Kỳ 1: “Nhắn ai xin giữ câu nguyền...” Kỳ 2: Tấm bia tưởng niệm ở Vĩnh Hiền Kỳ 3: 4 anh em lưu lạc trên đất Bắc
Cầu Hiền Lương bị máy bay Mỹ đánh sập năm 1967 Ảnh tư liệu |
Nó là chứng nhân của đoạn trường chia cắt đất nước và là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông đằng đẵng suốt 20 năm trời.
Lai lịch chiếc cầu đặc biệt
Sau mấy lần gặp cửa Tùng Hiền Lương, Nguyễn Tuân có hai bài ký đặc sắc. Ông còn đủ sức ngược sông Bến Hải ôn chuyện mười năm về trước để viết Cắm cột mốc giới tuyến. Ông coi đây là câu chuyện đầy buồn giận, chạc đa củ trối, vô lý cắt đôi một thể sống động là nước VN. Giọng văn của bài ký vừa dấm dẳn vừa bực bội, Nguyễn Tuân xào xới chi li đến gốc rễ của số phận trớ trêu, oan ức mà lịch sử đã dành cho sông Bến Hải. Một dòng sông nhỏ nhắn, thùy mị bỗng trở nên dòng nước phân chia, ngăn cách, một dòng sông như Nguyễn Tuân nói “không có đủ hai bờ”. PXV |
Tuy nổi tiếng như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu nhiều về lịch sử chiếc cầu Hiền Lương, ngay cả với người dân gắn bó nơi đây. Mới đây chúng tôi hỏi chuyện anh Lê Văn Hòa ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh về chiếc cầu này, anh đáp vắn tắt: “Cũng có biết ngày xưa ông bà mình làm chiếc cầu này bằng gỗ, sau Pháp xây lại to hơn. Sau ngày nước mình thống nhất thì làm lại cầu như bây giờ”.
Nhưng lai lịch chiếc cầu này không hề đơn giản như đôi lời vừa nói.
Cầu Hiền Lương ra đời vào năm 1928. Trước đó muốn qua lại sông Bến Hải người ta chỉ có một cách là đi đò. Khi quyết định làm cầu, phủ Vĩnh Linh lúc ấy đã huy động người dân xây dựng.
Chiếc cầu rộng 2m, đóng bằng cọc sắt, chỉ dành cho người đi bộ, còn nếu đi bằng xe bò, xe ngựa hoặc ôtô phải qua phà.
Chiếc cầu tuy thô sơ nhưng đã đánh dấu một cột mốc lớn vào lịch sử giao thông Quảng Trị. Năm 1931 cầu được mở rộng hơn nhưng cũng vẫn chỉ dành cho người đi bộ.
Năm 1943 người Pháp cho nâng cấp chiếc cầu loại xe nhỏ có thể qua lại được. Trước nhu cầu giao thông vận tải (GTVT) ngày càng lớn, người Pháp quyết định xây dựng chiếc cầu này bằng bêtông cốt thép trên đoạn huyết mạch của con đường thiên lý Bắc - Nam vào năm 1950.
Đặc biệt ý đồ của họ là muốn phục vụ mục đích quân sự ở chiến trường Trị Thiên bởi lúc này cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn ác liệt. Cầu dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Nhưng chỉ hai năm sau chiếc cầu bị Việt Minh đánh sập.
Tháng 5-1952 người Pháp lại xây cầu này hoành tráng hơn với chiều dài 178m, rộng 4m, trọng tải 18 tấn. Cầu được chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m.
Sau Hiệp định Genève, cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời, nhưng thay vì hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì thời gian phải gấp mười lần như thế, đến năm 1973 chiếc cầu mới trở lại đúng vai trò của nó khi nối liền Bắc - Nam.
Cũng phải nói thêm rằng năm 1967 bom Mỹ đánh sập cầu này. Đến năm 1975 giang sơn thống nhất Nam - Bắc một nhà thì nỗi đau chia cắt không còn nghẹn lại ở mỗi đầu cầu. Năm 1996 trước tình hình chiếc cầu cũ ngày càng xuống cấp, Bộ GTVT quyết định xây dựng lại chiếc cầu mới nằm về phía tây chiếc cầu cũ.
Phục dựng cây cầu di tích này cũng nhiều chuyện để nói. Khi Bộ GTVT quyết định xây cầu mới, chiếc cầu cũ xây năm 1974 đứng trước một cuộc đấu tranh quyết liệt: giữ lại làm di tích hay phá đi và phục dựng một cây cầu y hệt cây cầu chứng tích của thập niên 1950-1960? Nhiều người bảo: Phục dựng y như cây cầu cũ hồi năm 1954 chắc gì tìm ra được các dầm thép nguyên bản?
Trong khi cây cầu xây năm 1974 vẫn mang ý nghĩa tượng trưng: đó là cây cầu chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất vào năm 1975. Dĩ nhiên làm di tích, phục dựng được một cây cầu nguyên bản là vô cùng ý nghĩa. Cuối cùng thì toàn ngành GTVT đã vào cuộc “truy lùng” tìm kiếm những nhịp dầm thép y như kết cấu cây cầu hồi năm 1954 nhằm lưu giữ một chứng tích đặc biệt trong hành trình thống nhất đất nước.
Để có được cây cầu giống với thiết kế ban đầu, gồm hai nhịp dầm thép Eiffel hai đầu mố và năm nhịp Bailey ở giữa, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị ngành GTVT khắp cả nước nỗ lực tìm kiếm những nhịp cầu cũ đang còn lại trên địa bàn.
Nếu đúng như kiểu dáng của cây cầu cũ hiện còn lưu giữ trong hình ảnh tư liệu sẽ bằng mọi giá ưu tiên đưa về cho công trình phục chế cầu Hiền Lương. Riêng năm nhịp dầm dã chiến Bailey đã có tại Khu Quản lý đường bộ 4, khó nhất là tìm ra hai nhịp Eiffel. Sau bao nhiêu nỗ lực kiếm tìm, cuối cùng người ta cũng phát hiện hai nhịp dầm thép Eiffel đúng như người Pháp đã thiết kế cầu Hiền Lương năm xưa đang nằm tại...
Sở GTVT Gia Lai. Lệnh “điều động” đưa ngay hai nhịp dầm trên từ Gia Lai vượt cả ngàn cây số về tận Vinh để sửa sang gia cố đúng như nguyên trạng, sau đó chuyển vào Quảng Trị. Sau hơn một năm thi công, nguyên trạng chiếc cầu cũng đã được hoàn thành.
Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam những năm 1960 - Ảnh tư liệu |
“Cầu ma” một thời
Cầu Hiền Lương thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cách đây 55 năm, vào đúng ngày 20-7-1959 miền Bắc phát hành bộ tem chỉ có một mẫu tem của bưu chính VNDCCH với hình tượng chính là cầu Hiền Lương. Trên nền chiếc cầu là hình ảnh con chim bồ câu mang thông điệp hòa bình bay giữa bầu trời. Đặc biệt mẫu tem có ghi bốn chữ “Nối liền Nam - Bắc”. Khát vọng thống nhất non sông từ ngàn đời nay luôn là tâm nguyện cháy bỏng của dân tộc VN. (Theo tư liệu của ngành bưu chính viễn thông VN) |
Sau Hà Nội và Tây Bắc thì Quảng Trị là vùng đất thu hút nhiều tâm can và bút lực của nhà văn Nguyễn Tuân.
Ông có đến mười bài ký về Quảng Trị, trong đó có nhiều trang đau đáu về cầu Hiền Lương và sông Bến Hải trong thời gian nước non chia cắt.
Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn thèm đi như thèm sống này đã xê dịch trong Nam ngoài Bắc và mặc dù chỉ đi qua nhưng cầu Hiền Lương, Quảng Trị vẫn gieo vào lòng ông những ấn tượng khó quên: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng bào tôi, tôi có cái vinh dự được qua cầu Hiền Lương... Tôi đi bằng tàu hỏa, tôi đi bằng tàu biển, tôi đi bằng ôtô hàng...”.
Nhưng khi hòa bình lập lại thì bước chân nhà văn đã khựng lại trước chiếc cầu giới tuyến. Ông quặn thắt ruột gan khi không vào được miền Nam, được thăm lại non sông liền một dải.
Ông uất nghẹn nỗi đau chia cắt nên thốt lên rằng cầu Hiền Lương là “cầu ma”. Vì sao thế? Bởi vì cầu sinh ra là để giao thương, để mọi người qua lại nhưng lúc ấy cầu Hiền Lương lại phải đặt trên vai mình gánh nặng lịch sử, lại bị xô đẩy làm giới tuyến phân đôi không thể qua về.
Và một chiếc cầu mà không thể đi lại, qua về một cách bình thường như ngàn vạn chiếc cầu khác thì chỉ thể gọi là “cầu ma“ mà thôi. Trong bài ký này, ông đã gọi lên không chỉ một lần về “cầu ma”, “cầu giả vờ”, “tuyệt không có bóng bộ hành qua lại”.
Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị chia làm hai màu ngăn cách khiến nhà văn cảm thán “trông cũng đã khỉ lắm rồi!”.
Cũng thật thú vị và hi hữu khi các tài liệu lịch sử viết về cầu Hiền Lương đều có tham khảo ký Nguyễn Tuân, nhất là đoạn nói về những tấm ván trên cầu. Nhà văn kỹ tính và kỳ khu đã tỉ mẩn đếm từng tấm ván lót cầu Hiền Lương để rồi mô tả: “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm...” (Cầu ma).
Trong bài ký Cắm cột mốc giới tuyến, Nguyễn Tuân đã xót xa trước số phận oan ức, đau buồn của dòng sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương.
Ông gọi đó là “dòng sông không có đủ hai bờ”, là “sông tuyến” khi oằn mình gánh những oan khiên lịch sử.
Để rồi khi có hiệp định Paris năm 1973, ông mới vào phía nam sông Bến Hải chứng kiến cảnh hoang tàn của một chiến địa trên quê hương “Bà mẹ Gio Linh”. Trước mặt ông hiện ra cảnh “Quán Ngang chiến sự và vụn gãy chiến cụ nóng bỏng, thấy cả một vùng đất ruộng Gio Linh nhất đẳng điền này đã trở nên những trảng cỏ tranh cỏ lác điểm điểm đều đều những giếng ao bom”.
Và đó là quang cảnh hòa bình khi chiến tranh mới vừa ngưng tiếng súng.
Kỳ tới: Chuyến đi độc nhất vô nhị
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận