22/10/2019 13:03 GMT+7

Đường gập ghềnh hay vai mẹ gầy?

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Hồi nhỏ, tôi bị sốt trên 40 độ, mẹ đã vác tôi chạy sang trạm xá. Điều ám ảnh mãi sau này là hàm răng tôi bị đập vào vai mẹ nhiều lần đau điếng. Lớn lên, tôi cứ tự hỏi do đường gập ghềnh hay vai mẹ tôi gầy quá?

Đường gập ghềnh hay vai mẹ gầy? - Ảnh 1.

Bây giờ, bố mẹ đã ở tuổi thất thập, tôi chỉ mong cả hai khỏe mạnh, sống vui vẻ với con cái.

Tâm Lê

Đầu những năm 1980, làng quê thuần nông ở Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa của tôi nghèo lắm. Cái nghèo đến trong bữa cơm độn khoai, mà khoai thường nhiều hơn cơm.

Tuổi thơ với mẹ thời nghèo khó

Mẹ tôi là giáo viên tiểu học. Thời ấy, lương chỉ vài đồng, nhiều cô giáo đã bỏ nghề. Mẹ thì nhất quyết không, vì nghĩ khó khăn vẫn có vài đồng còn hơn không và sau này lấy đồng lương hưu. Nhưng mẹ cũng thổ lộ không bỏ dạy còn vì yêu nghề giáo, muốn truyền con chữ cho trẻ nghèo thôn quê, để đời chúng sau này sẽ khá hơn.

Những thế hệ học trò như trưởng trạm y tế xã sắp về hưu, mỗi khi tôi đến khám sức khỏe đều giới thiệu một cách thân mật: "Đó là con cô giáo Tính của tôi ngày xưa".

Mẹ tôi sinh được bốn người con. Ngoài dạy học, mẹ còn tất bật với 8 sào ruộng, lại thêm bán lặt vặt như đan giặm bắt cá rồi mang đi bán. Có đợt, mẹ còn ủ cả giá đậu đem bán. Nói chung, mẹ rất giỏi xoay xở nghề vặt để có thêm đồng ra đồng vào.

Bố tôi làm nghề địa chất, xa nhà suốt, đi rừng lội suối đến sốt rét. Lương cũng chỉ vài đồng, bố dành tiền học đại học tiếp. Mẹ ở nhà với đàn con nhỏ, bố mẹ già, gần một mẫu ruộng, thêm nghề giáo... Cho đến tận giờ, tôi vẫn luôn cho rằng mọi bài ca về mẹ đều hay như nhau.

Lại nhớ cái năm tôi bị sốt cao và cũng dài người, nặng ký rồi mà mẹ vẫn vác trên vai chạy phăng phăng. Mẹ kể hôm ấy đang cấy lúa ở đồng thì ông nội chạy ra báo tin con sốt. Tôi còn nhớ mẹ vội vã chạy về, thảng thốt kêu lớn từ ngoài sân: "Ôi con tôi!". Rồi mẹ lao như tên bắn vào giường ôm sầm lấy tôi sờ đầu, sờ trán, lại kêu: "Ôi con gái yêu của mẹ, ôi con tôi sốt quá!...".

Chân mẹ vẫn nguyên bùn đất, quần xắn cao đầu gối. Vớ vội cái chăn mỏng trùm lấy đầu tôi, mẹ lập cập vác tôi chạy sang trạm xá cách nhà 1,5km.

Tôi vẫn nhớ như in, mẹ chạy sấp ngửa trên đường, đầu tôi cứ đập lên đập xuống vai mẹ. Không biết do đường lồi lõm hay do vai mẹ gầy mà hàm răng tôi bị vập vào đau phát khóc. Giờ nghĩ lại, có lẽ mẹ đau hơn tôi vì hàm răng cứng và sắc cứ cắm vào chỗ xương nhiều hơn thịt của mẹ. Khi ấy, mẹ gầy gò lắm!

Bác sĩ cặp nhiệt tôi trên 40 độ. Mẹ khóc ngoài hành lang. Mẹ kể bà nội chạy sau mẹ, ông nội ôm chăn chiếu lội tắt đường sông để sang trạm với tôi. Sau hai lần tiêm thuốc hạ sốt, tôi mới giảm sốt. Đó là trận ốm nặng nhất của tôi làm mẹ lo sốt vó, bởi có những trường hợp sốt như thế bị co giật rồi bại não.

Mẹ cấy lúa ngày đông

Sau trận ốm thập tử nhất sinh, tuổi thơ tôi lớn lên bên mẹ gian khó nhưng bình yên hơn. Một vài kỷ niệm vẫn khiến tôi cười thương xót mỗi khi nhớ về.

Ấy là lần tôi theo mẹ ra đồng xa cấy lúa vào ngày "Ba mươi tết thịt treo trong nhà", rồi rét cắt da thịt. Tôi run rẩy cắm cây lúa xuống bùn mà lúa không chịu đứng, cứ nổi lên mặt nước. Tay tôi cứng đơ. Tôi đổi sang tay trái để cắm mà cây lúa vẫn đổ vẹo. Người tôi mặc mấy lớp áo, lại quàng thêm áo mưa dù trời không mưa, mà hai hàm răng vẫn bần bật gõ vào nhau.

Mẹ nhìn thấy tôi bị lạnh quá, liền bảo lên bờ ngồi chờ. Tôi loạng choạng bò lên bờ ngồi co ro... ngắm mẹ cấy. Hồi đó, tôi ngây thơ đến nỗi chẳng biết hỏi một câu mẹ có lạnh không, hay bảo mẹ nghỉ về cho ấm người.

Mẹ làm việc cực nhọc vậy mà đến bữa cơm, miếng ngon lại nhường hết. "Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng phần con", hay chuyện mẹ "thích" ăn đầu cá để nhường thịt cá cho chồng con được tôi thấu cảm đến rơi nước mắt!

Lớn lên chút nữa thì tôi tập trung cho việc học, bỏ lại lo toan vất vả cho ông bà, bố mẹ. Mẹ cũng là cô giáo của chúng tôi hết cấp I, dù khó khăn cỡ nào mẹ cũng ưu tiên việc học là trên hết. Mẹ nói chỉ có học hành thì tương lai các con mới sáng hơn thời mẹ được.

Lúc cao điểm nhất cả ba đứa con học đại học, cao đẳng. Sau này, tôi hỏi mẹ lấy đâu ra tiền, mẹ cười hiền rằng vay suất sinh viên, rồi "cắm" (thế chấp ngân hàng) sổ đỏ. "Cắm" sổ nhà xong, mẹ lại mượn sổ hàng xóm đi "cắm" tiếp.

Tôi chẳng biết nói gì về những hi sinh to lớn của mẹ, chỉ biết thầm cảm ơn mẹ vì những hi sinh đó đã giúp chúng tôi học hành nên người. Trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đã bị nghỉ học hoặc tự bỏ dở, đến nỗi cấp III mà cả làng chỉ mình tôi đạp xe đi học trường công.

Vinh quang không bằng có mẹ

Những gian khó tuổi thơ ấy luôn nhắc nhở tôi phải thật cố gắng để có cuộc sống tốt hơn. Và phải đối đãi với bố mẹ thật tốt, vì còn bao điều không thể nói bằng lời.

Mỗi lần về thăm, tôi lại thấy tuổi già bố mẹ ở mái đầu bạc ngày càng bạc thêm, rồi chứng lãng tai, nói trước quên sau. Em gái tôi viết rằng: "Mong thời gian trôi thật nhanh cho con cái lớn khôn, lại cũng mong sao thời gian đừng trôi để bố mẹ không già".

Tôi chỉ mong kiếm nhiều tiền để thi thoảng đưa bố mẹ đi du lịch, đến những nơi cả hai chưa có điều kiện đến. Tôi luôn nhắc mình mỗi ngày gọi điện về thăm bố mẹ, dù không có chuyện gì tôi cũng gọi. Gọi để nghe giọng mẹ xem đang khỏe hay ốm, đang vui hay buồn, rồi tranh thủ về thăm bất cứ ngày nào có thể...

Công việc giúp tôi được đến nhiều nơi, cả những nơi xa hoa, gặp gỡ người nổi tiếng. Ăn những bữa tiệc lớn ngập tràn sơn hào hải vị, nhưng tôi vẫn thấy không gì ngon bằng món canh tập tàng mẹ nấu. Và dù tôi đi đâu cũng không bằng về với mẹ.

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Tổ ấm Tổ ấm

TTO - 'Ra ngoài, cút hết ra ngoài cho tao, cút khỏi nhà tao, không tao đánh chết'. Tiếng la hét hung hãn, tiếng khóc, tiếng đập bàn ghế, ly chén loảng xoảng.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên