30/07/2020 05:40 GMT+7

'Dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho bạn một con đường'

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TTO - Cuối tháng 7, trời Hà Nội oi bức hầm hập. Tôi bước vào căn nhà của Dư Phương Liên - người phụ nữ hơn 13 năm chống chọi căn bệnh u não nhưng vẫn khát khao cầm bút và sống cuộc đời hữu ích.

Dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho bạn một con đường - Ảnh 1.

Dư Phương Liên (người trước) vui vẻ nhận giải thưởng Khoảnh khắc thay đổi đời tôi của báo Tuổi Trẻ

Dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho bạn một con đường.

Dư Phương Liên

Cách đây hai năm, Liên từ Hà Nội vào TP.HCM nhận giải ba cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi của báo Tuổi Trẻ. Một hành trình bình thường với bao người, nhưng với Liên là vô cùng đặc biệt vì cô không biết mình còn đi lại được nữa không với căn bệnh nan y ngày càng trầm trọng.

1 Người mẹ 76 tuổi và con trai năm nay lên lớp 8 của Liên vui vẻ ra đón khách. Liên, trong chiếc váy đen giản dị, cũng nở nụ cười và lần những bước vừa chậm chạp vừa cuống quýt dọc theo bức tường ra phía tôi. Tôi bị bệnh, nhưng Liên còn bị bệnh nặng hơn nhiều. Cô đã ngóng tôi suốt mấy ngày qua.

Nụ cười méo mó vì bệnh tật nở trên khuôn mặt Liên. Nhưng đằng sau nụ cười ấy là niềm vui không che giấu, niềm vui được giao tiếp bạn bè, được tiếp nhận thanh âm của cuộc sống bên ngoài ùa về phía mình, dù với đôi tai của cô thì mọi âm thanh đã tắt. Chúng tôi ngồi xuống bên bàn nước và câu chuyện tình thân bắt đầu.

Ngược dòng thời gian vào đầu những năm 2000, Liên là cô giáo dạy văn xinh xắn, duyên dáng, đã kết hôn với đồng nghiệp của mình, một thầy giáo dạy toán. Tình yêu tràn ngập nhưng những ngày hạnh phúc, bình yên của đôi vợ chồng trẻ thật ngắn ngủi: mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng, Liên bỗng phát hiện mọi âm thanh chợt tắt với đôi tai của cô! Những cuộc ra vào bệnh viện như cơm bữa của cô bắt đầu. Các bác sĩ chỉ chờ đợi khoảnh khắc con cô chào đời để phẫu thuật mổ khối u trong não cho cô trước nguy cơ khối u bị vỡ. Từ đó, hành trình chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống của Liên triền miên, không hồi kết...

2 Hơn 13 năm đã trôi qua. Không chỉ mọi âm thanh đã tắt mà sau những cuộc đại phẫu thuật diễn ra cuối năm 2018 và đầu 2019, ánh sáng cho đôi mắt của Liên cũng gần như tắt lịm. Giờ đây không chỉ nụ cười mà cả khuôn mặt xinh xắn của Liên trở nên méo mó, giọng nói của cô như thể đã bị căn bệnh gặm mất nhiều phần, chỉ còn là những tiếng ú ớ. Mẹ Liên kể: "Có những lúc em nó đau đầu dữ dội, đau đến mức co giật". Trong đau đớn đến cùng cực, nhiều lần Liên muốn chết cho "hết chuyện", nhưng rồi cô lại vươn dậy với sức mạnh tinh thần mà nhìn bề ngoài ít ai thấy được.

Người mẹ già chăm con bệnh ròng rã 13 năm là lý do để Liên gắng sống, bởi mẹ nói "không có con mẹ sống để làm gì!’. Người chồng yêu thương, tần tảo, kiên nhẫn cùng cô vượt qua từng thử thách trong những năm dài là lý do để cô trở nên mạnh mẽ. Nhiều lần cô đòi ly hôn để "giải phóng" cho chồng, nhưng anh "lờ" đi như không nghe thấy.

Thay vì chấp nhận sự "giải phóng", anh kiên nhẫn làm việc, kiên nhẫn ở bên con và vợ, duy trì cho tất cả họ một gia đình trước bao cơn sóng gió, mà từ đó họ cùng nhau nhận ra ý nghĩa sự tồn tại của chính mình. Con trai họ, đứa con trai chào đời đã thiệt thòi vì mẹ mắc trọng bệnh, giờ đây sắp bước vào lớp 8. Không nhớ tự bao giờ cậu bé đã trở thành ánh sáng, âm thanh, thành người bạn sớm tối của người mẹ kém may mắn. Cậu bé giống như người phiên dịch của mẹ, là ánh mắt cho mẹ, là mối dây kết nối cô với thế giới xung quanh.

Thấy khách đến, cậu vội chạy đi lấy tập giấy trắng khổ to được đặt sẵn trên tấm kê bằng bìa cứng và chiếc bút dạ. Những cái chạm tay khẽ khàng của cậu lên mặt mẹ như một cách giao tiếp đặc biệt giữa hai mẹ con họ cho tôi biết thêm một ngôn ngữ mới của tình yêu thương.

Cậu bé phải viết những chữ cỡ to bằng cả bàn tay Liên mới có thể nhìn thấy lờ mờ, để rồi đoán ra nghĩa của các con chữ. Từng soạn hết cuốn giáo án này đến cuốn giáo án khác, đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, vậy mà giờ đây việc lần theo những con chữ với Liên khó khăn quá đỗi. Chứng kiến Liên ngồi níu lấy tất cả các phương tiện để giao tiếp, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được Liên yêu cuộc sống này đến mức nào.

Dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho bạn một con đường - Ảnh 3.

Liên và con có ngôn ngữ giao tiếp riêng bằng các ngón tay sờ chạm lên mặt - Ảnh: BÍCH LAN

3 Ít ai biết giữa những cơn đau, những lần phẫu thuật, những tháng dài nằm viện Liên đã mải mê viết về cuộc sống. Cô có cả trăm bài viết được đăng trên các báo. Năm 2019, bài viết Mọi âm thanh chợt tắt của cô được trao giải ba cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi (lần 1) do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Đam mê viết chưa bao giờ tắt trong cô, dù hoàn cảnh dồn đẩy cô khủng khiếp đến mức nào. "Sống hữu ích mới là sống" - Liên quả quyết.

Trước khi viết bài này, tôi đã đọc bản thảo khá đầy đặn tự truyện cuộc đời Liên, một tự truyện mà cô chưa đặt tên, được con trai đánh máy giúp. Từ hành trình chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo để sống, các trang viết của cô toát lên những thông điệp ý nghĩa về mối dây gắn kết của gia đình, tình mẫu tử vô bờ, đức hi sinh và sự kiên nhẫn phi thường của những người thân đồng hành cùng cô.

"Mình đã tìm thấy niềm vui mới cho cuộc sống bớt buồn chán. Đó là viết tự truyện về cuộc đời mình và ước mơ nó được xuất bản. Không biết khi nào ước mơ ấy thành hiện thực, chỉ biết hiện tại nó cho mình thêm động lực sống để chào đón ngày mai" - Liên trải lòng trong tự truyện của mình...

Ngồi khóc bên cầu thang

Hôm ấy là một chiều mùa hè tháng 6, khi tôi đang mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng thì một biến cố ập đến. Mọi âm thanh của cuộc sống đột nhiên vụt tắt hoàn toàn bên tai tôi. Không thể diễn tả hết cảm giác hoảng hốt, sợ hãi của tôi lúc đó, chỉ nhớ rằng tôi đã kêu lên "Mẹ ơi" rồi ngồi sụp xuống chân cầu thang, òa khóc nức nở... Mẹ chạy đến hỏi han những gì, tôi không biết.

Tiếng nói của mẹ lào thào như gió thổi, còn xung quanh tôi chìm sâu vào sự yên ắng lạ thường. Trời đất trước mặt tôi như chao đảo, mọi vật cứ thế nhòe đi trong nước mắt. Và từ đó, vĩnh viễn tôi không còn nghe thấy gì nữa. Nguyên nhân gây ra việc mất thính giác của tôi bắt nguồn từ hai khối u đang ngủ yên trong não... Cuộc sống của tôi bị xáo trộn hoàn toàn kể từ giây phút đó. Mọi mơ mộng về một tương lai đẹp đẽ đều sụp đổ tan tành. Công việc dạy học của tôi vừa mới có chút thành công nho nhỏ đã chấm hết.

Cuộc hôn nhân vừa mới bắt đầu của tôi đã bị bóng đêm đè nặng. Nghỉ việc, ở nhà, không giao tiếp được với ai, cách biệt so với thế giới bên ngoài, tôi đau khổ, tự ti, cô đơn, buồn chán đến mức mỗi đêm nằm xuống chỉ muốn mình ngủ thiếp đi mãi mãi, không bao giờ dậy nữa...

Nhưng thực tế phũ phàng không vì thế mà dừng lại và tôi vẫn phải sống, vẫn phải ngày ngày đối mặt với khuyết tật của mình. Cũng nhờ vậy mà tôi phát hiện thế mạnh mới của bản thân và tìm ra niềm đam mê đích thực của đời mình. Không trò chuyện được với ai, tôi tìm đến sách để bầu bạn, lúc đầu là đọc cho vui, để giết thời gian, về sau là đọc để trau dồi hiểu biết của bản thân. Sách và xa lộ thông tin mênh mông trên mạng đã mở ra cho tôi một chân trời mới, cao rộng, tuyệt vời hơn rất nhiều những điều tôi từng biết.

Đọc nhiều, đọc mãi, tự nhiên đến một lúc những ý tưởng trào dâng trong tôi, thôi thúc tôi viết ra điều gì đó của riêng mình và thế là những tản văn, bài báo đầu tiên ra đời...

Buổi chiều ngồi khóc bên cầu thang năm nào, tưởng rằng cuộc đời này thế là hết vĩnh viễn, nhưng thật không ngờ đó chỉ là sự bắt đầu cho một ngã rẽ mới, để tôi khám phá ra nghị lực sống của bản thân, tìm thấy niềm đam mê viết lách ẩn sâu bên trong mình và hiểu được đâu là những giá trị đích thực của cuộc sống. Đúng như người ta thường nói: cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Thế nên tôi sẽ mãi trân trọng, lưu giữ khoảnh khắc ngồi khóc bên cầu thang để nhắc nhở mình dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho bạn một con đường.

Trích bài dự thi Mọi âm thanh chợt tắt của Dư Phương Liên

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Cảm ơn bố mẹ đã buông tay con! Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Cảm ơn bố mẹ đã buông tay con!

TTO - Một chuyện đời nhẹ nhàng mà đi vào lòng người, gợi lên bao điều phải suy nghĩ. Tác giả bài viết bị bệnh mắt bẩm sinh, rồi mù hoàn toàn từ khi vào học lớp 8. Cuộc sống của cậu được sự bảo bọc của cha mẹ, nhưng rồi một ngày...

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên