30/10/2019 11:47 GMT+7

Tôi hận cái nghèo

ĐINH THỊ THU ĐIỂM
ĐINH THỊ THU ĐIỂM

TTO - Tôi không thể nào quên khoảnh khắc nghe mẹ kể ba thều thào hỏi bác sĩ: 'Bệnh tôi nếu đi Sài Gòn chữa khỏi không? Nếu không khỏi thì để tôi chết. Chứ bán hết ruộng vườn trị bệnh mà cũng không khỏi thì vợ con khổ'.

Tôi hận cái nghèo - Ảnh 1.

Câu hỏi ấy của ba đã làm thay đổi đời tôi!

Nếu có tiền thì cho dù ba tôi không khỏi bệnh, nhưng ít ra cũng kéo dài được sự sống.

Đinh Thị Thu Điểm

Ba bệnh mà nhà quá nghèo!

Ba tôi là cựu chiến binh. Tàn cuộc đạn bom, hành trang ba mang về cho mẹ là mảnh đạn nhỏ nằm trong phổi. Không biết có phải vì mảnh đạn ấy hay vì ba tôi lao lực quá sức mà ba bị hen suyễn rồi viêm phế quản mãn tính.

Một đêm nọ, ba tôi đổ bệnh nặng, phải nhập viện. Năm ấy tôi học lớp 6, ba tôi 53 tuổi. Đường sá đi lại khó khăn, cả xóm quê nghèo ở Đồng Tháp chỉ một nhà có xe máy. 12h khuya, ba tôi lên cơn hen suyễn, mệt ngồi không được, nằm cũng không xong. Mẹ sai tôi chạy ra nhà chú có xe để nhờ chú vào chở ba tôi đi nhập viện.

Từ nhà tôi ra nhà chú khoảng 200m, nhưng đêm hôm khuya khoắt, đường quê vắng lạnh, ếch nhái ộp oạp. Còn có cả tiếng cú lanh lảnh nghe sởn gai óc. Tôi sợ lắm nhưng cũng phải đi vì mẹ và chị phải ở nhà chuẩn bị vật dụng thiết yếu cho ba mang theo...

Rồi ba cũng được Bệnh viện Sa Đéc cho về. Nghe mẹ kể ba tôi có hỏi bác sĩ là nếu đi Sài Gòn không chữa khỏi thì thôi để ba chết, chứ bán hết ruộng vườn thì vợ con khốn khổ.

Tôi cũng không rõ bác sĩ trả lời thế nào, nhưng ba tôi đã không đi Sài Gòn chữa bệnh mà chỉ nằm ở bệnh viện địa phương rồi về. Hễ khi nào ba mệt quá thì nhập viện thở oxy, uống thuốc rồi lại về. 

Tôi sốc khi biết ba nói những lời như vậy, tôi thấy ba vĩ đại quá! Đứng sát ranh giới cái chết mà ba còn nghĩ cho mẹ con tôi, sợ mẹ con tôi khổ. Tôi thấy mình cần làm cái gì đó để cứu ba. Nhưng làm gì bây giờ?

Những ngày tháng cuối đời của ba gắn liền với chiếc ghế bố. Ba thường hay mệt nên chỉ ở nhà vừa trông nhà cửa vừa xem tivi cho đỡ buồn. Ngoài chiếc tivi cũ kỹ mà ba mua lại của người cô, hình như nhà tôi không có gì đáng giá.

Hằng ngày, đi học về, ngoài lo cơm nước phụ mẹ, tôi cũng ra đồng để giúp mẹ việc đồng áng. Cực nhất là dọn đất sạ lúa vụ đông xuân. Thời điểm nước lũ thường nông dân bỏ đất trống, cho nước vào ruộng lấy phù sa. Khi vào mùa vụ phải dọn cỏ, sửa sang lại bờ đê, đánh đường nước, cắm gò...

Sức phụ nữ nên mẹ con tôi không thể nào làm lúa trúng được như những nhà khác. Làm vườn cũng vậy, nhà tôi trồng xoài nhưng năm nào được mùa trái nhiều thì năm đó giá rẻ như bèo. Mẹ tôi phải đội đi cho hàng xóm ăn lấy thảo. Năm nào trái mùa, giá cao thì vườn nhà tôi lại ít trái.

Nhà tôi làm lúa chỉ đủ ăn, cây trái thì có để cho chúng tôi ăn khỏi phải tốn tiền mua chợ. Cả nhà tôi bốn người sống chủ yếu vào đồng lương 400.000 đồng mỗi tháng của chị tôi và lương thương binh của ba tôi được 95.000 đồng.

Ấy thế mà chai thuốc ba tôi đã mua hết 65.000 đồng. Mới đầu, chai thuốc ba uống được 2-3 tháng, nhưng dần chỉ được một tuần vì tần suất mệt của ba ngày càng nhiều hơn.

Khát khao đổi đời vì ba

Chưa bao giờ tôi căm thù cái nghèo như vậy. Vì nghèo đói mà người ta phải bươn chải tìm cái ăn, bất chấp sức khỏe, rồi vì sức khỏe không có lại tiếp tục cái nghèo lẩn quẩn.

Nhưng làm gì để có tiền bây giờ? Ở quê tôi thời đó công việc chân tay cũng chẳng có bao nhiêu tiền, và cũng chẳng ai có tiền để thuê ai. Khi đó, tôi nghĩ chỉ có con đường học vấn là cứu cánh. Quyết tâm đổi đời hừng hực trong tôi. Tôi phải học thật tốt để có tiền chữa bệnh cho ba.

Cuối cùng, trời không phụ lòng người. Tôi đậu ĐH Ngoại ngữ - Trường ĐH Đồng Tháp khóa 2007-2011. Nhưng ba không đợi tôi được! Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển là ngày "làm thất" đầu tiên của ba!

Cầm giấy báo trúng tuyển ĐH, nước mắt tôi trào ra. Đốt cho ba nén nhang, tôi báo cho ba biết kết quả qua khói hương nghi ngút. Tôi vẫn chưa kịp giúp gì được cho ba. Mẹ tôi thì vừa mừng vừa lo vì bốn năm ĐH của tôi chưa biết phải trang trải chi phí thế nào?

Tôi lại càng hận cái nghèo. Tôi quyết tâm phải học và phải giàu có. Nếu không giúp ích được cho đời thì ít ra cũng chăm được mẹ già lúc cuối đời. Hay ít ra cuộc sống con cái tôi sau này cũng tốt hơn.

Rồi những năm tháng túng quẫn cũng qua đi. Tôi tốt nghiệp ĐH, có việc làm ổn định, không giàu có hơn ai nhưng cũng đủ trang trải chi phí gia đình và lo mẹ già được no ấm cuối đời.

Không quên những ngày tháng cơ cực của gia đình, hằng năm tôi vẫn có những suất học bổng cho các em nhà nghèo hiếu học ở địa phương mình và hỗ trợ nhà chùa nuôi các trẻ mồ côi. Hay những ai có hoàn cảnh khó khăn cần giúp thì tôi đều hỗ trợ dù không thể được nhiều. Bởi mỗi khi trông thấy những cảnh khổ như vậy, tôi lại thấy hình ảnh của ba mẹ và chị em tôi ngày trước.

Mỗi năm đến ngày giỗ ba, tôi đều thắp nhang lên bàn thờ và lại xúc động nhớ ba đã chọn không đi chữa bệnh vì mẹ con tôi. Bây giờ, chắc tôi đã làm cho ba vui lòng ở nơi nào đó…

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Ngày ấy, ba đã sinh tôi ra lần nữa Ngày ấy, ba đã sinh tôi ra lần nữa

TTO - Tôi là đứa trẻ ham chơi. Sau giờ làm, ba vẫn thường đạp xe đi tìm vì tôi trốn học theo tụi con trai đi chơi. Một lần, tôi lao vào đánh nhau với thằng San làm nó chảy máu...

ĐINH THỊ THU ĐIỂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên