Những người dân Đồng Tháp được gọi lên đường trở về, còn người dân các tỉnh vẫn phải tiếp tục trở lại chờ quê nhà của họ có chủ trương đón nhận - Ảnh: SƠN LÂM
Trước đó từ ngày 22-9, Long An ghi nhận nhiều trường hợp là người dân thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang đi theo tuyến quốc lộ N2 qua địa bàn huyện Tân Thạnh để về quê.
Tuy nhiên, do các tỉnh chưa có phương án đưa người dân về, những người này bị kẹt lại tại khu vực huyện Tân Thạnh giáp ranh tỉnh Đồng Tháp.
Ông Hà Thanh Chì - phó chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, Long An - cho biết những người này đã được tiêm vắc xin nên được huyện bố trí cho ở tạm tại Trường THPT Tân Thạnh để theo dõi, quản lý, tránh đi lại gây khó cho công tác phòng dịch COVID-19.
Huyện cũng cung cấp thức ăn, nước uống, chăm sóc sức khỏe và thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng đã có văn bản gửi các tỉnh có người dân đang "mắc kẹt" tại đây để thống nhất việc đưa đón, tạo điều kiện cho những người này về quê trong thời gian từ ngày 24-9 đến ngày 26-9.
Tuy nhiên trong ngày 24-9, chỉ có phía tỉnh Đồng Tháp thống nhất, thỏa thuận cùng Long An phương án đưa người dân về.
CSGT tỉnh Đồng Tháp sang phối hợp dẫn người dân quê mình từ Long An trở về - Ảnh: SƠN LÂM
102 người dân Đồng Tháp đã được đoàn chức năng của Long An phối hợp với Đồng Tháp dẫn đường, cho phép họ trở về quê ngay trong chiều 24-9.
Hiện tại vẫn còn hơn 50 người, đa số là người dân tỉnh An Giang, vẫn phải tiếp tục ở lại "tá túc" tạm trong Trường THPT Tân Thạnh để chờ quê nhà có chủ trương đón nhận.
Ông Chì cho biết những người này vẫn sẽ tiếp tục được huyện Tân Thạnh chăm sóc, bảo đảm lương thực cho đến khi họ được các tỉnh tiếp nhận.
Đây hầu hết đều là những người lao động, công nhân đã trải qua những ngày dài giãn cách không có việc làm, muốn được trở về quê nhà để tìm phương kế mới.
Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục đón công dân từ miền Nam về quê
Người dân quê Nghệ An làm thủ tục về quê trên chuyến bay hỗ trợ của tỉnh - Ảnh: DOÃN HÒA
Chiều 24-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vi Ngọc Quỳnh - phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An - cho biết sở này vừa nhận được đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phối hợp tổ chức đón công dân Nghệ An từ Đồng Nai có nguyện vọng trở về quê.
Ngoài Đồng Nai, Nghệ An cũng nhận được đề nghị tương tự của các tỉnh thành Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Phúc đáp vấn đề này, tỉnh Nghệ An yêu cầu các ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch lịch trình, thời gian, phương tiện để đón công dân về.
Trước mắt, Nghệ An đề nghị các tỉnh hỗ trợ đưa công dân tỉnh Nghệ An về quê và bàn giao tại cầu Bến Thủy 2, huyện Hưng Nguyên. Từ điểm trung chuyển này, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm, đưa xe đón về khu cách ly theo quy định.
"Nhóm công dân muốn về quê chủ yếu là công nhân, người lao động mất việc làm nhiều tháng qua. Do yêu cầu ai ở đâu thì ở yên đó, họ bị mắc kẹt lại khi đi qua các chốt và được đưa tới khu cách ly. Tỉnh sẽ có phương án rà soát để đưa bà con về nhằm kiểm soát dịch bệnh, bà con không nên về tự do", ông Quỳnh nói.
Đầu tháng 8-2021, tỉnh Nghệ An đã tổ chức 8 chuyến bay "0 đồng" đưa hơn 1.600 người dân, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người mắc bệnh… từ các tỉnh phía Nam trở về quê cách ly. Ngoài ra, còn có 2 chuyến bay thương mại, chi phí gần 9 triệu đồng/người từ TP.HCM về cách ly.
Nghệ An cũng hỗ trợ 2.000 người dân Nghệ An ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 với mức 1 triệu đồng/hộ (tổng số gần 2 tỉ đồng) từ nguồn kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Tính đến sáng 24-9, Nghệ An có 1.696/1.813 bệnh nhân COVID-19 xuất viện. 21 địa phương trong tỉnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới theo chỉ thị 19.
Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát (cuối tháng 4-2021) tới nay, đã có khoảng 78.000 người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trở về quê. Trong đó, gần 20.000 người trong độ tuổi lao động bị mất, giãn việc do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An khảo sát 84 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trên 29.000 vị trí việc làm mới, trong đó 57 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 15.300 lao động, mức lương từ 6-12 triệu đồng.
Người lao động về quê qua chốt kiểm soát Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Hà Tĩnh ưu tiên đón thai phụ về quê sinh con
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đề nghị UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cho phép tỉnh Hà Tĩnh và Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM tổ chức đón các công dân về quê trên một chuyến bay, dự kiến vào cuối tháng 9-2021.
Hội đồng hương tỉnh Hà Tĩnh tại TP.HCM chủ trì rà soát, lập danh sách công dân (trong đó ưu tiên phụ nữ mang thai từ 30 đến 36 tuần) theo chủ trương đã thống nhất với tỉnh để triển khai các thủ tục đưa công dân về quê theo kế hoạch. Tất cả công dân về đợt này đều được miễn phí.
Đầu mối liên hệ: ông Nguyễn Phi Dần - phó chủ tịch phụ trách Hội đồng hương tỉnh Hà Tĩnh tại TP.HCM - 0919.276.789 và ông Lương Trí Độ - 0983.579.789.
Đến nay, Hà Tĩnh đã tổ chức 5 chuyến bay và 1 chuyến tàu hỏa đón gần 2.000 công dân về quê miễn phí.
Từ ngày 4-6 đến nay, Hà Tĩnh có 437/451 ca COVID-19 khỏi bệnh. Gần 20 ngày qua, Hà Tĩnh không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận