06/11/2019 09:52 GMT+7

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Cảm ơn bố mẹ đã buông tay con!

NGUYỄN ĐỨC NGHỊ
NGUYỄN ĐỨC NGHỊ

TTO - Một chuyện đời nhẹ nhàng mà đi vào lòng người, gợi lên bao điều phải suy nghĩ. Tác giả bài viết bị bệnh mắt bẩm sinh, rồi mù hoàn toàn từ khi vào học lớp 8. Cuộc sống của cậu được sự bảo bọc của cha mẹ, nhưng rồi một ngày...

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Cảm ơn bố mẹ đã buông tay con! - Ảnh 1.

Tôi càng hăng học ngày học đêm, có khi gục ngủ ngay trên bàn vì cố học tới khuya. Cuối cùng, tôi đã biết đọc, biết viết. Không phụ lòng bố mẹ, tôi tiếp tục nhìn được ánh sáng, nhưng đó là ánh sáng tri thức bằng chữ nổi.

Nguyễn Đức Nghị

Bao năm tôi ra đời là ngần ấy thời gian bố mẹ chạy đua với căn bệnh mắt Glôcôm bẩm sinh để giành giật ánh sáng cho tôi.

Đôi mắt bệnh tật

Hình ảnh mẹ dắt tay tôi vào phòng mổ, giây phút bố cõng tôi trên lưng vượt mấy chục kilômet đường rừng tìm thầy lang chữa bệnh là những khoảnh khắc đã in sâu vào trái tim tôi. Có lẽ tôi sẽ mãi chìm trong bóng tối, mãi lệ thuộc vào sự che chở, cưu mang nếu không có khoảnh khắc bố mẹ dũng cảm buông tay tôi...

Mỗi ngày tôi được cắp sách tới trường, được nắn nót dòng chữ đầu đời lên tấm bảng đen: "O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu". Tôi biết được nắng thì vàng, lá màu xanh, ghi nhớ gương mặt của bản thân, cha mẹ. Những thứ tưởng đỗi rất bình thường với tôi là cả sự hi sinh của mẹ cha.

Như bao đứa trẻ khác, tôi sinh ra lành lặn và được đón nhận trong vòng tay ấm áp của gia đình. Tất cả thay đổi ở tháng thứ 4 khi mắt tôi xuất hiện dấu hiệu lạ: mắt kéo màng trắng, chảy nước liên tục. Gia đình vội vàng đưa tôi lên Bệnh viện Mắt trung ương thăm khám. Bác sĩ kết luận tôi mắc Glôcôm bẩm sinh. 

Vượt qua nỗi đau, bố mẹ quyết tâm bằng mọi cách giành giật ánh sáng cho tôi. Bệnh viện Mắt trung ương một thời là ngôi nhà thứ hai của tôi. Có những đợt tập mắt dài đến cả tháng, những mũi tiêm bạc triệu và 5 lần lên bàn mổ, đổi lại mắt phải tôi mù hoàn toàn, mắt trái thị lực 1/10.

Dù luôn được xếp ngồi bàn đầu, tôi vẫn chẳng thể nhìn được chữ trên bảng, muốn ghi chép phải cúi gần sát vở. Thị lực 1/10 tức là thiếu cặp kính dày cộm, tất cả trước mắt tôi đều nhòe nhoẹt. Thương con thiệt thòi, bố mẹ dùng tình yêu thương vô điều kiện để bù đắp. Tôi được cưng chiều, không phải động tay dù là việc nhỏ nhất. Bố tôi cấm mấy anh chị em thốt từ "mù" trong nhà. Mẹ luôn dắt tay tôi đến trường - đặc quyền chỉ bé lớp 1 mới được hưởng.

Chìm vào bóng tối

Ngày tôi bước lên lớp 8 cũng là ngày tôi mất hoàn toàn thị lực. Tôi rơi vào bóng tối vô tận. Cuộc sống của tôi giờ chỉ giới hạn trong 4 bức tường. Mọi thứ trôi đi nhạt nhẽo, ban đầu là sự đau khổ, bi quan, tuyệt vọng, rồi tất cả cảm xúc trở thành trống rỗng. Tôi sống lặng lẽ như chiếc bóng. Lại một lần nữa mẹ yêu thương nắm lấy tay tôi. Mẹ cùng tôi bắt đầu học mọi thứ từ đầu. Học cách phân biệt quần áo bằng xúc giác, đi lại ban đầu là trong nhà, rồi ra sân, xa hơn là định hướng di chuyển quanh ngõ.

Mẹ động viên lúc tôi cảm thấy chán nản khi bàn tay mãi lóng ngóng lúc cầm đũa. Mẹ vui vẻ mỉm cười lần đầu tiên tôi có thể giặt được bộ quần áo. Chính mẹ cũng tìm kiếm và đưa tôi đến một tổ chức - nơi quy tụ những người khiếm thị trên địa bàn huyện: Hội người mù thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Mẹ nắm tay tôi gặp chú chủ tịch hội để được nghe nói về cơ hội tôi trở lại trường học, về một loại chữ kỳ diệu có thể giúp người mù đọc được không bằng mắt, mà bằng 10 đầu ngón tay. Ước mơ tưởng chừng đã tắt lại nhen lên trong lòng cậu trai 15 tuổi - ước mơ được đi học.

Trái ngược với sự háo hức của tôi, mẹ lại bồn chồn. Mẹ yêu thương lo lắng với trái tim người mẹ: liệu đến đấy người ta có cho con ăn đầy đủ không? Trong môi trường mới có ai dắt con đi không? Hay con ở nhà với mẹ? Mẹ ngập ngừng đưa ra lời đề nghị sau bữa cơm tối. Bố chỉ im lặng như ngầm đồng tình. Được đi học tưởng rằng sẽ mãi là ước mơ xa vời khi tôi mất thị lực. Nhưng chưa bao giờ ước mơ ấy lại gần đến như thế. Tôi quyết định xa nhà, đi học.

Rồi cũng đến ngày mẹ dắt tay tôi vào lớp học chữ nổi. Sau khi trao đổi với thầy giáo, mẹ đưa tôi vào chiếc bàn cuối dãy. Mẹ siết chặt tay tôi hơn, mãi một lúc mẹ mới ngập ngừng nói: "Mẹ về đây". Giọng mẹ hơi nghèn nghẹn, rồi mẹ buông tay. Giây phút ấy, tôi mới ý thức tôi phải xa mẹ, phải sống tự lập. Tôi đã quá quen sự bao bọc, chở che của gia đình, liệu tôi có thể sống xa mẹ?

Tôi phải tự đi đường đời của mình

Tôi ngày ấy là đứa trẻ 15 tuổi, chưa một lần rời xa nhà và cứ thế đối diện với tất cả.

Bài học đầu tiên của tôi là làm quen với bảng con cắm, rồi dần dần học cách sử dụng dùi, bảng. Lúc này, tôi mới hiểu chữ nổi hoàn toàn khác chữ viết dành cho người sáng. Không có các nét, không có o tròn như trứng gà. Chữ nổi là sự tổ hợp của 6 chấm được quy định thành bảng chữ cái, các ký hiệu toán học...

Tôi từng bất ngờ, rồi đi đến thích thú khi chỉ từ 6 chấm nhỏ thiên biến vạn hóa thành hàng trăm ký tự, thanh dấu. Tôi làm quen khá nhanh với bảng dùi, ghi nhớ thứ tự của các chấm để thành các chữ cái. Song, đôi bàn tay tôi lóng ngóng trên những ô chữ nổi mà không biết đó là chữ gì, cảm giác từ tay tôi truyền lại chỉ là những nốt sần vô nghĩa.

Tôi cố gắng sờ đến mòn cả chữ, sờ đến cổ tay mỏi nhừ, song những con chữ vẫn chạy trốn tôi. Một tuần sau, khi các bạn đã chuyển sang học ghép vần, tôi vẫn giậm chân tại chỗ, cố gắng lần sờ từng chữ cái. Tự thấy mình thua kém bạn bè, thấy mình bất lực, tôi chán nản!

Tôi tự hỏi quyết định ngày ấy đi học chữ dành cho người mù của mình liệu có đúng không? Có lẽ tôi nên yên vị ở vùng an toàn của mình. Tôi muốn về nhà, về với cha mẹ! Cứu cánh duy nhất của tôi ngày ấy là những cuộc điện thoại từ gia đình. Mẹ yêu thương động viên tôi thật nhiều. Mẹ nói về lý do tôi bắt đầu đi học, về sự tin tưởng con trai.

Chính những câu nói tràn đầy tình thương ấy của bố mẹ đã tạo cho tôi thêm động lực. Gia đình vẫn hằng ngày dõi theo tôi. Mẹ vẫn luôn kiên cường vượt qua bản thân, chẳng lẽ tôi lại không vượt qua được chính mình, lại làm bố mẹ thất vọng.

Tôi bắt đầu cố gắng học thêm cả buổi tối. Ban đầu, tôi tập sờ từng chấm, rồi từng ô. Khi đã sờ được vị trí các chấm, tôi sờ những chữ cái đơn giản như chữ A (chấm 1), chữ B (chấm 1:2)... Lấy đó làm động lực cố gắng, tôi bắt đầu ghép những chữ cái phức tạp hơn dù đôi khi lẫn lộn và thời gian có khi phải mất cả phút để luận ra một chữ.

Từ những chấm nhỏ li ti đầu tiên, tôi bắt đầu viết lên ước mơ của mình. Tôi theo học lớp vi tính văn phòng và lớp xoa bóp cổ truyền với hi vọng sau này có thể làm chủ được đời mình, hay ít ra là không phiền lụy đến người khác. Năm 2016, tôi tiếp tục học bổ túc chương trình phổ thông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở quận Hoàn Kiếm. Song song với việc học cấp III, tôi làm thêm nghề xoa bóp cổ truyền, tự lập và tự trang trải cuộc sống bản thân.

Vừa qua, tôi trúng tuyển và trở thành sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Dẫu biết hành trình tìm cái chữ, vươn đến sự hòa nhập xã hội còn lắm gian nan, nhưng tôi tin rằng mọi khó khăn sẽ vượt qua nếu ta có một mục tiêu hướng tới.

Bây giờ, nhiều khi ngồi nghĩ lại khoảnh khắc ngày ấy nếu tôi không lựa chọn bước khỏi vùng bảo bọc an toàn của bố mẹ, chắc hiện tại tôi vẫn sẽ mãi thu mình trong vỏ ốc tự ti. Tương lai chắc chắn còn nhiều thử thách khó khăn, nhưng tin rằng tôi sẽ đối mặt chinh phục.

Cảm ơn bố mẹ đã bên con! Bố mẹ đã yêu thương nắm tay con cùng vượt khó khăn, và cũng buông tay cho con tự lập mạnh mẽ trên chính đôi chân của mình để trưởng thành.

Hãy cố gắng, con trai của bố ơi

Bố ít nói hơn, chỉ bảo: "Con ở đó phải vượt qua sự khó khăn trong việc học tập, còn mẹ cũng phải vượt qua nỗi nhớ con. Mẹ nhớ con đến không ngủ được, mẹ lo cho con cái ăn cái mặc ở đó ổn không? Nhiều khi mẹ phải cố nhịn không lái xe đến đón con về. Bố động viên mẹ nếu mình không vượt qua được thì làm sao con yên tâm học tập. Thế nên hãy cố gắng, con trai của bố ơi".

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Tôi hận cái nghèo Tôi hận cái nghèo

TTO - Tôi không thể nào quên khoảnh khắc nghe mẹ kể ba thều thào hỏi bác sĩ: 'Bệnh tôi nếu đi Sài Gòn chữa khỏi không? Nếu không khỏi thì để tôi chết. Chứ bán hết ruộng vườn trị bệnh mà cũng không khỏi thì vợ con khổ'.

NGUYỄN ĐỨC NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên