26/10/2019 05:26 GMT+7

Ngày ấy, ba đã sinh tôi ra lần nữa

PHÚC AN
PHÚC AN

TTO - Tôi là đứa trẻ ham chơi. Sau giờ làm, ba vẫn thường đạp xe đi tìm vì tôi trốn học theo tụi con trai đi chơi. Một lần, tôi lao vào đánh nhau với thằng San làm nó chảy máu...

Ngày ấy, ba đã sinh tôi ra lần nữa - Ảnh 1.

Tôi nhận ra rằng với ba, tôi không chỉ là tình thương yêu mà còn là sinh mạng. Nhớ lại nét mắt u buồn của ba mỗi khi tôi không ngoan, tôi đã hối hận vô cùng.

PHÚC AN

1 Ba thằng San tìm gặp ba tôi để trách chuyện.

Cũng hôm đó, vì ham chơi mà tôi để bò ăn lúa nhà bác Lâm. Bác mắng, tôi còn trả treo. Bác cũng tìm ba tôi trách chuyện. Ba gọi lên hỏi, tôi cụt lủn đáp: "Nó con trai không đánh hơn con còn mách gì? Bò ăn có đám lúa con con cũng kêu". Ba không kiềm chế được đã tát tôi.

Sau khi bác Lâm và ba thằng San về, ba còn bắt tôi nằm sấp xuống giường phạt thêm 5 roi. Lũ bạn tôi được trận cười và sau đấy, hễ cứ có cơ hội là chúng lại mang chuyện tôi bị ba đánh ra để chọc.

Thế là tôi giận ba, từ đó tôi ít nói chuyện với ba hơn.

Nhưng lũ trẻ trong làng ai cũng quý ba. Hễ cứ nghe tiếng leng keng phát ra từ chiếc xe đạp cũ là chúng chạy ùa ra đón để giành nhau mấy viên kẹo ba lận túi trong bữa họp thôn. Những lúc như thế, tôi thường đứng ở cuối dốc nhìn lên, còn ba đảo mắt tìm tôi trong đám trẻ để đưa viên kẹo ú có vị gừng tôi vẫn thích. Thế nhưng tôi không ùa ra đón ba như những lần trước, mà lẳng lặng bỏ đi.

Tôi biết ba kỳ vọng tôi học giỏi như thằng San, kỳ vọng tôi vào đại học nên từ ngày bị ba đánh, tôi bỏ bê học hành cho bõ giận. Tôi cho rằng từ khi có em trai, ba chỉ thương em, thiên vị em. Bằng chứng là những lần phạm lỗi của em thì mẹ mắng, còn ba chỉ im lặng và lảng đi nơi khác. Ba không đánh em, nhưng lại đánh khi tôi phạm lỗi.

Khoảng 20 giờ ngày 1-11-1999, năm đó tôi học lớp 5. Trận lũ lịch sử đổ vào miền Trung. Quảng Bình quê tôi chịu thiệt hại nặng nề. Lúc đó tôi đang học bài ở nhà trên. Còn ba mẹ và em trai nhóm than sưởi ấm ở nhà bếp, bất ngờ nước ập vào nhà kèm theo lốc.

Gió giật mạnh, chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra thì nóc nhà đã bị lốc cuốn mất. Tôi hoảng hốt nhìn lên, mưa trút xuống kèm theo đó là những thanh tre đòn tay và đá vữa đổ vỡ, nước từ sân ùa vào.

Tôi sợ hãi, khóc ré lên. Đang lúc hoảng loạn thì ba từ nhà bếp chạy lên, lao tới ôm tôi. Hai cha con ngã xuống. Ba lấy hết sức ngồi bật dậy, bế tôi chạy xuống phía nhà bếp để tránh gạch đá (nhà bếp tôi lúc ấy lợp bằng tranh, vách nứa), rồi đặt tôi lên chiếc bàn cao cùng với em. Ba quay sang kê thêm thùng phuy lên bàn, phòng khi nước lên thì đặt tôi và em lên.

Lúc này tôi mới biết ba bị thương chảy máu. Miếng vỡ từ viên gạch táp-lô nào đó đã rơi trúng ba. Nếu không có ba, nó sẽ rơi trúng tôi. Thế nhưng ba lại không để ý vết thương của mình, mà chỉ lo hỏi tôi: "Con có sao không?". Tay ba run run đưa lên sờ nắn người tôi. Tôi òa lên khóc. Ba ôm chặt tôi và bảo: "Đừng sợ, ba không sao!".

Khoảnh khắc ấy, những giận hờn trong tôi biến mất, chỉ còn lại sự sợ hãi. Thấy ba chảy máu, tôi ngốc nghếch sợ ba chết, lại òa lên khóc: "Ba ơi, ba đừng chết, con không muốn ba chết đâu".

Trời ngớt mưa, nước rút. Hàng xóm đến giúp gia đình tôi dọn dẹp những thứ đổ nát. Em trai chạy lăng xăng bắt những con cá rô theo nước trôi dạt vào hiên. Em còn bé, chưa hiểu được những gì xảy ra. Còn tôi cứ ngồi bên cạnh ba, ôm ghì lấy ba vì sợ "ba chết".

2 Lẽ ra viên gạch rơi trúng người ba tối ấy rơi lên tôi. Sau phút hoảng loạn, tôi nhận thấy mình thật may mắn vì có ba. Ba đánh tôi không phải vì ba ghét tôi. Ba không mắng em trai mỗi lúc em phạm lỗi vì ba không muốn xen vào chuyện dạy con của mẹ.

Tôi nhận ra rằng với ba, tôi không chỉ là tình thương yêu mà còn là sinh mạng. Nhớ lại nét mắt u buồn của ba mỗi khi tôi không ngoan, tôi đã hối hận vô cùng. Tôi chăm học hơn, không còn đánh nhau với tụi con trai, cũng không trốn học đi chơi để ba phải tìm.

Ngày tôi vào đại học, ba tiễn tôi và cười rạng rỡ. Tôi biết đó là điều ba mong đợi nhất với một đứa luôn có điểm trung bình như tôi. Trời rải những hạt nắng vàng ươm trên mái đầu pha hai thứ tóc của ba. Tôi chạy lại ôm ba: "Ba nhớ giữ gìn sức khỏe". Ba xua tôi đi nhanh, vì sợ tôi nhìn thấy ba khóc.

Ngày tôi lấy chồng, ba ân cần dặn dò: "Lấy chồng ở nhà người ta không như nhà mình, phải lựa đường mà cư xử nghe con". Tôi ngân ngấn nước mắt. Ba xoa đầu tôi cười trừ.

Ngày tôi sinh con, ba cùng mẹ thay nhau thức đêm pha sữa, thay tã cho cháu để tôi ngủ. Áo tã con tôi thay ra, ba cẩn thận ngồi vò bằng tay chứ chẳng cho vào máy giặt.

Tôi đảo mắt nhìn quanh nhà mình, chỗ ngày xưa ba đã đỡ viên gạch cho tôi. Mới đó đã 20 năm. Tôi đã làm mẹ. Đôi lúc nóng giận, tôi cũng từng phát vào mông con. Đánh con mà mình đau lắm. Tôi càng thấm thía hơn cảm giác của ba khi phạt tôi 5 roi ngày ấy.

Ba ngủ, tôi vén tóc ba tìm vết sẹo ngày ba đỡ viên gạch cho tôi. Những vết nhăn do tuổi già không làm mờ được sẹo. Ba tỉnh giấc, nhìn tôi, cũng ánh mắt như ngày tôi còn bé. Tôi thì thầm: "Cảm ơn ba vì đã là ba của con!".

Lần đầu tiên trong đời tôi lấy hết can đảm nói cảm ơn ba. Ba cười trêu tôi: "Chứ không phải chị bảo tôi chỉ thương con trai, không thương con gái sao?".

Khoảnh khắc ba đỡ cho tôi viên gạch ngày ấy như chính ba đã sinh tôi ra lần nữa vậy!

Ngày ấy, ba đã sinh tôi ra lần nữa - Ảnh 3.
Đường gập ghềnh hay vai mẹ gầy? Đường gập ghềnh hay vai mẹ gầy?

TTO - Hồi nhỏ, tôi bị sốt trên 40 độ, mẹ đã vác tôi chạy sang trạm xá. Điều ám ảnh mãi sau này là hàm răng tôi bị đập vào vai mẹ nhiều lần đau điếng. Lớn lên, tôi cứ tự hỏi do đường gập ghềnh hay vai mẹ tôi gầy quá?

PHÚC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên