đi niềm hạnh phúc ấy trong phút chốc.

5 năm trước, trong một lần cãi vã, ba Thiện dùng xăng đốt mẹ em. Ông phải vào tù, còn người mẹ khốn khổ bỏng nặng khiến tay chân co rút lại.

Bà Trần Thị Cúc (72 tuổi), bà ngoại Thiện phải bán nơi ra vào của cả 3 thế hệ - căn nhà quá nửa đời buôn gánh bán bưng bà dành mua được, chạy vay mượn thêm tiền để cứu lấy mạng sống cho con gái.

Mang theo thương tật, mẹ Thiện bỏ đi biệt xứ. Bà Cúc dắt díu hai đứa cháu về một căn nhà nhỏ ven thành phố sống lay lắt qua ngày.

Giờ đây, ngày ngày anh trai Thiện phải vừa đi học đại học, vừa xin chạy phát tờ rơi, dựng sân khấu sự kiện, giao hàng… để kiếm tiền lo cho Thiện đi học.

Dù còn một ngày sống cũng quyết nuôi cháu ăn học - Ảnh 4.

Hằng ngày, Thiện cùng bà ngoại đi lượm thùng giấy, ve chai về bán kiếm tiền mua thức ăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Bà Cúc đã già, sức khỏe không còn nữa. Ngày ngày hai bà cháu đi quanh xóm kiếm ve chai, thùng giấy bán kiếm vài ba ngàn bạc đặng mua rau củ qua bữa.

Dù khó khăn và thiếu thốn tình cảm nhưng Thiện vẫn không nghỉ một buổi học nào. Em là học sinh có thành tích đứng đầu lớp, được cô giáo và nhà trường nêu gương.

Khi được hỏi về ước mơ, Thiện cho biết chỉ ước lớn thật nhanh để cùng anh trai đi làm kiếm sống.

Dù còn một ngày sống cũng quyết nuôi cháu ăn học - Ảnh 5.

Em Nguyễn Văn Lưu Lại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tôi thắt lòng khi cháu hỏi ba đi đâu

Ông Nguyễn Văn Thịnh (68 tuổi) nghẹn lời khi nhìn đứa cháu nhỏ. Ông ghé sát tai chúng tôi nói nhỏ: "Mỗi lần nhắc đến ba nó là nó tủi, nó khóc đó".

Em Nguyễn Văn Lưu Lại (11 tuổi) ở Duy Xuyên, Quảng Nam cháu ông Thịnh là đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm. Lưu Lại thường tủi thân về khóc nức nở với ông bà nội khi bị bạn bè trêu là trẻ mồ côi.

Thịnh bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, ba em đi làm ăn xa cũng bị tai nạn qua đời. Thương cháu, ông Thịnh nuôi nấng em nên người, tự đặt cái tên em là Lưu Lại, như một kỷ vật lưu giữ cuối cùng.

Hằng ngày, sau giờ học, em thường phụ giúp ông bà làm việc nhà, nấu cơm. Ông bà em đã già nên Lưu Lại bắt đầu lo từ việc tự giặt quần áo, nấu cơm, chăm đàn gà… để phụ ông bà mỗi khi ông bà đau ốm.

Hè này, em đi xin sách cũ của các anh chị khóa trước trong làng về tự học chuẩn bị lên lớp 6.

Nhìn cậu cháu chăm chỉ, ông Thịnh nói nhỏ như nghẹn lại: "Tôi thắt lòng khi cháu hỏi ba nó ở đâu. Tôi luôn cố gắng vừa là ông, vừa là ba của nó".

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ

TTO - Hai đứa trẻ lớn lên trong hai hoàn cảnh không cha, được nuôi lớn từ gánh bún của bà, của mẹ, sống cùng người thân bệnh tật nhưng vẫn cố gắng học hành, yêu thương gia đình.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm