09/07/2019 10:11 GMT+7

Tổng cục Đường bộ ra 'tối hậu thư' sẽ tạm dừng thu phí từ 18h ngày 10-7 với 4 dự án BOT

TUẤN PHÙNG - ĐỨC PHÚ
TUẤN PHÙNG - ĐỨC PHÚ

TTO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ra 'tối hậu thư' sẽ tạm dừng thu phí kể từ 18h ngày 10-7 với 4 dự án BOT giao thông nếu nhà đầu tư dự án chưa ký phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí tự động không dừng.

Tổng cục Đường bộ ra tối hậu thư sẽ tạm dừng thu phí từ 18h ngày 10-7 với 4 dự án BOT - Ảnh 1.

Trạm thu phí Bắc Hải Vân - Phước Tượng - Phú Gia chưa thu phí không dừng - Ảnh: NHẬT LINH

Chủ trương thực hiện thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015. 

Quốc hội chỉ đạo thực hiện trong nghị quyết về BOT, Thủ tướng ra quyết định về thực hiện vào năm 2017.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31-12-2019 các trạm thu phí trên toàn quốc phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC.

Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ ký phụ lục hợp đồng trước ngày 10-7-2019 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

40 trạm đã làm và đồng ý làm, 3 nhà đầu tư chưa

Theo thống kê của Bộ GTVT, đến nay đã có 28 trạm thực hiện ETC với 115 làn, đã vận hành thương mại 27 trạm với 111 làn, đang vận hành thử nghiệm 4 làn. 

Theo bộ, ngày 5-7 vừa qua các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng với bộ để thực hiện ETC.

Tính đến ngày 7-7, còn 4 nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT và bị Tổng cục Đường bộ ra "tối hậu thư" tạm dừng thu phí từ 18h ngày 10-7: Công ty cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân), Công ty TNHH đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh (trạm Cam Thịnh), Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai (trạm km1610+800 và trạm km1667+470), Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp).

Đến cuối ngày 8-7, Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai đã đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng về việc triển khai ETC tại 2 trạm thu phí kể trên.

Tổng cục Đường bộ ra tối hậu thư sẽ tạm dừng thu phí từ 18h ngày 10-7 với 4 dự án BOT - Ảnh 3.

Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp cũng chưa thu phí không dừng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Khúc mắc là phí dịch vụ tăng?

Khúc mắc lớn nhất mà các nhà đầu tư BOT cho rằng chưa "thông" là mức chi phí phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, được trích từ doanh thu thu phí.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Đối tác công - tư Bộ GTVT cho biết trước đây Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng đồng ý sử dụng tiền từ chi phí quản lý thu phí (7-9% doanh thu mỗi dự án BOT) mà nhà đầu tư BOT được hưởng để trích trả cho nhà cung cấp dịch vụ ETC. 

Theo đó, nhà đầu tư BOT ký hợp đồng với nhà cung cấp ETC theo thỏa thuận trích khoảng 50% chi phí quản lý thu phí tính theo làn ETC. Lúc đó, mỗi trạm BOT chỉ lắp thí điểm 2 làn ETC nên chi phí trả cho nhà cung cấp ETC ít. 

Do đó, nhà cung cấp ETC không hoàn được vốn đầu tư khiến ngân hàng không cho vay vốn thực hiện dự án ETC.

Trước vấn đề này, ngân hàng và nhà đầu tư ETC kiến nghị Bộ GTVT xin Thủ tướng cho cơ chế tách riêng chi phí quản lý ETC và chi phí giám sát của nhà đầu tư BOT độc lập. 

Thủ tướng chấp thuận phương án này nên Bộ GTVT tính lại phương án mức phí quản lý ETC không vượt quá mức trích lại cho tổ chức thu phí của nhà đầu tư BOT. 

Bên cạnh đó có thêm chi phí giám sát dự án BOT. Hai khoản chi phí này làm tỉ lệ trả cho nhà đầu tư ETC cao hơn phương án trước đây khiến thay đổi phương án tài chính của dự án BOT. 

Do đó, Bộ GTVT phải ký lại phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư BOT, nhưng các nhà đầu tư BOT bảo trước đây đã ký rồi nên không ký lại phụ lục nữa.

"Tuy nhiên, theo quyết định 07 của Thủ tướng, nhà đầu tư BOT phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp ETC thực hiện thu phí. Lúc đó nhà đầu tư BOT không phải trả chi phí nhân công, quản lý, giám sát hoạt động của trạm nữa vì đã có nhà đầu tư ETC thực hiện thu phí" - vị này cho biết.

Ngày 7-7, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho biết đã nhận được các kiến nghị của nhà đầu tư BOT sau khi nghe thông tin sẽ bị tạm dừng thu phí vì chậm trễ ký kết việc thực hiện ETC. 

Hiệp hội cho rằng việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và ấn định tỉ lệ phần trăm doanh thu phải trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ này là chưa rõ ràng, làm phát sinh thời gian thu phí dự án.

Còn tài sản trạm thu phí đã thế chấp cho ngân hàng tài trợ vốn BOT, lúc triển khai thu phí không dừng phải bàn giao cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC quản lý vận hành là chưa đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. 

Hơn nữa, nhà cung cấp dịch vụ ETC cũng chưa giải quyết được các nút thắt về công nghệ, về dòng tiền mà chủ phương tiện nộp vào tài khoản.

Tổng cục Đường bộ ra tối hậu thư sẽ tạm dừng thu phí từ 18h ngày 10-7 với 4 dự án BOT - Ảnh 4.

Đồ họa: T.ĐẠT

Nhà đầu tư cần vì lợi ích chung, thể hiện minh bạch

Cuối tháng 6-2019, Bộ GTVT đã ra văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT chủ động đàm phán với Tổng cục Đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ ETC để thống nhất ký hợp đồng triển khai dịch vụ ETC giai đoạn 1 với các trạm thu phí quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước ngày 5-7-2019. 

Việc đàm phán, ký kết hợp đồng dựa trên cơ sở mẫu phụ lục hợp đồng về việc triển khai dịch vụ ETC đã được Bộ GTVT thông qua.

Sáng 8-7, Bộ GTVT đã có cuộc làm việc với các nhà đầu tư BOT để nghe kiến nghị trong việc đàm phán phụ lục hợp đồng nhằm triển khai ETC. 

Mấu chốt vấn đề mà các nhà đầu tư đưa ra vẫn là trước đây họ đã ký phụ lục hợp đồng để nhà cung cấp ETC thực hiện thu phí tự động với mức phí đã được hai bên thống nhất. 

Tuy nhiên, mức tăng tỉ lệ trích từ doanh thu trả cho nhà cung cấp dịch vụ ETC cao hơn khiến họ muốn làm rõ để tiếp tục ký phụ lục hợp đồng mới.

Sau khi nghe kiến nghị của các nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thống nhất tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, tiếp thu kiến nghị của nhà đầu tư về một số vấn đề mà nhà đầu tư cho là vướng mắc. 

Trong đó có tỉ lệ trích lại từ doanh thu BOT cho nhà cung cấp dịch vụ ETC hài hòa lợi ích các bên. Đồng thời ông Thọ đề nghị Tổng cục Đường bộ rút lại thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT.

"Việc thu phí tự động là vấn đề mới, vừa làm vừa xây dựng quy định do trước đây chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng. 

Do vậy, Bộ GTVT sẽ tôn trọng ý kiến các nhà đầu tư BOT để hài hòa lợi ích các bên. 

Tuy nhiên, việc thu phí tự động là chủ trương lớn được Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu thực hiện. Các nhà đầu tư BOT cần hợp tác vì lợi ích chung, thể hiện sự minh bạch trong thu phí BOT" - ông Thọ trả lời Tuổi Trẻ.

Ông Thọ nói thêm: "Thực tế đã có 40 trạm của giai đoạn 1 thực hiện và đồng ý thực hiện nên việc các nhà đầu tư còn lại chưa đồng thuận cũng dễ khiến người dân thắc mắc".

Người dân muốn minh bạch

Chi phí đầu tư hệ thống và trích doanh thu trả phí cho nhà cung cấp ETC sẽ kéo dài thời gian mấy tháng thu phí. Nhưng việc này nhằm giám sát minh bạch thu phí, người dân sẽ đồng thuận.

Việc kéo dài thời gian thu phí có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư BOT đàm phán với ngân hàng về việc trả nợ ngân hàng nhưng thời gian tăng thêm không nhiều và đây là giải pháp tích cực để minh bạch thu phí.

Người dân muốn minh bạch, nhà đầu tư BOT khẳng định mình minh bạch thì đàm phán ký phụ lục hợp đồng để thực hiện, chứ mỗi nhà đầu tư đàm phán mấy chục lần với Bộ GTVT mà không thống nhất thì không biết bao giờ triển khai được.

Nhiều người dân đặt câu hỏi với chúng tôi là tại sao hầu hết trạm thu phí đồng ý thu phí tự động rồi nhưng còn 3 nhà đầu tư chưa thực hiện?

Nếu việc đàm phán kéo dài sẽ chậm tiến độ hoàn thành thu phí ETC như Thủ tướng yêu cầu trong khi chỉ còn 6 tháng.

Tổng cục ra thời hạn tạm dừng thu phí theo chỉ đạo của bộ, nếu bộ chỉ đạo rút lại việc ra thời hạn tạm dừng thu phí thì tổng cục sẽ thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Huyện (tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ)

Vì lợi ích chung, giải quyết vướng mắc

Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Phải làm vì lợi ích chung

Hiệp hội chúng tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng nhằm tiến tới sự minh bạch quá trình thu phí hoàn vốn cho các dự án giao thông.

Tuy nhiên, với những vướng mắc còn tồn tại, cơ quan nhà nước phải vào cuộc xem xét nguyên nhân vì sao một số ít nhà đầu tư BOT chưa muốn thực hiện việc thu phí tự động không dừng.

Từ đó, việc đàm phán phải được triển khai nhanh chứ không thể viện một vài lý do mà trì hoãn lợi ích chung mãi được.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (phó trưởng khoa vận tải - kinh tế, ĐH GTVT):

Cho phép nhiều nhà cung cấp ETC

Việc buộc nhà đầu tư BOT phải thông qua Bộ GTVT đàm phán việc thực hiện ETC khiến họ cảm thấy không được tôn trọng về hợp đồng đã ký.

Ngoài nhà cung cấp ETC hiện nay, có thể cho phép những nhà cung cấp khác tham gia để nhà đầu tư BOT có thêm sự lựa chọn, miễn là đảm bảo tiêu chuẩn chung.

Và có bao nhiêu nhà cung cấp ETC cũng phải có một tài khoản chung rồi thực hiện giao dịch qua trung tâm thanh toán bù trừ.

Nếu việc công bố tiêu chuẩn, phạm vi thực hiện sớm thì nhà đầu tư BOT sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn so với một nhà cung cấp ETC giai đoạn 1 và một liên danh cung cấp ETC giai đoạn 2. Nhà đầu tư BOT sẽ cảm thấy đỡ khó khăn trong việc chọn nhà cung cấp dịch vụ hơn.

Bây giờ khi chỉ có 1 nhà cung cấp dịch vụ ETC, Bộ GTVT cần để nhà đầu tư BOT chủ động đàm phán với nhà cung cấp ETC trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện mà Bộ GTVT đưa ra sẽ hợp lý hơn. Quản lý nhà nước chỉ đưa ra khung tiêu chuẩn và điều kiện rồi giám sát việc thực hiện.

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Công nghệ tốt cứ triển khai nhưng phải hài hòa các bên

Để triển khai đồng bộ thu phí tự động, cơ quan quản lý nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ hai điều kiện.

Thứ nhất, rà soát các quy định pháp luật, xem trước đây mình ký hợp đồng với doanh nghiệp quy định những điều kiện gì. Giờ muốn sửa đổi, các bên phải tiến hành thương thảo trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan và đúng quy định pháp luật.

Điều kiện thứ 2, các bộ ngành phải xem xét xem công nghệ đã đáp ứng đầy đủ chưa, tránh tình trạng đưa vào sử dụng lại chập chờn làm ảnh hưởng đến người dân.

Đ.PHÚ - T.PHÙNG ghi

Thăm dò ý kiến

Dự kiến trong năm nay các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ thực hiện việc thu phí tự động không dừng. Ý kiến của bạn đối với hình thức thu phí này?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tạm dừng 4 dự án BOT giao thông nếu không triển khai thu phí tự động Tạm dừng 4 dự án BOT giao thông nếu không triển khai thu phí tự động

TTO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra thời hạn sẽ tạm dừng thu phí kể từ 18h ngày 10-7 với 4 dự án BOT giao thông nếu nhà đầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động.

TUẤN PHÙNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên