Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã ngưng thu phí từ tháng 12-2017 cho đến nay - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ngoài việc lo khoản tiền hỗ trợ, Bộ GTVT còn phải đàm phán với nhà đầu tư BOT và ngân hàng cho các dự án vay vốn vì lùi thời hạn tăng phí. Vì sao có tình trạng này?
Đã khó càng thêm khốn bởi COVID-19
Đến nay Bộ GTVT đang quản lý 61 dự án BOT, trong đó có 1 dự án đang xây dựng, 60 dự án đang khai thác.
Tuy nhiên đến hết năm 2019 có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong số 57 dự án BOT kể trên, trong năm 2018 có 27 dự án doanh thu tăng, 26 dự án doanh thu giảm so với hợp đồng.
Dữ liệu: TUẤN PHÙNG - Đồ họa: TUẤN ANH
Nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án BOT giảm doanh thu được nêu ra gồm: giảm giá vé cho các xe ở lân cận trạm thu phí, giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết số 35 ban hành năm 2016, sự gia tăng các xe sử dụng vé tháng/quý/năm, lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo.
Ngoài ra, các dự án BOT chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô cũng được Bộ GTVT đánh giá là nguyên nhân đặc biệt.
"Các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch và các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đầu tư BOT" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Tuy nhiên, khi khó khăn trên chưa được giải quyết, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 làm các doanh nghiệp BOT thêm khốn đốn do lượng xe giảm mạnh, doanh thu teo tóp.
Theo thống kê, đến hết ngày 22-4, có tới 58 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự toán, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%.
Do trạm thu phí trên quốc lộ 3 thuộc dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới chưa được thu phí nên dự án chỉ đạt 10% doanh thu - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Cam kết của Nhà nước chưa thành
Sở dĩ Bộ GTVT nhấn mạnh về nguyên nhân các dự án BOT chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT vì theo thông tư 159 của Bộ Tài chính, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm/lần, mức tăng từ 12-18% tùy theo phương án tài chính.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết 35, các dự án BOT chưa tăng phí và giãn thời gian thực hiện thu mức phí tối đa, do vậy, đến nay các dự án BOT chưa được tăng phí theo lộ trình đã ghi trong hợp đồng.
Theo ông Muôn Văn Chiến - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng FCC, nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP Phủ Lý, Hà Nam, trạm thu phí Nam Cầu Giẽ của dự án được thu phí hoàn vốn từ 24-11-2016 nhưng doanh thu của dự án chỉ xấp xỉ 50%, rất khó khăn khi trả nợ, lãi ngân hàng.
Hằng tháng, nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bảo trì tuyến đường và vận hành thu phí. Tháng 2-2020, công ty kiến nghị Bộ GTVT cho tăng phí tại trạm thu phí Nam Cầu Giẽ theo đúng hợp đồng nhưng cũng chưa được chấp thuận.
Tương tự, dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng thuộc quốc lộ 39 nối tỉnh Hà Nam với Thái Bình thu phí từ 3-2-2019 tới nay có doanh thu trung bình 76 triệu đồng/ngày đêm, đạt 15,91% phương án tài chính.
Phí thu thấp, nguyên nhân chính, theo nhà đầu tư cầu Thái Hà, phần lớn xe tải, xe container chọn đi qua cầu Hưng Hà vượt sông Hồng cách cầu Thái Hà hơn 5km. Cầu Hưng Hà được đầu tư bằng vốn ODA nên không thu phí, thông xe từ ngày 26-1-2019.
Trong khi đó, nhà đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới lâm vào cảnh doanh thu không đủ trả nợ từ tháng 1-2018 đến nay và doanh thu không đủ trả lãi vay ngân hàng.
Lý do là hợp đồng của dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 cho phép nhà đầu tư được thu phí tại 2 trạm trên tuyến đường làm mới Thái Nguyên - Chợ Mới và 1 trạm trên quốc lộ 3 được nâng cấp (2 tuyến song song với nhau) nhưng do phản ứng của người dân, nhà đầu tư chỉ được thu phí tại trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới.
Nhà đầu tư từng đưa ra phương án Nhà nước mua lại dự án nhưng đến nay vẫn phải lay lắt.
Tiền đâu trả nợ ngân hàng!
Bộ GTVT nhận định trong khi nhiều dự án đã hụt doanh thu thì dịch COVID-19 đã làm gia tăng khoảng cách giữa doanh thu thực tế với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hầu hết các hợp đồng BOT, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Việc này dẫn đến các doanh nghiệp BOT rất khó khăn và không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì cầu đường dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống tín dụng.
Cả nước đang khó, không thể tăng phí
Trước tình hình trên, các nhà đầu tư dự án BOT đã kiến nghị Bộ GTVT được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển sang nhóm nợ xấu; miễn giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1-2-2020 đến hết ngày Việt Nam công bố hết dịch, cộng thêm 3 tháng; giảm lãi suất vay cho các dự án BOT từ 2-3% so với lãi suất vay 10-11%/năm.
Đặc biệt các nhà đầu tư BOT kiến nghị bố trí ngân sách nhà nước để bù đắp phần doanh thu sụt giảm khi doanh nghiệp BOT thực hiện chưa tăng phí theo các chỉ đạo của Chính phủ; xem xét trưng mua một phần hoặc toàn bộ đối với các dự án có trạm thu phí chưa được tổ chức thu phí do không đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài giảm thuế, cơ cấu lại nợ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho tăng phí BOT theo hợp đồng đã ký, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Thực hiện phương án này Nhà nước không phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án BOT nếu các dự án chỉ được tăng phí từ năm 2022. Bộ cũng đề xuất được cho thu xếp nguồn để hỗ trợ dự án có doanh thu giảm trên 50% so với phương án tài chính và dự án chưa được thu phí. Cần thiết sẽ trưng mua lại dự án bằng vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường ĐH Giao thông vận tải):
Mua lại dự án từ tiền bán quyền thu phí cao tốc
PGS.TS Nguyễn Quang Toản
Thời gian qua, nhiều dự án BOT giao thông không được tăng phí theo lộ trình theo hợp đồng đã ký mà còn phải giảm phí cho xe trong khu trạm thu phí hoặc xe tải nặng. Bộ GTVT phải đề xuất tăng phí theo đúng cam kết, nếu không sẽ vi phạm hợp đồng, kéo theo khó khăn của nhà đầu tư BOT và ngân hàng.
Hiện giá xăng đang giảm 50%, nếu tăng phí BOT 10% dù chưa ảnh hưởng tới giá thành vận tải nhưng sau này giá xăng dầu tăng lại sẽ khó cho sản xuất kinh doanh. Do vậy, về lâu dài Nhà nước bù 5.000 tỉ đồng rồi đến năm 2022 tăng phí cũng là một phương án. Nếu không cho tăng phí cũng không bù doanh thu sẽ tạo áp lực rất lớn nên các nhà đầu tư BOT và ngân hàng.
Về đề xuất mua lại, nếu có tiền, phương án đẹp nhất là Nhà nước mua lại các dự án bị người dân phản ứng, nhiều năm nay chưa được thu phí hoặc thu phí chưa đầy đủ như BOT Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới. Tiền đâu để mua? Sau khi xây dựng 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam bằng vốn ngân sách, Nhà nước bán quyền thu phí các tuyến cao tốc này để lấy tiền mua lại toàn bộ hoặc một phần giá trị đầu tư của các dự án BOT quốc lộ gặp khó khăn.
Ông Phạm Quang Dũng (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, nhà đầu tư nhiều dự án BOT giao thông):
Mong được tăng phí ngay
Ông Phạm Quang Dũng
Việc tăng phí theo lộ trình là theo quy định của hợp đồng BOT giữa nhà đầu tư với Nhà nước, nhưng thời gian qua do không được tăng phí theo lộ trình nên nhiều nhà đầu tư "liêu xiêu". Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng khiến doanh thu giảm, rồi dịch COVID-19 bồi thêm khiến doanh thu qua trạm giảm. Nếu được tăng phí ngay, nhà đầu tư BOT không phải đàm phán với ngân hàng để cơ cấu lại nợ. Còn chờ đến năm 2022 mới tăng phí, trước mắt được Nhà nước bù đắp doanh thu, chắc chắn nhiều nhà đầu tư không cầm cự được vì hiện đã rất khó khăn.
Đề xuất Nhà nước mua lại các dự án BOT khó khăn không thu phí được cũng là giải pháp, nhưng điều quan trọng là Nhà nước phải thu xếp vốn...
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh (tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4, nhà đầu tư dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3):
Bán ngay, nếu Nhà nước mua lại dự án
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh
Đề xuất của Bộ GTVT là đúng nguyện vọng của các nhà đầu tư BOT và tình hình thực tế. Theo hợp đồng BOT, sau 3 năm các dự án được tăng phí, nhưng có dự án khai thác từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được tăng trong khi theo hợp đồng qua thời gian này đã phải tăng phí lần 2 rồi. Nhà đầu tư đang cần Chính phủ cho tăng phí để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Nếu để đến năm 2022, nhiều dự án BOT sẽ phá sản, ngân hàng gánh nợ xấu.
Với dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới, hợp đồng cho thu phí 2 trạm nhưng hiện chỉ thu được 1 trạm từ đầu năm 2018 đến nay nên doanh thu chỉ được 10%, không đủ trả nợ, lãi và chi phí khai thác. Nếu Nhà nước mua lại được dự án này, chúng tôi sẵn sàng bán lại theo giá trị tài sản đã đầu tư, không cần lợi nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận